Ngày cuối năm, dân làng An Nha xã Gio An, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị làm nghi lễ thượng nêu ở đầu làng, cầu mong năm mới an lành, mùa màng bội thu.
Tại tỉnh Quảng Trị, phong tục thượng nêu ngày Tết hiện vẫn còn duy trì một số làng ở xã Gio An (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị).
Hằng năm, cứ vào ngày 25 tháng Chạp, người dân làng An Nha (xã Gio An) lựa chọn 1 cây tre già, cao, thẳng ở trong làng, rồi đốn hạ, giữ lại phần ngọn.
Cây tre được trang trí, treo các đồ vật, biểu tượng theo đúng phong tục và quan niệm của người xưa rồi đưa về một ngôi chùa Long Phước ở cạnh đình làng.
Lý do đưa cây nêu vào đặt ở chùa Long Phước, vì tương truyền rằng, khi Chúa Tiên Nguyễn Hoàng mất, dân làng An Nha đã lập miếu thờ chúa. Các đời chúa và vua nhà Nguyễn sau đó đã ban sắc phong, đổi từ miếu thờ thành chùa Long Phước.
Đến ngày thượng nêu, đoàn người mang trang phục cổ truyền mang theo trống, chiêng đến chùa rước nêu về bãi đất bằng phẳng ở đầu làng. Ở vị trí này có hệ thống giếng cổ Gio An, xung quanh là ruộng rau liệt được nuôi dưỡng bằng nguồn nước từ giếng Trạng.
Bằng các nghi lễ có từ xưa, cây nêu được dựng lên trang trọng. Khá đông người dân có mặt tại lễ thượng nêu.
Ông Nguyễn Ngọc Xuân - Trưởng tộc họ Nguyễn Ngọc ở xã Gio An cho biết, nghi lễ dựng nêu ở làng An Nha có từ xưa, nay con cháu cứ theo phong tục mà làm. Tại lễ dựng nêu, sẽ cầu nguyện năm mới an khang thịnh vượng cho mọi người và một vụ mùa bội thu.
Được biết, thông thường cây nêu được dựng lên sau khi tiễn ông Táo về trời và hạ nêu vào mùng 7 âm lịch, khi người dân bắt đầu trở lại việc đồng áng.
Cây nêu không chỉ mang ý nghĩa xua trừ điều không may, cung nghinh những thịnh vượng, tốt đẹp trong năm mới mà còn để gợi nhắc con cháu nhớ về quê hương trong dịp Tết.
Ông Lê Phước Hiếu - Chủ tịch UBND xã Gio An cho hay, hoạt động dựng nêu duy trì được văn hóa truyền thống. Ngoài An Nha, một số làng khác ở xã Gio An như Tân Văn, Gia Bình, Long Sơn... cũng có tập tục dựng nêu ngày Tết.