Đời sống xã hội

Thúc đẩy bình đẳng giới cho phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Nguyễn Dương 11/01/2024 - 21:38

Triển khai Dự án 8 thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 về “Thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp bách đối với phụ nữ và trẻ em”. Hội Liên hiệp Phụ nữ (HLHPN) các cấp huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An đã từng bước nâng cao nhận thức và trang bị những kiến thức cần thiết cho phụ nữ và trẻ em gái trong đồng bào dân tộc.

398-202401111427551.jpg
Phụ nữ thôn, xã thường xuyên đến nhà chị em thăm nắm, tuyên truyền về công tác bình đẳng giới trong phụ nữ và trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số.

Bà La Thị Nguyệt, dân tộc Đan Lai ở bản Cửa Rào, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An là một điển hình của sự người tiến bộ, vượt qua định kiến, vươn lên tự làm chủ cuộc sống. Năm 1999, khi có chủ trương di rời người Đan Lai ở vùng lõi rừng quốc gia Pù Mát, bà Nguyệt là người đầu tiên ký vào danh sách di rời, đến nơi ở mới. Năm 2013 bà viết đơn xin rút khỏi danh sách hộ nghèo.

Với người phụ nữ Đan Lai bị hủ tục đè nặng trên vai, chỉ quẩn quanh nơi góc bếp thì việc bà Nguyệt đã làm là chuyện khó tin với tộc người Đan Lai lúc đó, đặc biệt việc làm của bà tác động không nhỏ tới nhận thức cũng như từng bước làm thay đổi người trụ cột của người Đan Lai ăn sâu bám rễ bao đời nay. Mọi việc người phụ nữ đều làm được hết, có đàn ông thì đàn ông giúp đỡ, đàn ông đi làm xa thì phụ nữ cũng phải đảm nhiệm hết, bà Nguyệt chia sẻ.

Nếu bà La Thị Nguyệt là người phụ nữ Đan Lai mạnh dạn vươn ra khỏi những hủ tục, định kiến vươn lên thoát nghèo thì chị Lô Thị Biển, người phụ nữ dân tộc Thái là người giỏi việc nước, đảm việc nhà.Gần 20 năm gắn bó với công việc thôn bản từ hội trưởng Hội phụ nữ đến bí thư chi bộ, dù ở vị trí nào, bận việc xóm bản đến đâu chị vẫn tươm tất việc nhà, kinh tế gia đình cũng ngày một phát triển. Đặc biệt vợ chồng chị bình đẳng trong cả nếp nghĩ, cách làm luôn hỗ trợ nhau trong cuộc sống.

398-202401111427552.jpg
Chị Lô Thị Biển, Bí thư chi bộ bản Tân Sơn, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An là người luôn tận tâm với công việc, luôn thúc đẩy bình đẳng giới trong phụ nhữ dân tộc ở thôn bản

Chị Lô Thị Biển, Bí thư chi bộ bản Tân Sơn, xã Môn Sơncho biết:Bản thân mình phải nỗ lực, biết đấu tranh, biết vận dụng kỹ năng đưa người chồng của mình hòa nhập và chia sẻ với mình. Anh Ngàn Văn Thụ, chồng chị Biển chia sẻ thêm, tôi thấy vợ tôi làm gì tôi cũng làm để chia sẻ cùng vợ, khi vợ đi công tác thôn bản, hay ngoài huyện ở nhà tôi làm hết mọi việc,tôi chỉ nghĩ, khi còn khỏe mình có thể làm giúp vợ bất cứ một điều gì để vợ đỡ vất vả.

Có thể nói, nâng cao vị thế và thúc đẩy bình đẳng giới cho phụ nữ dân tộc thiểu số, cùng với sự quan tâm của chính quyền địa phương thì sự nỗ lực vươn lên của người phụ nữ chính là yếu tố quyết định.

Môn Sơn là một xã đặc biệt của huyện Con Cuông, khi có tới 50% người đứng đầu các xóm, bản là nữ, đội ngũ này đang phát huy rất tốt vai trò người đứng đầu, sự thay đổi trong nhận thức. Những cán bộ thôn bản ở Môn Sơn luôn dành hết tâm sức trong công việc, tranh thủ đến với bà con, đặc biệt đến với chị em phụ nữ trong bản chuyện trò cũng như hiểu rõ tâm tư, khích lệ họ tự tin trong phát triển kinh tế, xây dựng gia đình bình đẳng, hạnh phúc, cùng nhautham gia vào các hoạt động xã hội.

Ông Đặng Văn Thân, Bí thư Đảng ủy xã Môn Sơn, huyện Con Cuông cho biết:Ngày nay, phụ nữ và đàn ông bình đẳng như nhau, phụ nữ xã Môn Sơn tham gia nhiệm vụ của thôn, bản, giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt ở địa phương, tham gia nhiệm vụ chính trị cũng như phát triển kinh tế.Ở Môn Sơn, hiện nay có 7/14 bản có bí thư chi bộ là nữ, và 5 trưởng bản cũng là nữ. Tỷ lệ nữ quy hoạch vào các chức vụ lãnh đạo chủ chốt là 35%.

Để có được kết quả này, Hội phụ nữ, đoàn thể và chính quyền địa phương trên địa bàn đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực hỗ trợ phụ nữ yếu thế bằng các mô hình sinh kế, cấp giống cây con, các hội viên phụ nữ nếu muốn thành lập hội viên tổ hội, hay mô hình phát triển kinh tế thì đều được các cấp chính quyền hỗ trợ tối đa. Đặc biệt việc tuyên truyền cho chị em phụ nữ dân tộc thiểu số về bình đẳng giới được các cấp hội phụ nữ chú trọng.

Thông qua công tác tuyên truyền, hỗ trợ công tác về bình đẳng giới chị em đã nâng cao nhận thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.Cùng với đó tổ chức các lớp đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm, chăm sóc sức khỏe, tư vấn hôn nhân gia đình cho chị em dân tộc thiểu số cũng được triển khai thường xuyên. Hiện nay trên địa bàn tỉnh, có hàng trăm tổ nhóm câu lạc bộ, thu hút hàng nghìn chị em phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia sinh hoạt. Nhờ đó, ngày càng có nhiều chị em tham gia vào các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá qua đó nâng cao vai trò của phụ nữ trong xã hội. Các chị cũng chính là nòng cốt, tuyên truyền về bình đẳng giới.

Bà Lữ Thị Khuyên, Chủ tịch Hội LHPN huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An cho biết:Để thực hiện hiệu quả công tác bình đẳng giới, trong thời gian tới, chúng tôi có một số kiến nghị, đề xuất: Ngoài Hội phụ nữ ra thì trường học, Đoàn thanh niên và các tổ chức đoàn thể khác cũng vào cuộc quyết liệt để tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao kiến thức cho thế hệ trẻ và tầng lớp nhân dân trên địa bàn.

Ông Vi Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông, Nghệ An nói: Thời gian qua, chúng tôi rất chú trọng tuyên truyền về công tác tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đặc biệt trong đồng bào dân tộc Đan Lai. Quan tâm bồi dưỡng, quy hoạch đào tạo cán bộ nữ, trong đó có nữ lãnh đạo quản lý.

Trong thời gian tới, với lộ trình, kế hoạch đã được xây dựng chi tiết, cụ thể.Sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị để thực hiện công tác bình đẳng giới,Hy vọng, trong thời gian tới sẽ tổ chức một cách bài bản, hiệu quả cho công tác bình đẳng giới trên địa bàn.

Bằng hành động cụ thể các địa phương đã đạt được thành tựu đáng ghi nhận trong thực hiện bình đẳng giới và thực hiện quyền của phụ nữ dân tộc thiểu số. Tuy nhiên phụ nữ dân tộc thiểu số phải đối mặt không ít rào cản, việc lồng ghép chính sách về giới chưa được các cấp chính quyền quan tâm đúng mức tỷ lệ phụ nữ từ 19 - 49 tuổi sinh con tại các cơ sở y tế chỉ đạt khoảng 80%,; 40/53 dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn từ 20% trở lên thậm chí một số dân tộc có tỷ lệ tảo hôn từ 50 đến 60%; trong nhóm tảo hôn tỷ lệ trẻ em gái dưới 16 tuổi kết hôn cao gấp 3,4 lần trẻ em trai.

Mục tiêu của huyện Con Cuông, đến năm 2025 ít nhất 80% gia đình được tiếp cận thông tin, kiến thức pháp luật về bình đẳng giới, 30- 50% các xã có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống xây dựng mô hình bình đẳng giới và phòng chống bạo lực đối với phụ nữ. Trẻ em gái là mục tiêu mà hoạt động hỗ trợ bình đẳng giới giai đoạn 2018 - 2025 đề ra, cùng với đó chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 cũng dành riêng một dự án với kinh phí gần 4000 tỷ đồng để thực hiện bình đẳng giới và những vấn đề cấp thiết đối với trẻ em. Đây chính là cơ hội để nâng cao vai trò và vị thế của phụ nữ dân tộc thiểu số trong gia đình và xã hội góp phần vào sự phát triển tiến bộ của nữ giới trong vùng dân tộc thiểu số ở các địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO