Từ lâu, hình ảnh những người phụ nữ dân tộc Mông ở thôn Tà Là Cáo, xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa chăm chỉ, nắn nót từng đường kim mũi chỉ thêu thổ cẩm đã trở thành nét đẹp ở vùng đất được mệnh danh là "Cao nguyên đá của tỉnh Điện Biên". Mặc dù gặp nhiều khó khăn, song nhiều năm qua, các mẹ, các chị đã nỗ lực gắn bó và duy trì nghề thổ cẩm truyền thống này, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Vừa trở về từ Tuần văn hóa Điện Biên tại Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội, bà Giàng Thị Mảy vui lắm. Vừa được giao lưu, vừa tham gia trưng bày và bán hàng trong Hội chợ. Ba ngày tham gia lễ hội, bà Mảy bán được mấy cái khăn thổ cẩm và hàng trăm chiếc vòng tay, túi xách thổ cẩm, bóng vải, những vật dụng trang trí bằng thổ cẩm. Đây là cơ hội để những sản phẩm thêu dệt của dân tộc Mông ở Tủa Chùa được mọi người biết đến và cũng là cơ hội để cho các chị trong tổ thêu dệt thôn Tà Là Cáo kiếm thêm thu nhập.
Thôn Tà Là Cáo, xã Sính Phình thuộc, Tủa Chùa được nhiều người biết đến với mô hình dệt thổ cẩm. Trước đây, các sản phẩm thổ cẩm của người Mông ở Tủa Chùa chủ yếu phục vụ nhu cầu thôn thân và gia đình, làm của hồi môn cho con gái khi lấy chồng. Khi tham gia tổ hợp, chị em đã làm ra các sản phẩm thổ cẩm mới như: váy, áo, khăn quàng, túi đeo điện thoại… Những sản phẩm đó trở thành hàng lưu niệm được du khách trong và ngoài nước rất ưa chuộng.
Đã thành lệ từ nhiều năm nay, sau khi kết thúc công việc ruộng nương, chị em trong thôn Tà Là Cáo lại tập trung tại một gia đình cùng làm, trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp, gom sản phẩm cùng giao cho khách hàng để cải thiện thu nhập. Bằng bàn tay khéo léo, chuyên cần và sáng tạo của những người phụ nữ Mông các sản phẩm thêu thổ cẩm từ tổ thêu dệt truyền thống thôn Tà Là Cáo đã nhiều lần được tham dự hội chợ trong và ngoài tỉnh, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Được sự hỗ trợ của các đơn vị, ban ngành, tổ thêu dệt Tà Là Cáo ngày càng có nhiều đơn hàng, tổ trưởng Giàng Thị Mảy có nhiệm vụ nhận các đơn hàng, sau đó phân chia nguyên liệu cho thành viên mang về nhà tự làm; đồng thời tìm tòi những mẫu mới để áp dụng vào sản phẩm thổ cẩm cho phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.
Bà Giàng Thị Mảy là người có công đầu trong việc sáng lập Tổ hợp thêu truyền thống phụ nữ Mông. Tổ thêu được thành lập từ năm 2003 và hoạt động từ đó đến nay, năm 2017, tổ có trên 120 thành viên, hiện nhóm thêu có hơn 60 thành viên của 5 thôn, thôn: Ðề Dê Hu 1, 2; Dê Dàng 1, 2; Tà Là Cáo. Trong đó thôn Tà Là Cáo có số thành viên đông nhất. Trong những năm qua, hoạt động của nhóm thêu đã góp phần duy trì bảo tồn và phát triển nghề thêu dệt thổ cẩm của đồng bào Mông nói chung, giúp hội viên phụ nữ xã Sính Phình có thêm việc làm, thu nhập lúc nông nhàn.
Nhờ đó, đến nay, thu nhập bình quân của các thành viên trong nhóm đạt dao động từ 2 -3 triệu đồng/người/tháng, góp phần đáng kể để từng bước cải thiện đời sống gia đình. Điều đáng nói hơn, từ khi tham gia nhóm thêu, chị em được trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng thêu. Nhờ vậy, các sản phẩm làm ra ngày càng đẹp và tinh xảo hơn. Chị em cũng được nâng cao về kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống, kiến thứcnuôi dạy con cái, chăm sóc gia đình. Một số chị còn khắc phục khó khăn, tham gia học xoá mù, học tiếng phổ thông và đã có thể theo học các lớp tập huấn về mẫu mã, nhận biết màu chỉ phù hợp với từng mẫu thiết kế…
Bà Giàng Thị Mảy chia sẻ: Đến nay đã gần 21 năm gắn bó với nghề thêu dệt. Từ bé tôi đã được mẹ dạy cho cách vay vá, thêu thùa để tự thêu váy, thêu áo, thêu túi, thêu địu em bé... Bà dạy cho mẹ, mẹ lại dạy cho con, cứ thế từ đời này qua đời khác để không mất đi nghề truyền thống của dân tộc mình.
“Để tạo nên những tấm vải thổ cẩm độc đáo, các thành viên trong tổ bắt đầu công đoạn dùng kỹ thuật in, vẽ sáp và thêu với nhiều họa tiết khác nhau. Sau đó, vải được nhuộm chàm tự nhiên. Sau nhiều lần ngâm, nhuộm, khi vải đã có màu sẫm thì đem nhúng vào nước sôi, sáp ong sẽ chảy ra để lại những hoa văn.
Quy trình dệt, thêu trang phục truyền thống đòi hỏi sự khéo tay, chăm chỉ và là tiêu chí để đánh giá tài năng của người phụ nữ Mông. Sản phẩm thổ cẩm khi đã hoàn thiện đều được trang trí độc đáo với những hoa văn, họa tiết khác nhau, với nhiều gam màu chủ đạo như trắng, đỏ, vàng, xanh lá cây, tím… tạo nét riêng có trên những bộ trang phục của đồng bào Mông huyện Tủa Chùa, những sản phẩm thủ công này đòi hỏi kỳ công, tỉ mỉ và mất thời gian nên cũng được nhiều khách hàng lựa chọn”, bà Mảy chia sẻ.
Để sản phẩm dễ dàng đến tay người tiêu dùng, bất cứ khi nào có cơ hội giới thiệu sản phẩm ra ngoại tỉnh, bà Mảy cùng các chị em trong tổ đều cố gắng tham dự, tích cực giới thiệu tại các sự kiện thương mại hội chợ, triển lãm; không những vậy, các bà, các chị còn trình diễn trực tiếp các công đoạn vẽ sáp ong hay thực hiện quá trình thêu thùa truyền thống để nâng cao giá trị sản phẩm… Nhờ đó mà hiện nay, khách hàng của tổ chủ yếu ở ngoại tỉnh. Sản phẩm thêu dệt truyền thống Tà Là Cáo đã tới được khá nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Trong nhiều năm qua, sản phẩm thêu của tổ thêu dệt truyền thống Tà Là Cáo đã góp phần duy trì bảo tồn thôn sắc văn hóa dân tộc, tạo việc làm và thu nhập cho hội viên là kết quả đáng ghi nhận, từ đó góp phần nâng cao nhận thức của phụ nữ trong việc chủ động phát triển kinh tế hộ, chăm lo xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc theo hướng bền vững.
Tuy nhiên, bà Mảy cũng như các chị em vẫn không nguôi trăn trở khi việc quảng bá và tìm đầu ra cho các sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn, tính bền vững của nhóm chưa được ổn định… Nguyện vọng lớn nhất của các bà, các chị trong nhóm thêu thôn Tà Là Cáo là mong các cấp tiếp tục tìm kiếm, kết nối các sáng kiến của phụ nữ với các nhà tài trợ, các doanh nghiệp, các tổ chức trong và ngoài nước để chị em có điều kiện phát triển kinh tế, tham gia vào các hoạt động xã hội, góp phần làm giàu cho chính mình và quê hương.
Nhiều năm gần đây, do ảnh hưởng của kinh tế thị trường, hàng hóa đa dạng phong phú, giá cạnh tranh nên số người dùng sản phẩm thêu dệt thổ cẩm đã giảm đáng kể. Nghề thêu dệt thổ cẩm dân tộc Mông có nguy cơ bị mai một.
Để duy trì, phát triển nghề thêu dệt thổ cẩm ở Tủa Chùa, vừa qua, UBND huyện Tủa Chùa đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với sản phẩm OCOP và du lịch nông nghiệp nông thôn giai đoạn 2023 -2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó có nghề dệt thổ cẩm ở xã Sính Phình.
Ông Phạm Quốc Đạt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tủa Chùa cho biết: Những người phụ nữ Mông ở Tủa Chùa đang góp phần giữ gìn, bảo tồn, khôi phục nghề dệt, thêu truyền thống của dân tộc. Họ chính là lực lượng phát huy tốt nhất những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc gắn với phát triển du lịch như một mục tiêu trong Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hướng đến, khi thôn thân họ vừa là người bảo tồn, lưu giữ, vừa là người trao truyền cho các thế hệ sau.
Vì dễ thất truyền, việc khai thác và truyền dạy nghề từ lớp nghệ nhân này là hết sức quan trọng và cần có chính sách hỗ trợ thích đáng, tạo điều kiện về mọi mặt để họ truyền dạy nghề cho lớp trẻ. Tình hình mới đòi hỏi các làng nghề truyền thống không thể sản xuất nhỏ lẻ, manh mún mà cần sản xuất tập trung. Một mặt nâng cao chất lượng sản phẩm, mặt khác phải tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, kết hợp ngành du lịch để giới thiệu và bán sản phẩm.