Tiêu điểm

Tháo gỡ tối đa vướng mắc trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia

Vy Khanh (T/h) 16/11/2023 - 18:36

Sáng 15/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó đề xuất trình Quốc hội một Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Tại phiên họp, thay mặt Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành trình bày báo cáo về vấn đề xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số nội dung để chuẩn bị trình Quốc hội Nghị quyết về giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.

Trong đó về chủ trương xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho biết, theo quy định Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ sẽ phải thực hiện 2 quy trình báo cáo Quốc hội gồm: Báo cáo xin chủ trương xây dựng Nghị quyết; và Trình Quốc hội hồ sơ dự thảo Nghị quyết sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương xây dựng.

Vì vậy, để bảo đảm kỳ họp gần nhất Quốc hội có thể xem xét thông qua được Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện trong bối cảnh chỉ còn 2 năm thực hiện các Chương trình, Đoàn giám sát đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thể hiện trong dự thảo Nghị quyết giám sát nội dung: Thông qua chủ trương xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 và cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện quyết định cơ cấu nguồn vốn, phân bổ sử dụng vốn ngân sách nhà nước trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia theo trình tự, thủ tục rút gọn; đồng thời, giao Chính phủ xây dựng Hồ sơ theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

img-7561-1700024520891.png
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Cho ý kiến về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, cần có chủ trương xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới. Do đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục chuẩn bị nội dung kỹ lưỡng, phải tạo sự thống nhất, nếu đề xuất mới, bổ sung thêm thì cần nêu rõ.

Sau khi nghe các đại biểu thảo luận, Chủ tịch Quốc hội cho biết, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi với 34 lượt ý kiến phát biểu, 08 tranh luận và 02 văn bản góp ý. Theo đó, các đại biểu đồng tình đánh giá rất cao kết quả giám sát và ý nghĩa của cuộc giám sát này.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, Thường trực Đoàn giám sát huy động lực lượng của Đoàn giám sát và các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan hữu quan giúp UBTV Quốc hội hoàn thiện Báo cáo tiếp thu, giải trình với cách thức thể hiện ngắn gọn, rõ ràng; đặc biệt Dự thảo Nghị quyết phải hết sức chặt chẽ, bảo đảm yêu cầu về kỹ thuật lập pháp.

img-7558-1700024602801.jpeg
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành trình bày báo cáo tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Về nội dung Dự thảo Nghị quyết giám sát, Chủ tịch Quốc hội cho biết, qua thảo luận cho thấy các đại biểu cơ bản đồng tình với việc ban hành Nghị quyết cơ chế đặc thù theo thể thức rút gọn. Tuy nhiên, cách thức thể hiện như thế nào cần tiếp tục bàn thảo cụ thể, đúng tinh thần quy định Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bám sát kết luận của Trung ương về vấn đề thực hiện cơ chế khoán kinh phí, giao thẩm quyền cho cấp huyện trên cơ sở điều hành của cấp tỉnh. Các nội dung trong cơ chế đặc thù có cả vấn đề về điều chỉnh danh mục dự án đầu tư…

Đối với các vấn đề về ngân sách như quyết toán ngân sách, kéo dài vốn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị trên cơ sở kết quả thảo luận tại phiên họp đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chuẩn bị báo cáo chính thức của Chính phủ về vấn đề này. Giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội thẩm tra về nội dung. Tinh thần là tháo gỡ tối đa vướng mắc trong thực hiện các Chương trình MTQG nhưng không được để ra xung đột pháp luật, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, báo cáo của Đoàn giám sát việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong triển khai các Chương trình. Điển hình là tiến độ giải ngân vốn ngân sách Trung ương cả 3 Chương trình còn chậm, nhất là vốn sự nghiệp.

Đến ngày 31/1/2023, vốn năm 2022 giải ngân chỉ đạt 42,49% kế hoạch (vốn đầu tư phát triển đạt 54% kế hoạch, vốn sự nghiệp chỉ đạt 7,82% kế hoạch); giải ngân kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương năm 2023 đến tháng 6/2023 mới đạt 5,33% kế hoạch, giải ngân vốn đầu tư công ước đến 31/8/2023 mới đạt 41,9% kế hoạch. Khả năng hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn ngân sách Trung ương đến năm 2025 là rất khó khăn.

Bên cạnh đó, việc nắm bắt các vấn đề, hướng dẫn, hỗ trợ, tháo gỡ các vướng mắc trong triển khai thực hiện Chương trình chưa kịp thời. Ở cấp xã, huyện rất lúng túng trong việc thẩm định giá, quy trình thực hiện đấu thầu, phê duyệt thầu, lựa chọn thầu; điều chỉnh danh mục, quy mô, đối tượng thụ hưởng… với các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo cộng đồng và liên kết chuỗi giá trị, các bộ, ngành Trung ương chưa kịp thời tổng hợp được kết quả và công khai minh bạch việc trả lời kiến nghị, khó khăn vướng mắc của địa phương.

Tình trạng cát cứ, manh mún, phân tán, làm cho các cơ chế lồng ghép, phân cấp, phân quyền, cơ chế đặc thù theo chủ trương của Đảng và Nhà nước không được phát huy hiệu quả trên thực tế, làm lãng phí nguồn lực của Nhà nước và xã hội, các Chương trình chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

Từ việc chỉ ra nguyên nhân của các tồn tại, bất cập, Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan hoàn thành trong năm 2023 rà soát, sửa đổi, bổ sung những cơ chế, chính sách chưa phù hợp, khó thực hiện thuộc thẩm quyền của Chính phủ để triển khai đầy đủ cơ chế, nguyên tắc, nội dung chính sách trong các Nghị quyết của Quốc hội về phê duyệt Chủ trương đầu tư thực hiện các Chương trình; rà soát, sửa đổi, bổ sung các tiêu chí, chỉ tiêu trong bộ tiêu chí nông thôn mới cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý sớm vốn tồn đọng do giải ngân chậm; có cơ chế đặc thù về vốn thực hiện các Chương trình cho các tỉnh khó khăn miền núi; tăng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội cho Ngân hàng Chính sách xã hội để tăng mức vay hỗ trợ giảm nghèo, nhất là vay vốn xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người nghèo, cận nghèo trên địa bàn nông thôn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO