Đời sống xã hội

Tháo gỡ khó khăn để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Ngọc Tuấn 03/12/2023 - 12:38

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719), tính đến cuối tháng 9/2023, toàn tỉnh giải ngân đạt trên 42% kế hoạch vốn Trung ương giao theo giai đoạn 2021-2023. Để đạt mục tiêu kế hoạch giải ngân, tỉnh xác định tập trung tháo gỡ khó khăn, tiếp tục triển khai quyết liệt, vướng mắc ở đâu, tìm phương án tháo gỡ ở đó, bảo đảm nguồn vốn phát huy hiệu quả trong thực tiễn.

Tỉnh Phú Thọ có 50 thành phần dân tộc với tổng số trên 1,4 triệu người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 17,15% (đông nhất là dân tộc Mường, chiếm 14,92%). Những năm qua, vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn tỉnh (tập trung ở các huyện: Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập, Đoan Hùng, Thanh Thủy) luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh. Các chương trình, dự án, chính sách đầu tư, hỗ trợ đã giúp vùng DTTS&MN ngày càng hoàn thiện hạ tầng, văn hóa - xã hội thiết yếu.

Đồng bào được tiếp cận các nguồn lực, nhất là cây, con giống, vật tư phân bón, tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhờ vậy năng suất cây trồng, vật nuôi, thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các DTTS ngày một nâng cao, thu hẹp dần khoảng cách giữa vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn với các vùng khác trên địa bàn tỉnh.

111d5090733t3450l3-145d1090838t1615l8-z.jpg
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS gắn với phát triển du lịch, nâng cao đời sống người dân.

Đồng chí Cầm Hà Chung - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Nhằm tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững; quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa... thời gian qua, việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn được tỉnh quan tâm chỉ đạo, thực hiện quyết liệt. UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình MTQG của tỉnh, giai đoạn 2021-2025; Tổ công tác về Chương trình MTQG 1719 với 26 thành viên thuộc các sở, ban, ngành có liên quan. Đến nay, hệ thống cơ chế các văn bản tổ chức triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 thuộc thẩm quyền của cấp tỉnh cơ bản đã hoàn thành.

Ban Dân tộc và các sở, ngành được giao làm chủ dự án, tiểu dự án đã bám sát các quy định theo phân cấp của các bộ, ngành liên quan để ban hành hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được phân công. Trong quá trình thực hiện, các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, thanh tra, giám sát, kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện, chỉ đạo UBND cấp huyện thực hiện điều chỉnh các nội dung đảm bảo đúng theo quy định, kịp thời có giải pháp tháo gỡ đối với những khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện Chương trình.

Bên cạnh đó, các hoạt động truyền thông, thông tin, tuyên truyền, cung cấp thông tin kịp thời về các chủ trương, chính sách thụ hưởng nói chung, các nội dung thuộc Chương trình nói riêng được đẩy mạnh, từ đó nhiều người dân đã tự nguyện hiến đất, hỗ trợ chính quyền trong công tác giải phóng mặt bằng, thi công các công trình hạ tầng để phục vụ hoạt động sản xuất, đời sống...

Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021-2030, khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với phát triển vùng đồng bào DTTS&MN. Đây là lần đầu tiên có một Chương trình MTQG dành riêng cho vùng đồng bào DTTS&MN. Chương trình được thiết kế với 10 dự án thành phần, có sự tham gia của nhiều bộ, ngành. Các nội dung của Chương trình mang tính chất tổng thể, bao phủ nhiều mặt của đời sống kinh tế-xã hội với kỳ vọng ưu tiên giải quyết những vấn đề cấp thiết nhất hiện nay của đồng bào DTTS.

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021-2025, trên địa bàn tỉnh hơn 1.177 tỉ đồng, trong đó ngân sách Trung ương trên 962 tỉ đồng, ngân sách địa phương hơn 215 tỉ đồng. Tổng số vốn bố trí thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2023, trên 784,3 tỉ đồng. Đến nay đã giải ngân trên 331,3 tỉ đồng (trong đó vốn đầu tư phát triển gần 299 tỉ đồng, vốn sự nghiệp hơn 32,6 tỉ đồng), đạt trên 42% kế hoạch.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ giải ngân chậm đối với nguồn vốn Chương trình MTQG 1719. Cụ thể như đối với Dự án 1 về “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt” nội dung hỗ trợ nhà ở quy định cơ chế đặc thù trong hỗ trợ đầu tư cho các đối tượng chính sách thuộc nội dung của chương trình MTQG, sử dụng vốn đầu tư công để hỗ trợ trực tiếp bằng tiền, không quản lý theo hình thức dự án đầu tư, tài sản hình thành sau đầu tư không là tài sản công.

111d5090741t7363l8-chan-trang-ngoc-tuan.jpg
Huyện Tân Sơn bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng thiên tai khu Dù, xã Xuân Sơn theo Dự án 2 Chương trình MTQG 1719.

Tuy nhiên, khi rút kinh phí để chi trả cho hộ đối tượng, do tính chất nguồn vốn giao là nguồn vốn đầu tư nên phía Kho bạc Nhà nước yêu cầu mở mã số dự án đầu tư để thanh toán theo hình thức đầu tư. Do hỗ trợ trực tiếp bằng tiền nên khi mở mã số dự án không có Quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật, phê duyệt dự toán của dự án.

Do vậy, đến nay chưa rút kinh phí để chi trả hỗ trợ cho các hộ dân xây nhà. Hoặc Dự án 2 quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết nguồn vốn đầu tư thực hiện năm 2023 trên 38,4 tỉ đồng, đến hết tháng 9/2023 mới giải ngân được hơn 16,5 tỉ đồng, đạt 42,9%. Nguyên nhân là so với thời điểm khảo sát xây dựng dự án, tại thời điểm hiện tại, một số điểm quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư còn rất ít đối tượng thụ hưởng.

Một số nguyên nhân gây khó khăn nữa như: Định mức các nội dung đầu tư so với thực tế thực hiện còn thấp trong nội dung 1, tiểu dự án 1, thuộc Dự án 4 đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS&MN; trong Dự án 5 phát triển giáo dục - đào tạo (GD&ĐT), nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thì tại Quyết định 1719/QĐ-TTg, ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025, không đề cập đến nội dung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú, không có nội dung chi theo Thông tư hướng dẫn nhưng hướng dẫn của Bộ GD&ĐT lại quy định cụ thể về nội dung này...

Điều này dẫn đến địa phương đã xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện nội dung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nhưng chưa triển khai được do chưa có quy định về nội dung chi tại Thông tư số 55/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính, khả năng phải hoàn trả ngân sách Trung ương ba tỉ đồng...

Đồng chí Nguyễn Xuân Toản - Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn cho biết: Các dự án, tiểu dự án và nội dung của các Chương trình MTQG rất đa dạng về nội dung, hình thức triển khai trong khi quy mô các công trình, các nội dung chính sách lại nhỏ, được quy định với nhiều định mức khác nhau dẫn tới khó khăn trong quá trình tổng hợp, hướng dẫn tổ chức thực hiện; một số văn bản hướng dẫn thực hiện của Trung ương còn chậm, chưa cụ thể, rõ ràng; nguồn vốn năm 2022, giao muộn dẫn đến phải chuyển sang năm 2023, vì vậy khối lượng vốn phải giải ngân trong năm 2023 là rất lớn (gồm kế hoạch vốn 2023 và năm 2022 chuyển nguồn sang) nên rất khó để triển khai thực hiện kế hoạch và giải ngân hết các nguồn vốn theo quy định.

Theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cầm Hà Chung, nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân chậm đã được xác định rõ, vướng mắc ở đâu thì tìm phương án tháo gỡ ở đó. Về phía tỉnh cũng đã có kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu cho phép kéo dài nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG 1719 phân bổ năm 2023 sang năm 2024; sớm sửa đổi, bổ sung một số nội dung còn vướng mắc tại Quyết định số 1719, cho phép tỉnh Phú Thọ điều chỉnh mục tiêu giảm tỉ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS từ 2% xuống còn 1,3% để phù hợp với thực tiễn của tỉnh khi áp dụng theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025.

Đồng thời, có phương án tháo gỡ quy định về việc thực hiện nội dung hỗ trợ đầu tư có thu hồi vốn theo hộ hoặc cộng đồng chăn nuôi, phát triển sản xuất thông qua vay vốn tín dụng chính sách với lãi suất ưu đãi đặc biệt; quy định về Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên là cơ sở giáo dục nghề nghiệp và mở rộng địa bàn thụ hưởng đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để địa phương thuận lợi trong công tác triển khai dự án; bổ sung nội dung cho phép xây mới đối với các hạng mục trường học để đảm bảo mục tiêu đầu tư bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất trường học...

Có thể nói, nguồn lực của Trung ương triển khai Chương trình MTQG 1719 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tác động to lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN của tỉnh. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, triển khai quyết liệt các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình, nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành, bảo đảm nguồn vốn phát huy hiệu quả trong thực tiễn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO