Khi những ngọn gió xuân thổi nhẹ, người Dao, người Mông, người Tày… ở các bản làng lại rộn ràng váy áo, cùng nhau so tiếng đàn, tiếng khèn, cất lời hát. Tết ở bản giờ đã no đủ rồi, lời hát điệu múa dường như cũng ngọt hơn.
“Váy hoa em vừa dệt xong
Rượu đã dậy thơm nồng
Nương rẫy nhiều lúa gạo
Mùa trăng này sẽ bắt anh
Bắt anh về làm chồng…”
Chị Lý Thị Mai, dân tộc Dao Đỏ ở thôn Nà Lạ, xã Sơn Phú (Na Hang, Tuyên Quang) cất tiếng hát gọi mùa xuân đến. Ở Nà Lạ, từ ngày 20 tháng Chạp, nhà nhà lo sửa sang nhà cửa, chuẩn bị lá dong, gạo nếp, rượu thịt đón Tết. Trước đó khoảng 6 đến 7 tháng, nhà nào, nhà nấy đều phải nuôi lợn để chuẩn bị lợn ngon mổ trong dịp Tết.
Việc quan trọng nhất của mỗi nhà là chọn ngày đẹp trong 10 ngày còn lại cuối năm để đón thầy cúng về làm lễ, trước là để cúng tổ tiên, thông báo cho tổ tiên rằng năm cũ sắp qua, năm mới sắp tới. Đây cũng là dịp để con cháu tỏ lòng biết ơn đến ông bà, tổ tiên đã phù hộ cho con cháu trong năm qua. Sau là đuổi trừ tà ma, tiễn mọi điều xấu rủi ro theo năm cũ, cầu cho mọi sự an lành, may mắn, thịnh vượng trong năm mới sẽ đến. Sau đó, thầy cúng sẽ viết chữ lên những mảnh giấy màu đỏ để dán lên bàn thờ, cửa ra vào, chuồng gia súc với ý nghĩa cầu cho sức khỏe, mùa màng bội thu.
Trong đêm giao thừa, bàn thờ mỗi nhà đều có mâm lễ cúng tổ tiên gồm: gà luộc, bánh dày, bánh chưng, hoa quả, rượu và 2 cây mía còn đủ ngọn, lá dựng hai bên. Sau đó họ đốt giấy tiền, vàng mã, cầu mong một năm mới nhiều tài lộc, cuộc sống sung túc, làm ăn thuận hòa.
Người Dao Tiền ở Trung Minh (Yên Sơn, Tuyên Quang) vẫn giữ tục lệ lấy nước đêm giao thừa và sáng mùng 1. Già làng Chu Tuần Ngân ở Bản Pình kể, trước đây người Dao chưa có bể chứa, chưa có xô có chậu, nước vẫn đựng trong các ống bương. Trước giao thừa, nước trong các ống bương phải thật đầy, không được để ống nào cạn, không có nước. Sáng mùng 1, các ống nước cũng phải được lấy mới cho thật đầy đủ, vì người Dao quan niệm, nước trong nhà tượng trưng cho một năm làm ăn đủ đầy. Nhà nào không lấy đủ nước, năm đấy bồ thóc không tràn, hạt ngô không đậu kín, con gà con lợn nuôi không được béo tròn.
Người Dao Tiền cũng giữ phong tục tắm lá thơm, rễ cây thơm sạch, rồi mới vận bộ trang phục đẹp nhất, mới nhất trước khi thời khắc giao thừa điểm. Với họ, đây là cách để bỏ đi những điều không may của năm cũ. Đặc biệt là phong tục giữ lửa đỏ trong bếp suốt 3 ngày Tết. Già làng Chu Tuần Ngân bảo, từ trước Tết, nhà nhà đã phải chất củi đầy kho. Trong đó, phải chọn sẵn những cây củi mẹ chắc nhất, to nhất để dùng trong 3 ngày Tết. Với người Dao, lửa giống như mặt trời, phải giữ mặt trời ấm áp trong nhà, để cả năm gia đình hòa thuận ấm êm, người trong nhà mới giữ được nụ cười trên môi.
Từ trước Tết cả tháng, người Mông ở Khuôn Thẳm, Tân Mỹ (Chiêm Hóa) đã dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, củi đuốc chất đầy trong sân. Chị Lý Thị Gia nhanh tay rửa sạch từng chiếc cuốc, con dao, từng cái cầy, cái bừa trong nhà, dán giấy đỏ lên từng món đồ vật. Chị bảo, mình thay cho nó chiếc áo mới đấy.
Với người Mông, đồ vật cũng như con người. Năm mới, người nghỉ, đồ cũng phải nghỉ. Nếu không nghỉ thì năm mới, chúng chẳng còn đủ sức mà phục vụ con người.
Món ăn không thể thiếu trong Tết của người Mông là bánh dày. Người Mông quan niệm, bánh dày tròn tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời. Đây là nguồn gốc sinh ra con người và vạn vật trên mặt đất. Người Mông không đón giao thừa mà quan niệm tiếng gà gáy đầu tiên của sáng sớm mùng một mới là cái mốc đánh dấu bắt đầu một năm mới. Vào ngày này, đàn ông dậy làm hết mọi việc thay phụ nữ, từ cho lợn, gà ăn đến nấu cơm. Người Mông quan niệm, con trai là trụ cột của gia đình nên tất cả mọi việc trong gia đình phải chịu trách nhiệm để giữ được truyền thống cho cả năm.
Tết đến, ngoài những trò chơi truyền thống như đẩy gậy, bắn nỏ, ném pao, đi cà kheo… thì thanh niên người Mông thích nhất là chơi tù lu. Từ sáng sớm, trên bãi đất trống đầu bản, cũng có khi là ngay trên ruộng lúa vừa gặt, các hội tù lu (đánh cù) náo nhiệt thu hút cả người già, trẻ em đến chơi.
Năm mới, tiếng khèn, tiếng sáo, tiếng hát của những chàng trai cô gái vấn vít trong nắng mai, trong những tà váy rực rỡ sắc màu. Bản làng bừng sức sống, Tết đã về, như lời hẹn cho một năm mới vạn sự bình an.