Trong văn hóa của đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở huyện Định Hóa, Thái Nguyên, Tết có giá trị quan trọng. Cho đến nay, đồng bào vẫn lưu giữ nhiều phong tục, tập quán đặc sắc đón năm mới.
Đồng bào Tày, Nùng ăn Tết nguyên đán giống người Kinh và thời điểm thiêng liêng nhất của năm là đêm giao thừa. Nghệ nhân nhân dân Hoàng Thị Hồng, dân tộc Nùng, xã Phượng Tiến, huyện Định Hóa, Thái Nguyên, cho biết, người Nùng bắt đầu sắm Tết từ sớm, nhưng rầm rộ từ ngày 28 tháng Chạp. Càng gần Tết, các phiên chợ của đồng bào càng đông với đầy đủ các loại hàng hóa từ thức ăn, quần áo cho đến đồ trang trí…
Để đón Tết, mỗi nhà đều sửa sang nhà cửa, dọn dẹp sạch sẽ ban thờ, mời vong linh cha mẹ, ông bà tổ tiên về ăn Tết. Các món ăn trong ngày Tết của người Nùng mang dấu ấn riêng của dân tộc, như lạp xườn, khâu nhục, khẩu sly (bánh bỏng), chè lam, các loại bánh…
Trong khi đó, theo nghệ nhân Triệu Thị Chủ, dân tộc Tày, Định Hóa, Thái Nguyên: “Ngày Tết người Tày thường dâng trời đất, tổ tiên những sản vật do mình làm ra trong năm qua. Bận gì thì bận, nhưng để dâng lên tổ tiên, thần linh, chúng tôi thường tự tay làm các món ăn, và hoàn toàn không dùng phẩm màu".
"Ngày Tết, người Tày thường gói nhiều bánh thể hiện sự no đủ. Chúng tôi có bánh lá gai, lá ngải, bánh răng bừa… và đặc biệt, Tết cổ truyền không thể thiếu bánh chưng dài. Từ bé, chúng tôi đã được ông bà dạy đãi gạo nếp sạch, ngâm với nước tro, khi luộc xong treo chỗ thoáng mát để bánh không thiu…” - nghệ nhân Triệu Thị Chủ kể.
Nghiên cứu về văn hóa các tộc người trong nhiều năm qua, GS.TS. Bùi Quang Thanh, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam chia sẻ: “Để đón năm mới và đón mùa xuân, đồng bào Tày, Nùng chuẩn bị rất kỹ. Trước hết là sửa sang nhà cửa, sau đó chuẩn bị các nguyên liệu để làm bánh, bởi người Tày, Nùng có rất nhiều loại bánh phục vụ cho ngày Tết, cũng như chuẩn bị ẩm thực đón những người thân đi xa trở về nhà ăn Tết. Bên cạnh đó, họ còn chuẩn bị trang phục mới và đồ trang sức truyền thống. Đồng bào cũng luyện tập sinh hoạt văn nghệ, hát then, hát lượn, chuẩn bị cơ sở vật chất để làm lễ hội lồng tồng - lễ hội lớn nhất trong năm…”
Theo GS.TS. Bùi Quang Thanh, giống như người Kinh, đồng bào Tày, Nùng cũng đi thăm chúc Tết giữa các gia đình trong làng bản, nhưng có điều đặc biệt là đồng bào còn dành ra một khoảng thời gian để sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Hiện nay, một số nơi, đồng bào sinh hoạt ở nhà văn hóa của thôn, cùng ca múa hát, các thế hệ giao lưu, chúc Tết nhau…
Đồng bào Tày, Nùng rất có ý thức bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc. Ví dụ như ý thức về trang phục, món ăn của dân tộc và đặc biệt là ý thức về thực hành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tưởng nhớ người đã khuất theo đạo lý uống nước nhớ nguồn...
Tuy nhiên, sự biến đổi của văn hóa Tết các dân tộc cũng nằm trong quy luật biến đổi chung của văn hóa. Nếu nhìn trong phạm vi đón Tết hay đón mùa xuân, sự biến đổi diễn ra ở nhiều cấp độ, mức độ và phạm vi khác nhau, như thay đổi về thái độ đón Tết, chuẩn bị Tết, một số phong tục, tập quán cũng bị phai nhạt như tục mừng tuổi, sự quây quần, sum họp trao truyền kinh nghiệm giữa các thế hệ trong gia đình; mặc trang phục dân tộc…
Để gìn giữ bản sắc dân tộc Tày, Nùng qua các phong tục ngày Tết, GS.TS. Bùi Quang Thanh cho rằng, quan trọng là đẩy mạnh tuyên truyền, đề cao ý thức dân tộc, để đồng bào thấy rõ giá trị của văn hóa truyền thống, từ đó duy trì và trao truyền...