Sau hơn 2 năm triển khai Đề án hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát (XNT,NDN) trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, hàng nghìn hộ nghèo, hộ gia đình chính sách được hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà ở, ổn định đời sống. Đây là chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn xã hội, giúp các hộ nghèo ổn định chỗ ở, yên tâm lao động, sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, niềm vui được nhân lên khi các hộ nghèo được dọn đến ngôi nhà mới trong dịp Tết đến, xuân về.
Đề án nhân văn và thiết thực
Cao Bằng là tỉnh được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đồng ý lựa chọn thí điểm chỉ đạo thực hiện XNT,NDN cho hộ nghèo, gia đình chính sách; ưu tiên nguồn lực để triển khai. Từ kinh nghiệm thực tiễn và tiếp nối thành công của chương trình hỗ trợ tại huyện Hà Quảng, tỉnh ban hành nhiều nghị quyết về thực hiện hỗ trợ XNT,NDN trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình với tinh thần quyết tâm, quyết liệt, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tạo sức lan tỏa trong toàn tỉnh, góp phần tạo điều kiện để người dân giảm nghèo bền vững.
Giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh có 15.835 hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách cần hỗ trợ XNT,NDN. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh tập trung ưu tiên hỗ trợ nhà ở cho các hộ là “lõi nghèo” (gồm hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách không có nhà hoặc nhà ở đã xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo điều kiện sinh sống). Việc rà soát, bình xét, thẩm định, phê duyệt được thực hiện công khai, minh bạch, có sự tham gia giám sát của nhân dân ngay từ những ngày đầu.
Thực tiễn cho thấy, từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách quyết tâm làm nhà và mạnh dạn huy động thêm sự hỗ trợ của người thân, dòng tộc cùng với sự góp sức của cả hệ thống chính trị ở cơ sở đã xây mới hoặc sửa chữa nhà ở đạt tiêu chí “3 cứng”, cơ bản đáp ứng được nhu cầu sử dụng, đảm bảo bền vững lâu dài, thực sự giúp cho các hộ nghèo có điều kiện thoát nghèo bền vững.
Gia đình anh Lê Văn Sài, xóm Pác Coóng - Bài Siêng, xã Phong Châu (Trùng Khánh) là hộ hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cả 2 vợ chồng là người khuyết tật. Anh Sài chia sẻ: Trước đây gia đình tôi sống trong ngôi nhà dột nát, mỗi khi trời mưa trong nhà đều ướt, 2 vợ chồng mắt không nhìn thấy, sinh hoạt bình thường đã khó nên không dám mơ có được ngôi nhà ở đàng hoàng. Khi xã, xóm thông tin được Nhà nước hỗ trợ 44 triệu đồng để làm nhà, 2 vợ chồng vay mượn thêm bạn bè, anh em họ hàng quyết định xây dựng nhà mới vững chắc hơn. Giờ có nhà mới, gia đình tôi cố gắng làm việc để vươn lên thoát nghèo, chăm sóc con cái tốt hơn. Cảm ơn Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền.
Quá trình thực hiện có nhiều cách làm hay, sáng tạo được triển khai, nhân rộng trên địa bàn tỉnh như: giao lực lượng công an làm nòng cốt bám sát địa bàn, hỗ trợ trực tiếp từng hộ dân; ngoài kinh phí hỗ trợ của chương trình, các huyện, Thành phố vận động, huy động thêm kinh phí, nguyên vật liệu, ngày công lao động hỗ trợ các hộ gia đình hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người già neo đơn không nơi nương tựa...
Năm 2021 - 2022, tỉnh giải ngân hơn 47 tỷ đồng hỗ trợ 1.138 nhà. Năm 2023, giải ngân 121,865 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững hỗ trợ 3.363 nhà; hỗ trợ 9,944 tỷ đồng từ nguồn Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cho 226 nhà xây mới tại 2 huyện: Hòa An, Quảng Hòa; hỗ trợ 12,465 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa cho 372 nhà tại 2 huyện: Hòa An, Quảng Hòa; tạm ứng 4,82 tỷ đồng từ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” hỗ trợ 211 hộ gia đình chính sách, người có công.
Tính riêng 5.250 nhà thuộc Đề án XNT,NDN của tỉnh, năm 2023 có 3.071 nhà được hỗ trợ, trong đó, 2.860 nhà được hỗ trợ đủ 89,775 tỷ đồng; tạm ứng 4,82 tỷ đồng từ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” hỗ trợ 211 hộ gia đình chính sách, người có công. Mỗi căn nhà mới hoàn thành đồng nghĩa với việc sẽ có thêm một hộ nghèo có chỗ ở ổn định, không phải lo gánh nặng về nhà ở, từ đó yên tâm lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
Nỗ lực để không ai bị bỏ lại phía sau
Để hoàn thành mục tiêu XNT,NDN, giảm nghèo bền vững, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 15/7/2021, Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 19/1/2023 về lãnh đạo thực hiện XNT,NDN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Tỉnh huy động, lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách địa phương và nguồn lực xã hội hóa, quyết tâm hoàn thành mục tiêu hỗ trợ XNT,NDN trên địa bàn tỉnh theo nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao. Tập trung nâng cao hiệu quả công tác vận động xã hội hóa, huy động sự chung tay của doanh nghiệp, người dân trong hỗ trợ XNT,NDN theo tinh thần “Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Qua rà soát, tổng hợp, hiện toàn tỉnh còn trên 10.500 hộ khó khăn về nhà ở và rất cần thêm nguồn lực hỗ trợ khoảng 450 tỷ đồng. Mặc dù còn nhiều khó khăn ở phía trước, thành công bước đầu của chương trình hỗ trợ XNT,NDN của tỉnh có ý nghĩa lớn, toàn diện, sâu sắc về nhiều mặt.
Đồng chí Trịnh Trường Huy, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án hỗ trợ XNT,NDN tỉnh cho biết: Để giải quyết bài toán nguồn lực thực hiện XNT,NDN, tỉnh chủ trương huy động đa dạng hóa nguồn lực để thực hiện hỗ trợ XNT,NDN cho hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo. Chú trọng lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ các chương trình của Trung ương, nhất là từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các đề án, dự án của tỉnh và huy động nguồn xã hội hóa từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân; vận động sự tham gia trực tiếp của lực lượng vũ trang, đoàn viên, hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, hộ gia đình được hỗ trợ trong quá trình thực hiện chương trình.