Văn hóa

Tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số từ di sản trang phục truyền thống

Phương Liên 30/05/2024 - 13:57

Sản phẩm dệt thủ công truyền thống đang đứng trước cơ hội trở thành “đặc sản” trong di sản văn hóa đặc sắc của người dân tộc thiểu số (DTTS). Vấn đề quan trọng là cần phát huy nó trở thành tài sản, tức là trở thành sinh kế bền vững, mang lại thu nhập cho đồng bào.

Phụ nữ dân tộc Thái ở Sơn La cùng nhau bảo tồn, phát triển nghề dệt truyền thống. Ảnh: Phương Liên

Di sản văn hóa là toàn bộ các sản phẩm do các thành viên trong cộng đồng dân tộc sáng tạo, thể hiện dưới dạng vật thể và phi vật thể, mang tính biểu tượng, được lan tỏa một cách vô thức và trao truyền từ cộng đồng này sang cộng đồng khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cùng với ăn, ở, trang phục là một trong ba nhu cầu vật chất tối thiểu của con người. Trang phục truyền thống là một phần trong kho tàng di sản văn hóa của mỗi dân tộc; là yếu tố quan trọng để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác, bởi trên trang phục thể hiện bản sắc văn hóa, cá tính, đặc trưng riêng của mỗi dân tộc, thậm chí một số biểu tượng hoa văn, họa tiết, kiểu dáng của trang phục còn là biểu hiện về nguồn gốc tộc người.

Việt Nam là quốc gia có đông DTTS và trong lịch sử hàng nghìn năm, mỗi dân tộc qua quá trình lao động đã sáng tạo, chọn lọc và tích tụ nên kinh nghiệm dệt truyền thống của dân tộc mình, với những nét riêng có mà không dân tộc nào giống dân tộc nào. Sự đa dạng đó khiến sản phẩm dệt thủ công truyền thống đang đứng trước cơ hội trở thành “đặc sản” trong di sản văn hóa đặc sắc của người dân tộc thiểu số. Vấn đề quan trọng là cần phát huy nó trở thành tài sản, tức là trở thành sinh kế bền vững, mang lại thu nhập cho đồng bào.

Bà Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho rằng, người DTTS có nhiều năng lực tiềm tàng. Nếu được quan tâm, họ chính là lực lượng phát huy tốt nhất những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc khi bản thân vừa là người bảo tồn, lưu giữ, vừa là người trao truyền cho các thế hệ sau.

Thực tế cho thấy, để biến di sản thành tài sản, bản thân những người DTTS đã chọn cách hòa nhập, tiếp thu có chọn lọc những giá trị mới và tích hợp chúng vào văn hóa bản địa của mình. Từ trọng tâm là sản xuất trang phục trong nội bộ dân tộc, trên nền quy trình dệt truyền thống, họ đã sáng tạo thêm nhiều sản phẩm mới như: chăn, gối, đệm, túi đựng điện thoại, váy, áo, khăn... phục vụ cho đời sống sinh hoạt thường ngày và đáp ứng nhu cầu đồ lưu niệm của khách du lịch. Không những thế, họ đã biết tận dụng các nền tảng công nghệ để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.

“Chúng tôi sử dụng mạng xã hội Zalo, Facebook... để tìm đến khách hàng và bán hàng. Nhờ đó mà tổ hợp tác vẫn sản xuất bình thường ngay cả lúc dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, duy trì việc làm cho 10 chị em người dân tộc Mạ, với thu nhập khoảng 6 triệu đồng/người/tháng” - chị H’Bình, Tổ trưởng Tổ hợp tác dệt thổ cẩm Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông nói.

Tuy vậy, bên cạnh sự tự thân vận động của người dân, cần có vai trò kiến tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ của cơ quan nhà nước. Tại Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới đã yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể nhân dân các cấp chú trọng “gắn kết du lịch với giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa các DTTS”.

Sản phẩm dệt truyền thống của người Chăm ở Ninh Thuận được du khách yêu thích. Ảnh: Phương Liên

Triển khai Kết luận 65-KL/TW của Bộ Chính trị và các Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, trong đó có Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch.

Xoay quanh việc triển khai nội dung kết luận của Bộ Chính trị và Chương trình mục tiêu quốc gia, ông Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, sẽ bám sát nguyên tắc “trao cần câu chứ không phải trao xâu cá”, nghĩa là giúp đồng bào có những kiến thức, kỹ năng để họ chủ động xây dựng, phát triển và bảo tồn văn hóa của dân tộc mình. Từ giá trị văn hóa đó gắn với phát triển du lịch cộng đồng sẽ tạo ra cơ hội để đồng bào làm giàu ngay trên vùng đất quê hương.

Hiện nay, thông qua các hoạt động như: hỗ trợ đóng mới, cải tạo, nâng cấp khung dệt; mua nguyên liệu, phụ kiện trang phục; truyền dạy kỹ năng dệt, may thổ cẩm..., các địa phương đang tích cực giúp người dân khôi phục nghề dệt truyền thống, nhất là với các dân tộc đang đứng trước nguy cơ cao bị mai một nghề này như: dân tộc Kháng, Khơ Mú tỉnh Lai Châu, Điện Biên; dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An; dân tộc Chứt tỉnh Quảng Bình; dân tộc Khmer, Chăm tỉnh An Giang...

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng có kế hoạch tổ chức Ngày hội “Sắc màu văn hóa các dân tộc”, Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam gắn với Ngày Đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, Ngày Di sản Việt Nam tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam và các địa phương... để đồng bào có cơ hội sử dụng nhiều hơn và quảng bá, giới thiệu vẻ đẹp trang phục truyền thống của dân tộc với du khách trong và ngoài nước.

Trong bối cảnh bùng nổ nhiều phương thức giao tiếp xã hội trên các nền tảng công nghệ và phụ nữ DTTS là chủ thể chính trong bảo tồn, phát triển nghề dệt truyền thống của mỗi dân tộc, bà Hà Thị Nga khẳng định, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ chú trọng khuyến khích các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã có ứng dụng công nghệ 4.0 trong xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm. Đồng thời, các cấp Hội sẽ triển khai các lớp tập huấn giúp chị em ở các làng nghề bên cạnh cách thức bán hàng truyền thống có thêm kỹ năng bán hàng online, bán hàng điện tử nhằm hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, để di sản văn hóa vừa là động lực, vừa là mục tiêu, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của mỗi gia đình người DTTS.

Theo Báo Biên phòng
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO