Khơi dậy và phát huy tinh thần đoàn kết, “tương thân tương ái” trong toàn xã hội, cùng chung tay hỗ trợ các đối tượng yếu thế có nhà ở để “an cư, lạc nghiệp”, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, đó là tinh thần của Chỉ thị số 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về “Cuộc vận động xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh trong 2 năm 2024-2025” (Chỉ thị số 22-CT/TU).
5.000 hộ sẽ được hỗ trợ nhà ở
Xây dựng các chính sách xã hội, trong đó có chính sách về nhà ở cho các đối tượng yếu thế, là hướng đến góp phần bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội. Trên tinh thần đó, trong nhiều năm trở lại đây, tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm đến công tác vận động, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở. Nhờ vậy, đã có hàng nghìn hộ gia đình được hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa nhà ở bảo đảm an toàn, ổn định để “an cư, lạc nghiệp”, góp phần giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một bộ phận người dân đang gặp khó khăn về nhà ở, nhất là những hộ thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ; hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình chính sách...
Xuất phát từ thực tế đó, việc Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 22-CT/TU có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bởi, khi chính sách được triển khai hiệu quả, sẽ tạo thêm điểm tựa giúp các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ khó khăn về nhà ở được tiếp cận một trong những dịch vụ xã hội cơ bản nhất. Từ đó, từng bước ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống. “Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh trong 2 năm 2024-2025” (cuộc vận động), hướng đến mục tiêu phấn đấu đến ngày 30/9/2025, toàn tỉnh có ít nhất 5.000 hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, góp phần thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025-2030.
Biết được chủ trương mới của tỉnh, chị Va Thị Kía, bản Xía Nọi, xã Sơn Thủy (Quan Sơn) vô cùng phấn khởi. Chị Kía cho biết: “Gia đình tôi là hộ nghèo dân tộc thiểu số đang gặp khó khăn về nhà ở. Bản thân tôi không có nghề nghiệp ổn định, chồng lại đau ốm quanh năm, bao nhiêu năm nay cả gia đình đang phải sống trong ngôi nhà tạm. Khi được chính quyền xã, huyện thẩm định, lập hồ sơ để hỗ trợ kinh phí làm nhà mới, gia đình vô cùng xúc động, biết ơn. Tôi mong gia đình sẽ sớm có nhà ở ổn định, để yên tâm làm ăn, cuộc sống cũng sẽ đỡ vất vả hơn”.
Nói về chính sách rất nhân văn, thể hiện đúng tinh thần đặt người dân vào trung tâm của sự phát triển, ông Phạm Bá Dung, Phó Chủ nhiệm Thường trực Câu lạc bộ Hàm Rồng, cho rằng: "Đây là chính sách thể hiện sự quan tâm đặc biệt và trách nhiệm rất cao của tỉnh Thanh Hóa trong thực hiện các chính sách xã hội. Chính sách này đã thể hiện đúng phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, thể hiện đạo lý và mục tiêu cuối cùng của Đảng và Nhà nước: Tất cả là “vì dân”. Cuộc vận động ra đời là nhằm động viên sức mạnh toàn xã hội, nhằm giúp các hộ nghèo, hộ chính sách, hộ khó khăn về nhà ở, sớm ổn định cuộc sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo và tạo sức bền cho xã hội. Nếu triển khai kịp thời, vận động tốt, tôi tin tưởng rằng chính sách này sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả cao”.
Cùng chung quan điểm trên, theo ông Trần Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: “Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh là chính sách mang tính nhân văn sâu sắc. Cuộc vận động sẽ càng có ý nghĩa hơn bởi sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh xuống cơ sở và tâm huyết của nhiều đơn vị tham gia hỗ trợ. Thông qua cuộc vận động này, nhiều gia đình sẽ có cơ hội được sống trong những ngôi nhà như ước mơ bao lâu nay”.
Chung tay vì cộng đồng
Với tinh thần “tương thân tương ái” ngàn đời nay của dân tộc, cùng ý nghĩa tốt đẹp và mục tiêu mà Chỉ thị số 22-CT/TU đề ra, hy vọng rằng “Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh trong 2 năm 2024-2025”, có thể cán đích mục tiêu đến ngày 30/9/2025, có 5.000 hộ được hỗ trợ nhà ở. Muốn vậy, việc triển khai cuộc vận động đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền, hệ thống chính trị và toàn xã hội phải xem đây là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa chính trị - xã hội to lớn và tính nhân văn sâu sắc, đồng thời, trở thành việc làm thường xuyên trong 2 năm 2024, 2025.
Để nhanh chóng đưa Chỉ thị số 22-CT/TU đi vào cuộc sống, Ban Chỉ đạo “Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh trong 2 năm 2024-2025”, đã được thành lập và xây dựng Kế hoạch số 05-KH/BCĐ về thực hiện cuộc vận động. Trong đó quy định rõ, đối tượng được hỗ trợ là hộ gia đình chính sách khó khăn về nhà ở; hộ nghèo khó khăn về nhà ở; hộ khó khăn về nhà ở do thiên tai, bão lũ, hỏa hoạn... Các đối tượng này đang sử dụng đất hợp pháp, hợp lệ, không tranh chấp và được UBND cấp xã xác nhận đủ điều kiện xây dựng nhà ở. Đồng thời, đề ra mục tiêu phấn đấu trong năm 2024 vận động hỗ trợ xây dựng được ít nhất 3.000 căn nhà; từ ngày 1/1/2025 đến ngày 30/9/2025, phấn đấu hỗ trợ xây dựng được ít nhất 2.000 căn nhà.
Ông Hà Xuân Thành, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quan Sơn, cho biết: "Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh, là một cuộc vận động vô cùng ý nghĩa, hợp lòng dân. Ngay sau lễ phát động của Tỉnh ủy, huyện Quan Sơn cũng đã tổ chức phát động đến toàn thể cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động, với mục tiêu mỗi người đóng góp tối thiểu là 1 ngày lương trở lên. Đồng thời, đã tiến hành rà soát xong đối tượng thuộc diện được hỗ trợ theo Chỉ thị số 22-CT/TU, với 1.503 hộ (trong đó, xây mới 578 hộ, sửa chữa 925 hộ)".
Để cuộc vận động nhanh chóng tạo được sức lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội, thu hút sự tham gia của các tầng lớp Nhân dân, thì việc tuyên truyền, phổ biến nội dung, mục đích, ý nghĩa của Chỉ thị số 22-CT/TU cần được chú trọng trước tiên. Theo đó, từng địa phương, cơ quan, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, các tầng lớp Nhân dân phát huy tinh thần “Tương thân, tương ái”, chung tay, góp sức giúp đỡ, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở sớm có nhà ở ổn định, an toàn. Đồng thời, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, chủ động vươn lên thoát nghèo của hộ gia đình nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn. Tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, bà con trong dòng họ phải chủ động chuẩn bị mặt bằng, tham gia đóng góp nhân lực, ngày công, huy động thêm các nguồn kinh phí hợp pháp khác để hoàn thành việc xây dựng, sửa chữa nhà ở. Kịp thời phát hiện, biểu dương những tập thể, cá nhân tiêu biểu, những mô hình hay, cách làm hiệu quả, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.
Việc vận động dựa trên tinh thần tự nguyện, tự giác, linh hoạt, sáng tạo; phát huy truyền thống “tương thân, tương ái”, không để ai bị bỏ lại phía sau. Theo đó, cấp ủy, chính quyền, ban chỉ đạo các cấp kêu gọi, vận động sự ủng hộ của cá nhân, hộ gia đình; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài địa bàn. Ngoài ra, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh có thư kêu gọi, vận động ủng hộ gửi đến các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, hội viên, Nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Để Chỉ thị số 22-CT/TU được triển khai hiệu quả, ban thường vụ các huyện, thị, thành ủy chỉ đạo tổ chức điều tra, rà soát, nắm chắc số hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn cần được hỗ trợ từ cuộc vận động, bảo đảm đúng đối tượng theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo tỉnh. Thực hiện công khai, dân chủ trong bình xét, phân loại đối tượng và có kế hoạch, lộ trình triển khai thực hiện phù hợp, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ đề ra. Ưu tiên hỗ trợ trước cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ còn khó khăn về nhà ở thuộc diện chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng thường xuyên xảy ra thiên tai, bão lũ... Việc tiếp nhận, quản lý, phân bổ, sử dụng nguồn lực hỗ trợ phải đúng đối tượng, đúng định mức, đúng quy định của pháp luật; nghiêm cấm lợi dụng cuộc vận động đề vụ lợi cá nhân. Định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả triển khai thực hiện cuộc vận động; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện cuộc vận động...
“Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh trong 2 năm 2024-2025”, đã được phát động. Việc còn lại là các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị phải triển khai một cách đồng bộ, kịp thời, chặt chẽ, đúng quy định. Đồng thời, phát huy tinh thần tự nguyện, tự giác của mỗi người dân và lan tỏa được tính nhân văn, nhân ái của cuộc vận động đến toàn xã hội. Từ đó, góp phần đưa Chỉ thị số 22-CT/TU nhanh chóng được triển khai và mang lại hiệu quả thiết thực.