Đời sống xã hội

Tạo đà cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên

Thu Minh 01/01/2024 - 00:53

Lai Châu là tỉnh vùng cao, biên giới còn nhiều khó khăn, vì vậy, việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030 là cần thiết.

Quá trình triển khai đã kịp thời giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư. Qua đó, tạo đà cho đồng bào DTTS vươn lên, tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 3,4%/năm; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện và nâng lên.

Khi người dân tất bật sửa sang nhà; vệ sinh đường giao thông nông thôn chuẩn bị đón chào năm mới 2024, cũng là lúc chúng tôi về thăm các xã: Giang Ma, Hồ Thầu, Nùng Nàng, Bình Lư, Sơn Bình (huyện Tam Đường). Năm 2023, huyện được giao tổng dự toán trên 88 tỷ đồng thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 1 (2021 - 2025) tại 13 xã, thị trấn với 126 bản. Đến nay, huyện thực hiện hiệu quả mục tiêu các dự án, tiểu dự án của chương trình đề ra.

Đối với dự án 1, giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt dự toán năm 2023 huyện được giao 312 triệu đồng, đã giải ngân đạt 100%. Mỗi hộ được hỗ trợ 3 triệu đồng mua téc chứa nước. Tại xã Bình Lư có 12 hộ được hỗ trợ 36 triệu đồng; xã Nùng Nàng có 92 hộ được hỗ trợ 276 triệu đồng mua téc, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh của bà con.

21_1703822730035.jpg
Cán bộ xã Nùng Nàng (huyện Tam Đường) lắp téc nước cho bà con bản Sáy San 1 (xã Nùng Nàng).

Thông qua khảo sát, xã Nùng Nàng nắm được hoàn cảnh của gia đình ông Hàng A Seng ở bản Sáy San 1 thuộc diện được hưởng lợi dự án 1 (giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt). Vừa qua, gia đình ông được hỗ trợ téc chứa nước, trị giá 3 triệu đồng, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Ông Seng tâm sự: “Được hỗ trợ tiền mua téc dự trữ nước sinh hoạt, gia đình phấn khởi, không phải vất vả đi xin nước về sử dụng như trước nữa. Được sử dụng nước hợp vệ sinh, giúp bảo đảm sức khỏe, tôi có thời gian tập trung thâm canh, tăng vụ cây trồng, vật nuôi. Hiện, gia đình tôi đã xin thoát khỏi hộ nghèo”.

Hay như dự án 2, đầu tư quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết năm 2023, huyện có tổng dự toán giao 4.986 triệu đồng, đã giải ngân đạt 100%. Từ nguồn vốn này, huyện quy hoạch, hoàn tất mặt bằng, chuẩn bị sắp xếp, di dời, bố trí 70% số hộ DTTS đang cư trú phân tán, rải rác tại bản Na Đông (xã Thèn Sin) có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở. Đồng thời, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở cho đồng bào DTTS trên địa bàn bảo đảm kế hoạch, ổn định cuộc sống, góp phần thúc đẩy KT-XH địa phương khởi sắc.

Tiếp tục hành trình đến thăm xã Mường Than (huyện Than Uyên), chúng tôi chung vui cùng bà con khi được thụ hưởng từ Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 1 (2021 - 2025) như: hỗ trợ đất sản xuất, vay vốn sản xuất, làm nhà ở, công trình nước sinh hoạt, đường sản xuất và chuyển đổi nghề. Thông qua các chương trình hỗ trợ, xã tạo động lực cho các hộ nghèo trên địa bàn phấn đấu vươn lên. Hiện, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 8,35%.

Được biết, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 được tích hợp từ hơn 100 chính sách cụ thể của giai đoạn 2016 - 2020 với một số chính sách mới được thiết kế thành 10 dự án, 14 tiểu dự án với 36 nội dung chính sách thành phần. Giai đoạn 2021- 2025, dự kiến tổng nguồn vốn thực hiện chương trình trên địa bàn tỉnh 4.819.645 triệu đồng, trong đó: năm 2022 là 649.739 triệu đồng và năm 2023 là 930.946 triệu đồng.

Thời gian qua, tỉnh chỉ đạo các huyện, xã, thị trấn được giao vốn, giám sát việc triển khai, thực hiện dự án, tiểu dự án hiệu quả nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế địa phương trong vùng đồng bào DTTS và miền núi; đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Các dự án, tiểu dự án giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của cả nước; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn. Đồng thời, quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; cải thiện rõ rệt đời sống của nhân dân. Nhờ đó, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các DTTS đối với Đảng, Nhà nước.

Đồng chí Trần Hữu Chí - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: “Hiện nay, Lai Châu có 8 huyện, thành phố; 106 xã, phường, thị trấn, trong đó có 4 huyện nghèo và 54 xã đặc biệt khó khăn. Thời gian qua, tỉnh huy động tối đa nguồn lực triển khai thực hiện đồng bộ các dự án, tránh dàn trải, chồng chéo. Từ đó, đem lại hiệu quả cao trên tất cả các lĩnh vực KT-XH nhằm xây dựng quê hương Lai Châu phát triển nhanh và bền vững”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO