Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” (thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I: 2021-2025) tại huyện Văn Chấn được triển khai tại 16 xã, thị trấn và 96 thôn bản, tổ dân phố, trong đó có 15 xã đặc biệt khó khăn và 96 thôn đặc biệt khó khăn.
Chị Hà Thị Thúy - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Văn Chấn cho biết: "Các hoạt động của Dự án 8 năm 2022 và 2023 đã được Hội LHPN huyện triển khai thực hiện bám sát yêu cầu định hướng của Dự án, của Hội LHPN tỉnh, thiết thực, phù hợp, sát với tình hình thực tế của địa phương. Các mô hình hoạt động được triển khai thực hiện hiệu quả, qua đó đã thu hút tập hợp được nhiều thành phần, lứa tuổi tham gia, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Các cơ sở Hội đã chủ động lồng ghép việc thực hiện các nội dung của dự án vào các nội dung hoạt động của Hội, góp phần vào việc thực hiện phát triển kinh tế - xã hội tại địa bàn dân tộc thiểu số và miền núi”.
Sau 2 năm triển khai trên địa bàn, Dự án 8 đã triển khai thực hiện 4 nội dung với 16 hoạt động cụ thể. Hội LHPN huyện đã tham mưu thành lập 69 tổ truyền thông cộng đồng với tổng số 560 thành viên; tổ chức 11 lớp tập huấn hướng dẫn thành lập, vận hành mô hình tổ truyền thông cộng đồng cho 560 thành viên của 69 tổ truyền thông cộng đồng để tuyên truyền xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em.
Trong năm 2023, Hội LHPN huyện cũng đã tổ chức 16 sự kiện truyền thông cấp xã và hướng dẫn Hội LHPN các xã, thị trấn; tổ chức 42 sự kiện truyền thông tại thôn, tổ dân phố đặc biệt khó khăn bằng hình thức sân khấu hóa thông qua hội thi tìm hiểu kiến thức về Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và Gia đình... để vận động cộng đồng thực hiện bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới, những tập tục văn hóa có hại, phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, phòng chống bạo lực gia đình, góp phần giải quyết những vấn đề cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…
Xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em, Hội LHPN huyện đã tham mưu thành lập 7 "Địa chỉ tin cậy cộng đồng” trên địa bàn xã. Từ khi thành lập đến nay, Ban Điều hành Địa chỉ tin cậy đã phối hợp với thôn, bản, các đoàn thể chính trị xã hội thực hiện công tác truyền thông về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; "Địa chỉ tin cậy cộng đồng” xã Suối Giàng đã hỗ trợ được 1 nạn nhân bạo lực tạm trú tại địa chỉ và giải quyết mâu thuẫn trong gia đình.
Nhằm đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em vào trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng, giám sát và phản biện, trong năm 2023, Hội LHPN huyện tham mưu Ban Điều hành Dự án tập trung triển khai nội dung hướng dẫn Hội LHPN cơ sở tổ chức 35 cuộc đối thoại chính sách cấp xã và tại các cụm thôn bản giữa hội viên, phụ nữ với lãnh đạo cấp ủy, chính quyền; tổ chức các hội nghị vận động phụ nữ tham gia các cuộc họp dân; thành lập 14 câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi” trong 14 trường THCS tại các xã địa bàn đặc biệt khó khăn với sự tham gia của 420 học sinh.
Chị Hà Thị Thúy - Chủ tịch Hội LHPN huyện Văn Chấn chia sẻ: "Đối tượng của Dự án là phụ nữ và trẻ em gái tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, với mục tiêu nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em. Qua các hoạt động của Dự án, các đối tượng được thụ hưởng có nhiều cơ hội được tham gia các hoạt động chung của xã hội như được tập huấn nâng cao kiến thức, được nghe các buổi tuyên truyền, truyền thông.
Đặc biệt, từ năm đầu triển khai Dự án, Hội LHPN huyện đã tham mưu Ban Điều hành chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động thay đổi "nếp nghĩ, cách làm”, xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; tập huấn nâng cao kiến thức về bình đẳng giới; tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động, vận hành các mô hình được thành lập trong Dự án... Từ những hoạt động đó, cán bộ, người dân và hội viên phụ nữ rất tích cực, hăng hái tham gia, bước đầu mang lại chuyển biến tích cực trong thực hiện bình đẳng giới tại địa phương”.