Những năm gần đây, Tòa án nhân dân (TAND) hai cấp tỉnh Điện Biên đã đẩy mạnh tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động. Hình thức này đã phát huy hiệu quả thiết thực trong tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho Nhân dân các dân tộc, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, biên giới.
Mường Chà là 1 trong 4 huyện biên giới của tỉnh Điện Biên. Trên địa bàn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định an ninh trật tự, nhất là tội phạm về ma túy và tình trạng tranh chấp đất rừng, phá rừng làm nương.
Mới đây, TAND huyện Mường Chà phối hợp với liên ngành tố tụng huyện, chính quyền xã Sá Tổng tổ chức xét xử lưu động 3 vụ án hình sự về ma túy và hủy hoại rừng tại trụ sở UBND xã. Rất đông người dân đã đến theo dõi phiên xét xử. Trong đó, phiên tòa xét xử vụ án hủy hoại rừng mà bị cáo Giàng A Dính chính là người sở tại thu hút sự quan tâm của bà con dân bản hơn cả.
Theo cáo trạng của Viện KSND huyện Mường Chà, để có đất làm nương, bị cáo Dính đã lên nương cũ của gia đình để chặt hạ cây gỗ. Đây là diện tích đã dừng canh tác khoảng hơn 10 năm, đã được quy hoạch là rừng phòng hộ và được giao cho cộng đồng dân cư bản Háng Mùa Lừ quản lý, bảo vệ, hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Trong 2 ngày, bị cáo Dính đã chặt phá 4.333m2 rừng, với tổng số 63 cây gỗ, đường kính từ 9 - 30cm, thuộc nhóm IV, V, VI, VIII. Mức độ thiệt hại là 100%.
Căn cứ vào kết quả xét hỏi, tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Giàng A Dính 1 năm, 4 tháng tháng tù về tội Hủy hoại rừng, theo quy định điểm c, khoản 1, Điều 239, BLHS.
Tại phiên tòa, không chỉ bị cáo Dính mà người thân của bị cáo và nhiều người dân có mặt cũng ngỡ ngàng, không cho rằng hành vi trên là phạm tội.
Lý giải điều này, ông Giàng A Và, Chủ tịch UBND xã Sá Tổng, huyện Mường Chà cho biết, trên thực tế, kiến thức pháp luật của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng cao còn hạn chế. Một số hành vi phạm tội vẫn phức tạp, đặc biệt là phá rừng làm nương. Nhiều người dân cứ nghĩ rằng mình chặt cây ở nương cũ để tiếp tục lấy đất canh tác là không vi phạm pháp luật. Nhưng bà con không biết sau nhiều năm cây đã tái sinh thành rừng, đất đó đã được quy hoạch là rừng phòng hộ.
Tại phiên xét xử, kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử đã chủ động xét hỏi, làm rõ các tình tiết, chứng cứ buộc tội, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo. Thông qua quá trình xét hỏi, luận tội và tranh tụng đã tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật để người dân tham dự phiên tòa hiểu thêm về công tác quản lý, bảo vệ rừng. Từ đó nhắc nhở bà con nghiêm chỉnh chấp hành.
Bên cạnh đó, để tạo sức lan tỏa sâu rộng, toàn bộ diễn biến của phiên tòa được thu âm, phát trực tiếp trên loa truyền thanh của UBND xã và thôn, bản.
“Việc tổ chức được phiên tòa xét xử vụ phá rừng ngay tại địa phương, với con người, sự việc cụ thể là biện pháp có hiệu quả trực tiếp, tích cực. Qua đó đã giúp bà con vùng cao biên giới biết thêm nhiều kiến thức, quy định pháp luật liên quan. Từ đó không vi phạm pháp luật.” – ông Giàng A Và, Chủ tịch UBND xã Sá Tổng khẳng định.
Tương tự, trong phiên tòa xét xử lưu động được tổ chức tại trụ sở UBND xã Na Son (huyện Điện Biên Đông), Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Lò Văn Chấn, 7 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy; Cà Văn Đơ, 1 năm tù về tội tàng trữ trái phép chất ma túy.
Theo hồ sơ vụ án, Chấn và Đơ cùng trú tại bản Pá Vạt 1, xã Mường Luân (huyện Điện Biên Đông). Chấn nghiện ma túy, do đó mua heroine để vừa sử dụng và bán lẻ cho các đối tượng nghiện ở địa phương. Khi Chấn bán heroine cho Đơ thì bị Công an huyện Điện Biên Đông phát hiện bắt quả tang.
Tại phiên tòa, thông qua việc xét hỏi, luận tội và tranh tụng đã góp phần lồng ghép tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến bà con các dân tộc trên địa bàn xã Mường Luân và các xã lân cận. Giúp bà con nâng cao hiểu biết pháp luật về phòng, chống ma túy.
Khi biết tin có phiên tòa xét xử tại xã, từ sáng sớm vợ chồng chị Lò Thị Ơn đã đến trụ sở để theo dõi. Chị Ơn cho biết: Đây là lần đầu tiên tôi được xem một phiên tòa xét xử lưu động. Được xem trực tiếp, nghe trực tiếp, tôi nhận thấy rõ tác hại của ma túy và những hậu quả nguy hiểm. Là hội viên Hội phụ nữ xã, tôi sẽ truyền đạt lại cho các chị em và người dân trong bản.
Ông Lê Hồng Quang, Chánh án TAND huyện Điện Biên Đông cho biết: Phiên tòa xét xử lưu động là hình thức tuyên truyền trực quan, thiết thực, giúp người dân “mắt thấy, tai nghe”. Các mức án tuyên phạt bị cáo cũng là lời cảnh tỉnh đối với người tham dự phiên tòa. Năm 2023, TAND huyện đã tổ chức thành công 10 phiên tòa xét xử lưu động với 12 bị cáo tại UBND các xã trên địa bàn. Các vụ xét xử đều thu hút đông đảo người dân theo dõi.
Hình thức xét xử lưu động là dịp để những người dân dự phiên tòa tiếp cận với kiến thức, nâng cao trình độ nhận thức về pháp luật. Đây là biện pháp thiết thực, không chỉ có sức cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa tội phạm mà còn tuyên truyền, giáo dục pháp luật hiệu quả. Do đó, thời gian qua TAND hai cấp tỉnh Điện Biên đã chủ động phối hợp với các cơ quan tố tụng và đơn vị, địa phương tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động. Đồng thời lựa chọn các vụ án hình sự có tính chất điển hình về tội danh, hành vi phạm tội, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận; những vụ án mà hành vi phạm tội đang gia tăng trong cộng đồng xã hội.
Thống kê từ đầu năm đến nay, TAND hai cấp tỉnh Điện Biên đã tổ chức 60 phiên tòa xét xử lưu động tại nơi xảy ra vụ án. Nhờ làm tốt công tác chuẩn bị, các phiên tòa xét xử lưu động đều thành công, đạt được mục đích, yêu cầu đề ra. Trong khi phần lớn các phiên tòa xét xử tại trụ sở Tòa án thường ít người, thì những phiên tòa xử lưu động lại thu hút đông đảo người dân đến dự theo dõi. Việc tổ chức thực hiện tốt các phiên tòa xét xử lưu động không chỉ là hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật hiệu quả đến người dân mà còn góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác của tòa án.