Gương sáng

Tấm lòng vì cộng đồng của người phụ nữ S'tiêng

Thúy Hạnh 31/10/2023 20:30

Bình Phước hiện có 345 người có uy tín, 96 già làng tiêu biểu là người dân tộc thiểu số. Một trong những người dân tộc thiểu số có uy tín làm tốt công tác tuyên truyền, vận động bà con, cộng đồng dân cư thực hiện tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước là bà Thị Mương. Không những thế, bà còn là người đóng góp công sức rất lớn trong việc gìn giữ, lưu truyền các nét văn hóa của tổ tiên.

Bà Thị Mương, sinh năm 1966, người dân tộc S'tiêng. Là đảng viên, người có uy tín (2023 -2027), bà Mương còn đảm nhiệm vai trò Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ ấp Bù Dinh, xã Thanh An, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước. Bà luôn tận tâm với công việc và được nhiều người biết đến trong công tác tuyên truyền, vận động bà con DTTS.

24-10-23-nguoi-co-uy-tin.jpg
Người có uy tín, bà Thị Mương.

Bù Dinh là ấp vùng sâu, vùng xa cách trung tâm xã Thanh An hơn 5km, đường xá đi lại còn gặp nhiều khó khăn. Bù Dinh có hơn 250 hộ, trong đó người đồng bào DTTS Stiêng chiếm 85%. Do trình độ nhận thức của đồng bào DTTS còn hạn chế, nên việc tuyên truyền, vận động còn gặp rất nhiều khó khăn.

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, với vai trò của một đảng viên, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ ấp Bù Dinh, bà Mương luôn chủ động đi đầu, phối hợp hướng dẫn chị em phụ nữ thực hiện và chấp hành tốt các qui định của nhà nước. Vận động người dân và đồng bào DTTS giữ ổn định an ninh trật tự.

Nhất là đa số đồng bào trên địa bàn theo đạo Tin Lành, khiến cho bà Mương phải trăn trở rất nhiều để tìm ra biện pháp tuyên truyền phù hợp để bà con chấp hành tốt pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo, sống tốt đời đẹp đạo, tự do tín ngưỡng trong khuôn khổ pháp luật cho phép, không tụ tập đông người và truyền đạo trái phép làm mất an ninh trật tự khu dân cư, không nghe kẻ xấu lợi dụng lôi cuốn; tham gia hòa giải cùng với tổ hòa giải không để xảy ra mâu thuẫn kéo dài.

Trước kia, ý thức bảo vệ môi trường sống của một bộ phận tổ chức, cá nhân chưa cao, còn thói quen xả rác ra đường, vào lô cao su... bà đã cùng với Chi hội phụ nữ, Ban thôn thường xuyên vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống, dọn dẹp vệ sinh, khơi thông cống rãnh, chôn, đốt rác tại vườn nhà; tổ chức phát quang bụi rậm đảm bảo vệ sinh môi trường.

Đến nay, tình trạng xả rác bừa bãi trên địa bàn không còn diễn ra, rất ít trường hợp vi phạm. Ngoài ra, bà còn tuyên truyền giữ gìn vệ sinh môi trường, ăn chín, uống nước chín, ngủ màn tránh muỗi đốt.

24-10-23-ba-thi-muong-dat-danh-hieu.jpg
Bà Thị Mương đạt danh hiệu “Phụ nữ Việt Nam tự tin – tiến bước” năm 2017.

Bà Thị Mương bén duyên với công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình từ năm 1997, khi bà bước sang tuổi 31. Thời điểm này, ấp Bù Dinh là vùng hẻo lánh, xa xôi của huyện Bình Long (cũ) nên đời sống của người dân rất khó khăn.

Ấp Bù Dinh xa và rộng, lại không biết đi xe nên hằng ngày bà thường xuyên đi bộ tới khắp ấp để tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ DTTS, vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, phải kế hoạch hóa gia đình theo chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, không sinh con thứ ba để chăm sóc nuôi dạy con tốt hơn.

Với suy nghĩ “trời sinh voi, sinh cỏ” của đồng bào S'tiêng, bà đã tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ về kế hoạch hóa gia đình qua việc thật, người thật là từ chính gia đình của bà chỉ sinh 2 con, kinh tế ổn định, gia đình hạnh phúc. Từ đó, nhiều phụ nữ ấp Bù Dinh đã thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình và tích cực tham gia các hoạt động xã hội.

Để làm tốt được công tác tuyên truyền vận động đó, bà Mương đã cùng Ban quản lý ấp đi từng ngõ, gõ từng nhà vận động bà con đồng bào vì khó khăn, chưa nhận thức được tầm quan trọng việc học hành của trẻ đưa con em đến tuổi đi học đến trường đầy đủ. Năm học 2022 – 2023, tính trên toàn ấp Bù Dinh, tỷ lệ trẻ 05 tuổi đi học mẫu giáo đạt 100%, tỷ lệ trẻ 06 tuổi vào lớp một đạt 100%.

Không chỉ làm tốt công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, bà Mương còn làm tốt việc vận động bà con bảo tồn và duy trì các nét văn hóa của người S’tiêng. Gắn bó với nghề dệt thổ cẩm của người S’tiêng từ nhỏ, không chỉ dạy cho con cháu trong gia đình, bà cũng vận động, tập hợp được một số chị em trong vùng, tranh thủ thời gian nông nhàn cùng nhau giữ gìn và phát triển nghề dệt thổ cẩm của người S'tiêng. Nhờ sự chỉ bảo tỉ mỉ các thao tác, quy trình dệt thổ cẩm, chị em trong vùng từ lúc chưa biết về nghề truyền thống, giờ đây đã thành thạo và tích cực học tập để tiếp tục duy trì và truyền lại cho thế hệ sau.

Đồng thời, bà còn vận động chị em tích cực thực hiện các phong trào thi đua yêu nước như “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, Đô thị văn minh”, và thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”.

24-10-ba-thi-muong-can-man-ben-khung-det.jpg
Bà Thị Mương cần mẫn bên khung dệt

Nhận thức được việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc là trách nhiệm của cả cộng đồng, trong đó thế hệ trẻ đóng vai trò không nhỏ. Nhằm góp phần xây dựng đời sống văn hóa phong phú, lành mạnh, đồng thời giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong đồng bào S'tiêng ở địa phương, bà cũng đã vận động các chị em phụ nữ và các cháu thiếu nhi tham gia đội múa cồng chiêng của ấp.

Từ đó, các chị, các cháu, thế hệ thanh, thiếu niên thể hiện tinh thần trách nhiệm trong việc kế thừa và phát huy bản sắc các giá trị văn hóa của dân tộc mình, góp phần phát triển văn hóa - xã hội chung của đất nước. Quá trình sinh hoạt văn nghệ cũng hình thành niềm đam mê và niềm tự hào, cố gắng học tập để duy trì và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình trong thế hệ trẻ.

Trong việc thành lập và duy trì đội múa cồng chiêng với trên 30 người, vai trò của bà Mương hết sức quan trọng. Đồng thời, bà cũng là người trực tiếp truyền dạy, hướng dẫn về ý nghĩa, cách thức sử dụng, di chuyển khi đánh cồng chiêng và múa theo nhịp cồng chiêng với những điệu múa nổi tiếng được sưu tập và rèn luyện hằng ngày. Đội cồng chiêng ấp Bù Dinh là một trong những đội cồng chiêng chủ lực, nổi tiếng khắp huyện Hớn Quản với các điệu múa độc, lạ và đặc sắc.

24-10-23-ba-thi-muong-phai-.jpg
Bà Thị Mương (phải) với mô hình hũ gạo tình thương

Ở vai trò Chi hội trưởng chi hội phụ nữ ấp Bù Dinh, bà đã ý thức được trách nhiệm của mình trong việc xây dựng phong trào và phát triển tổ chức Hội, vận động chị em vào tổ chức Hội, không bị kẻ xấu dụ dỗ, lôi kéo.

Đến nay, Chi hội phụ nữ ấp Bù Dinh đã có trên 200 hội viên, tăng gấp hơn 5 lần so với năm 1998 khi bà bắt đầu làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ.

Trưởng phòng Dân tộc – Tôn giáo huyện Bù Gia Mập, ông Điểu Kiêng cho biết: “Đối với người có uy tín như bà Mương và những người uy tín khác trên địa bàn huyện nói chung luôn thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm trong việc vận động, tuyên truyền trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Người có uy tín đã phối hợp tốt với chính quyền xã trong việc tuyên truyền, vận động bà con chấp hành chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Việc triển khai chương trình phát triển kinh tế-xã hội cũng được bản thân người có uy tín tham gia tích cực”.

Với những thành tích trên, bà Mương đã vinh dự được Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trao tặng giải thưởng “Phụ nữ Việt Nam tự tin – tiến bước”. Năm 2018, bà Mương được tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm, ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO