Tấm lòng người Pa Cô, Vân Kiều với Bác và Đảng

21/10/2021 09:20

(DTTG) Đối với người dân tộc Vân Kiều, Pa Cô niềm tự hào lớn nhất của cuộc đời họ là được mang họ Hồ của Bác, đây là câu chuyện đầy xúc động đi qua hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Và cho đến ngày nay, khi đồng bào Vân Kiều, Pa Cô được sống trong hòa bình, có cơm ăn, áo mặc thì ân nghĩa của đồng bào đối với Bác Hồ luôn khắc ghi trong tim, từ đời này sang đời khác.

Năm 1946, trước khi chuẩn bị cho Tổng tuyển cử, từ chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ cử đoàn cán bộ vào thăm hỏi đồng bào Pa Cô, Vân Kiều ở mặt trận phía tây Trị Thiên, mang theo nhiều bức hình của Bác tặng các bản, nhiều áo lụa tặng những người già và truyền đạt chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng, không để cho kẻ thù lợi dụng. Để thể hiện quyết tâm một lòng theo Đảng và Bác Hồ của đồng bào, ngày 26/6/1946, được sự tổ chức của mặt trận Liên Việt, các già làng đã tự nguyện tụ họp dưới chân núi Coc Tăng, tổ chức lễ đâm trâu, cắt máu ăn thề rằng: người Vân Kiều, Pa Cô mãi mãi đi theo Đảng, theo Bác Hồ. Các già làng đều thống nhất lấy họ Hồ của Bác làm họ chung cho cả hai dân tộc Vân Kiều và Pa Cô.

Già làng Hồ Đăng, người dân tộc Vân Kiều ở Tà Puồng kể về Bác Hồ đầy xúc động: “Cả dòng họ tôi chưa một lần được gặp Bác Hồ, nhưng trong tấm lòng ngày nào cũng có Bác. Tôi và con cháu làm việc tốt cho cách mạng để trả ơn Bác Hồ”.

Đồn Biên Phòng Hướng Lập trao cờ cho đồng bào Vân Kiều (xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị).
Đồn Biên Phòng Hướng Lập trao cờ cho đồng bào Vân Kiều (xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị).

Hằng năm vào dịp 26 tháng 6, đồng bào Vân Kiều, Pa Cô trên địa bàn tỉnh Quảng Trị tổ chức lễ hội kỷ niệm ngày đồng bào Vân Kiều, Pa Cô mang họ Bác Hồ. Lễ hội được tổ chức trang trọng, bày tỏ lòng thành kính, mến yêu của đồng bào đối với Bác. Trong những ngày đó hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được diễn ra khắp các bản làng.

Ông Hồ Sỹ Đa, dân tộc Vân Kiều, là giáo viên về hưu ở xã Linh Trường, Gio Linh cho biết: “Thường năm chẵn thì hoạt động kỷ niệm ngày đồng bào Vân Kiều mang họ Hồ của Bác ở Linh Trường được làm lớn hơn, năm lẻ thì tổ chức gọn nhẹ. Nhưng hầu hết không khí lễ hội diễn ra rất sôi nổi, bà con bản làng rất hào hứng tham gia các hoạt động do địa phương tổ chức”.

Ông Hồ Sỹ Đa còn cho chúng tôi biết thêm, tháng 6/1957, khi nghe tin Bác Hồ vào thăm tuyến lửa Quảng Bình, người Vân Kiều, Pa Cô ở Vĩnh Linh cử ông Hồ Ray đại diện ra gặp Bác Hồ để xin cho người Vân Kiều, Pa Cô mang họ của Người. Được Bác Hồ cho phép, người Vân Kiều, Pa Cô đã cùng nhau kéo lên núi đốt lửa, giết trâu, hướng ra miền Bắc mà thề: Đã là con cháu Bác Hồ thì phải thương yêu nhau như tay với chân, phải hết lòng theo Đảng, theo Bác.

Đồn Biên Phòng Hướng Lập trao dê cho đồng bào Vân Kiều (xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị)
Đồn Biên Phòng Hướng Lập trao dê cho đồng bào Vân Kiều (xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị).

Đi qua nhiều bản làng Vân Kiều, Pa Cô ở các huyện miền núi Quảng Trị, đặc biệt là hai huyện Hướng Hóa và Đakrông, nơi có hơn 85% người Vân Kiều, Pa Cô sinh sống (hơn 65 ngàn người) mới thấy và thấu được tình yêu của đồng bào đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là mối tình son sắt như từ ngữ của ông Hồ Đào, dân tộc Vân Kiều, già làng thôn Cù Bai, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa. Nếu nói sự kính trọng, biết ơn của đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Trị đối với Bác Hồ thôi là chưa đủ mà đó là tình yêu, một mối tình đặc biệt, của rất nhiều người yêu một người đó là Bác Hồ. Không những yêu một ngày, yêu hai ngày mà yêu nhiều đời, mãi mãi như nước sông cứ chảy.

“Hướng Lập là xã biên giới, làm ăn nhưng phải giữ nước. Đảng, Bác Hồ và các thế hệ cha ông đã chiến đấu để đem lại độc lập tự do thì mình phải giữ lấy”, ông Hồ Đào nói. Thực hiện điều này, ông Hồ Đào ngày đêm vận động gia đình, người dân ở bản làng không làm điều xấu, chăm chỉ lao động và học tập để xóa đói giảm nghèo. Cùng với phát triển kinh tế là giữ vững chính trị. Dọc dãy Trường Sơn nhánh Tây, nhiều ngôi nhà sàn khang trang được mọc lên. Rồi hơn bốn mươi cây số dọc tuyến Lìa, những ngôi nhà đẹp như tranh khiến chúng tôi không rời mắt.

Anh Asớp Thủ (Hồ Văn Thủ) ở xã Lìa, huyện Hướng Hóa là hậu duệ của dòng họ Asớp anh hùng thời chống Pháp chia sẻ: “Asớp là một dòng họ anh hùng thời chống Pháp. Sau đi theo kháng chiến lấy họ Bác Hồ. Trước một lòng theo Đảng, theo Bác thì giờ vẫn thế. Đồng bào dân tộc thiểu số chăm chỉ làm ăn, giữ vững biên cương Tổ quốc”.

Điều thú vị là trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, ở đâu có bản làng Vân Kiều, Pa Cô là ở đó có ảnh Bác Hồ. Tình yêu đối với vị lãnh tụ của dân tộc xanh như núi rừng Trường Sơn và trong như nước suối. Trong những ngôi nhà sàn, ảnh Bác Hồ được đặt trang trọng. Đặc biệt vào ngày giáp tết Nguyên đán đồng bào dân tộc thiểu số trang hoàng bàn thờ đẹp hơn. Chỉ nhìn thôi cũng đã thấu hiểu được tấm lòng của người con Pa Cô đối với Bác Hồ.

Không cầu kì nhưng rất đỗi trang nghiêm, bàn thờ Bác Hồ trong gia đình anh Hồ Văn Lịch, thôn Ly Tôn, xã Tà Long được anh thường xuyên chăm sóc. Từ một tấm gỗ đẹp, bố anh Lịch đã đóng bàn thờ đặt ảnh Bác Hồ. Đến mãi sau này thì đời con cháu cứ thế mà gìn giữ, không được thay, trừ khi bàn thờ gỗ bị hư. Anh Lịch cho biết, Bác Hồ là người giúp bà con độc lập, thoát khỏi đô hộ. Không có Bác thì không có cuộc sống như ngày hôm nay.

Hơn 70 năm qua, người Vân Kiều, Pa Cô vẫn một lòng khắc ghi ơn nghĩa Bác Hồ - “Người đã đem đến cho dân miềng cái rẫy tự do, chăm chỉ làm và miềng có ăn”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Làm theo lời Bác Hồ dạy, đồng bào dân tộc thiểu số tích cực thi đua lao động sản xuất
Sinh thời, trong nhiều điện, thư, bài nói chuyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên căn dặn đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS): “Phải thi đua tăng gia sản xuất” (Thư gửi đồng bào Khu tự trị Thái - Mèo, ngày 7/5/1955)... để “cho mọi người được no ấm” (Thư gửi đồng bào Hòa Bình, ngày 27/11/1950).
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO