Không có được cơ thể lành lặn như bao người khác, nhưng chị Nguyễn Thị Diễm (ấp Ninh Chài, xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) luôn nỗ lực để có thể tự nuôi bản thân, phát triển kinh tế gia đình. Không những vậy, chị còn miệt mài truyền lửa về tinh thần vượt khó, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động nữ ở nông thôn, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Những ai có dịp trò chuyện với chị Diễm đều có chung nhận xét, chị là người lạc quan, năng động, giàu nghị lực và ý chí vươn lên trong cuộc sống. Chị Diễm chia sẻ, vì có tật ở chân nên việc đi lại của chị gặp những khó khăn nhất định. Nhưng không vì thế mà nhụt chí, chị vẫn tìm việc làm, tìm niềm vui cho mình, cho những người khó khăn, khuyết tật, vươn lên trong cuộc sống.
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê còn nhiều khó khăn, cơ hội việc làm dành cho những người khuyết tật như chị Diễm không nhiều. Ai thuê việc gì chị cũng làm, miễn là có thu nhập và không vi phạm pháp luật. Làm lụng vất vả, nhưng gia đình chị Diễm cũng chỉ đủ ăn, không có tích lũy, cuộc sống thiếu trước, hụt sau.
Biết được hoàn cảnh khó khăn của chị Diễm, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hồng Dân tạo điều kiện để chị tham gia lớp học nghề đan đát theo chương trình đào tạo nghề nông thôn. Với một chút năng khiếu cùng sự cố gắng của bản thân, chị Diễm tìm tòi, học hỏi không ngừng. Sau một thời gian đan gia công cho các công ty ở thành phố Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang để học hỏi thêm kỹ thuật và nâng cao tay nghề, năm 2013, chị Diễm trở về địa phương, mở cơ sở đan đát và dạy nghề miễn phí cho các chị em phụ nữ có nhu cầu.
Thời gian đầu, cơ sở của chị Diễm chủ yếu gia công các mặt hàng đan lục bình, nhưng do ở một số nơi khó tìm nguyên vật liệu, chị mở rộng thêm đan dây nhựa theo khuôn mẫu. Qua hơn 10 năm hoạt động, với gần 1.000 lao động thường xuyên thuộc 15 tổ gia công, mỗi tháng cơ sở của chị Diễm hiện nhận đan gần 40.000 sản phẩm gia công từ lục bình và dây nhựa như: Kệ để đồ, rổ, khay, giỏ xách, ghế.
Chị Diễm cho rằng, phụ nữ nông thôn thời gian rảnh rỗi có nhiều, nhưng khó đi làm thêm công việc khác vì phải lo gia đình, con cái. Vì thế, đan đát gia công là nghề phù hợp, đồng thời giúp chị em có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống. Chị Diễm đã tổ chức dạy đan đát miễn phí cho cho gần 3.000 lao động nhàn rỗi tại địa phương.
Chị Phạm Thị Nguyên, hội viên Chi hội phụ nữ ấp Ninh Chài cho biết, học nghề đan lục bình, đan nhựa không khó, chỉ cần chịu khó quan sát là có thể làm được. Những công đoạn khó như làm khung sườn, chị Diễm tận tình hướng dẫn cho đến khi thành thạo để có thể nhận sản phẩm về nhà gia công. Nghề này người lớn tuổi hay trẻ nhỏ đều có thể làm được, chỉ cần chút khéo léo, nhanh tay và tỉ mỉ. Thợ nhanh tay 1 ngày có thể kiếm khoảng 100 - 150 nghìn đồng. Bình quân, một lao động tại tổ hợp tác đan gia công cho cơ sở của chị Diễm có thu nhập 3 - 4 triệu đồng/tháng. Ở nông thôn, số tiền này rất có ý nghĩa, góp phần ổn định, phát triển kinh tế gia đình.
Không chỉ tham gia dạy nghề tại Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên huyện Hồng Dân, chị Diễm còn tham gia dạy nghề miễn phí cho chị em phụ nữ có nhu cầu học nghề tại các địa phương của tỉnh Bạc Liêu. Chị Diễm dự kiến phát triển cơ sở của mình lên thành Hợp tác xã để có thể tiếp tục tạo thêm thu nhập cho các chị, em phụ nữ có nhu cầu trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu cũng như các tỉnh xung quanh.
Chị Võ Ngọc Hiền, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ huyện Hồng Dân cho rằng, điều đáng quý ở chị Diễm không chỉ là tinh thần vượt khó, lan tỏa tinh thần hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp với tư duy “muốn đi xa hãy đi cùng nhau”. Chính vì thế, chị Diễm luôn sẵn lòng chia sẻ, giúp đỡ các chị em phụ nữ có nhu cầu tìm việc làm, nâng cao thu nhập bằng nghề đan đát.
Với những thành công trên, chị Nguyễn Ngọc Diễm được chọn đi báo cáo điển hình ở nhiều hội nghị, được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, UBND tỉnh tặng Bằng khen về thực hiện Đề án “Phụ nữ khởi nghiệp” của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2017 - 2025. Mô hình đan đát của chị Diễm cũng đang được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bạc Liêu nhân rộng, khuyến khích hội viên tham gia, nhằm nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.