Văn hóa

Tái hiện nghi lễ Cấp sắc pụt của đồng bào Nùng

Bài + Ảnh: Thanh Hải 26/11/2023 06:26

Trong khuôn khổ Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2023, ngày 25/11/2023, tại Làng Văn hoá, Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội), đồng bào Nùng tỉnh Bắc Kạn tổ chức tái hiện lễ cấp sắc (lẩu pụt).

Cấp sắc là nghi lễ quan trọng trong hoạt động tín ngưỡng tâm linh của các dân tộc như: Tày, Nùng, Dao, Thái,... Ở nhiều tỉnh thành miền núi phía Bắc nước ta. Trải qua biết bao biến cố thăng trầm trong lịch sử, trước sự tác động và giao thoa văn hóa với cộng đồng các dân tộc khác, nhưng lễ cấp sắc của cộng đồng dân tộc Nùng ở xã Xuân Dương, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn vẫn giữ được bản sắc riêng.

6(4).jpg
Lễ vật trong lễ cấp sắc pụt của đồng bào Nùng.

Đây là một thủ tục công nhận sự trưởng thành của người nam giới ở cộng đồng đó có đủ điều kiện để tham gia thực hành các nghi lễ tín ngưỡng theo phong tục. Đối với dân tộc Nùng lễ cấp sắc là một sinh hoạt không chỉ đối với riêng gia đình tổ chức mà còn là dịp vui chung của cộng đồng.

Lễ cấp sắc là một thủ tục bắt buộc đối với mọi đối tượng muốn làm nghề cúng bái. Lễ cấp sắc (lẩu Pụt) là tổng hợp bao gồm nhiều nghi lễ cúng tổ tiên, nghi lễ giải xung giải hạn….và được thực hiện dưới sự tham gia của các lực lượng Tào và Pụt, Mo. Mục đích của việc thực hiện các nghi lễ này là tống tiễn những cái xấu đi, đón cái tốt đẹp đến nhằm làm phong quang thanh thản cửa nhà của người được cấp sắc.

Để tiến hành lễ cấp sắc, việc chuẩn bị lễ vật dùng trong lễ cấp sắc là vô cùng quan trọng. Gia chủ cần chuẩn bị lễ vật phục vụ cho nghi lễ và lễ vật cho thầy Tào, thầy Pụt, thầy mo mang về sau khi kết thúc nghi lễ.

2(2).jpg
Trước khi bước vào các giai đoạn chính của nghi lễ các thầy dẫn theo đệ tử và người được cấp sắc làm thủ tục khấn mời đến các bậc thần linh và tổ tiên đến dự lễ cấp sắc. Việc thực hành lễ cấp sắc giống như một lễ tốt nghiệp để bắt đầu quá trình hành nghề thầy Pụt.

Để tiến hành lễ cấp sắc, lễ vật gồm: Dê, lợn, gà, vòng giải hạn, vải đỏ, hương, gạo tẻ, rượu, nón, bánh dày, giấy màu các loại và vải trắng.

Lễ cấp sắc Pụt cần có sự phối hợp hành lễ của thầy Tào và thầy Pụt, thầy mo. Trong lễ cấp sắc lần này mời 02 thầy Tào và 02 thầy Pụt, 02 thầy mo. Gia đình người được cấp sắc mời thầy Pụt cả và thầy Tào cả, thầy mo, các thầy Tào khác giúp việc cho thầy Tào cả do thầy Tào cả đi mời, thầy phụ giúp việc cho thầy Pụt cũng do thầy Pụt chính tự đi mời. Người giúp việc cho thầy mo do thầy mo mời. Thầy Pụt cả giữ vai trò chủ trì chính trong lễ cấp sắc và cũng là người bảo trợ nghề nghiệp cho đệ tử được cấp sắc hôm đó.

3(2).jpg
Trong lễ cấp sắc này, ngoài thầy Pụt dạy nghề cho mình, đệ tử Pụt bắt buộc phải mời được thầy Tào và thầy mo đến để phối hợp làm lễ cấp sắc thì buổi lễ mới được hoàn thiện và được cộng đồng công nhận.

Để tiến hành lễ cấp sắc Pụt phải trải qua nhiều bước với nội dung là báo cáo với tổ tiên gia chủ, báo các vị thánh, quan chức nhà trời về một việc lớn của gia đình. Thầy Pụt mở đường lên trời để đón tổ sư, tổ tiên gia chủ xuống dự lễ, cúng giải xung, giải hạn cho gia chủ, gồm các lễ nhỏ sau: Báo tổ tiên, báo ngọc hoàng, dâng lễ, dâng hương.

Trong ngày thứ hai là Lễ cấp sắc chính thức: Do thầy Tào và thầy Pụt, thầy mo cùng phối hợp thực hiện gồm các lễ nhỏ như sau: lễ sinh ra con hương, lễ quá hồng, lễ cấp đồ nghề cho đệ tử, lễ đọc sắc phong, giải hạn, khao quân, tiễn thánh.

Theo quan niệm của người Nùng, những người làm nghề Pụt là làm việc âm, do đó để lấy được lòng tin của cộng đồng, trước tiên họ phải làm thủ tục thụ nghề, mục đích là lấy chứng chỉ của Ngọc Hoàng, nhận binh mã, mũ áo, phẩm hàm để chính thức vào đội ngũ quan chức nhà trời, thực hiện nhiệm vụ thay trời cứu nhân độ thế. Thực hiện lễ cấp sắc là một trong những việc lớn của người Nùng, để lễ cấp sắc được suôn sẻ thì công vệc đã được chuẩn bị từ nhiều tháng trước. Ngày tháng hành lễ được các thầy xem xét rất kỹ lưỡng.

9(3).jpg
10(1).jpg
Sau khi thực hiện xong lần lượt các phần việc của lễ cấp sắc, cuối cùng các thầy làm lễ cúng tạ ơn tổ tiên, thần thánh đã ủng hộ cho phép các thầy làm lễ cấp sắc và ban phát quà cho người được cấp sắc, kể từ đây người được thụ lễ đã được coi như một người hoàn thiện về đạo đức cũng như tâm linh.

Một tháng trước đó, người được cấp sắc phải tuân theo nhiều quy tắc và chuẩn bị nhiều đồ lễ, thực phẩm. Không chỉ có người trong gia đình, mà hai bên nội ngoại, con cháu trong dòng họ cũng cùng giúp sức để cùng thực hiện các phần việc trong nghi lễ. Ngoài số lượng thực phẩm, bánh trái, đồ lễ mang đến thì người thân hai bên gia đình còn giúp nhau phục vụ cho nghi lễ được trọn vẹn.

Do vậy, ngôi nhà sàn truyền thống nơi diễn ra lễ cấp sắc sẽ luôn tề tựu đông đủ anh em họ hàng gần xa, bà con hàng xóm đến chứng kiến buổi lễ.

Lễ cấp sắc của người Nùng ở Xuân Dương là những nét rất độc đáo và thú vị mang đạm bản sắc văn hóa riêng của người Nùng, mang tính giáo dục cao. Sự kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố trên đã tạo nên sức hấp dẫn của lễ cấp sắc của người Nùng, xã Xuân Dương, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO