Với mong muốn giúp du khách có nhiều trải nghiệm thú vị, Trung tâm bảo tồn di sản thế giới Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) đã trưng bày một không gian văn hóa nông cụ thân thuộc của làng quê Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Long, Phó Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản thế giới Thành nhà Hồ chia sẻ, khu trưng bày không gian xưa là những nông cụ truyền thống từ bao đời đã gắn bó mật thiết với đời sống, sinh hoạt của người dân Việt Nam.
Trong xu hướng đô thị hóa nông thôn, cơ giới hóa nông nghiệp diễn ra mạnh mẽ, các loại máy móc hiện đại đang thay thế sức lao động của con người. Vì vậy, phương thức canh tác truyền thống và hệ thống nông cụ cũng dần vắng bóng theo thời gian.
Khu trưng bày không gian xưa nhằm giúp công chúng, nhất là thế hệ trẻ thêm trân trọng, thấu hiểu hơn về nông cụ canh tác truyền thống, về đời sống mộc mạc chân chất của con người làng quê Viêt Nam. Từ đó, góp phần chung tay gìn giữ những giá trị di sản văn hóa vật chất, tinh thần và tinh hoa của tiền nhân.
Theo ông Long, không gian trưng bày, giới thiệu đến người xem hơn 100 hiện vật với 3 nội dung:
Không gian phòng khách, trưng bày các hiện vật tái hiện một cách rõ nét về nội thất phòng khách của gia đình xưa như bộ bàn trà gồm 5 món: bàn, 4 ghế tựa; tủ, ti vi đen trắng, đài catsette, đèn dầu.
Không gian nông cụ như: cày, bừa, các loại cào, vồ đập đất, quạt lúa, chày giã dùng chân, các loại cối (cối xay lúa, cối giã gạo, cối xay gạo thành bột, cối xay ngô thành bột...).
Vào những thời điểm nông nhàn, nhằm cải thiện cuộc sống và kiếm thêm nguồn thu nhập, người làm nông đã biết sáng tạo ra các ngư cụ và nhiều loại bẫy để đánh bắt nguồn lợi thuỷ sản (tôm, cua, cá) như: lưới, giậm, nơm...
Không gian bếp của một gia đình nông thôn Việt Nam không chỉ là nơi thực hiện chức năng chế biến thức ăn, hong khô và bảo quản nguồn lương thực dự trữ, giống cây trồng mà còn là nơi chia sẻ yêu thương, cộng hưởng cảm xúc giữa các thành viên bên mâm cơm gia đình.
Một số hình ảnh về không gian xưa bên di sản thế giới Thành nhà Hồ: