“Ai cũng có quyền lựa chọn cho mình một lối đi riêng để lập thân, lập nghiệp. Điểm xuất phát của bạn có thể tốt hơn và vơi bớt gian nan hơn tôi, nhưng đích hướng đến vẫn có “mẫu số chung” là thành công trong cuộc sống, làm giàu, góp phần xây dựng quê hương. Gần 15 năm trong hành trình khởi nghiệp với nghề mộc mà tôi đã lựa chọn, dẫu có hàng nghìn khó khăn cản bước. Nhưng, tôi vẫn tự hào rằng, mình đã chọn đúng hướng…”, Lê Minh Lý (SN 1991), thôn Văn Xá, xã Phú Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình) bộc bạch…
Từ gian nan "khởi nghiệp"…
Lê Minh Lý mở đầu câu chuyện với chúng tôi bằng giọng nói đầy hào sảng, khí chất rằng, chỉ có đam mê với nghề mộc và sự dám nghĩ, dám làm của bản thân, anh mới có một cơ ngơi khá vững chắc như hiện nay.
“Ngay từ khi còn nhỏ, tôi được tiếp xúc với nghề mộc qua người thân, bạn bè và quan trọng là đam mê nên yêu thích nghề mộc từ lúc đó. Sau khi học xong lớp 9, do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, không thể theo học tiếp, tôi quyết định đi học nghề mộc mà mình đã chọn. Để có “nghề lận lưng”, năm 2009, qua thông tin từ bạn bè, tôi khăn gói vào xã Tân Thủy (Lệ Thủy) học nghề mộc từ một dự án. Chỉ học được 6 tháng nhưng tôi đã cơ bản thành thạo nghề. Học xong, chưa đi xin việc ngay, tôi tiếp tục hành trình đi học thêm nghề mộc để thỏa niềm đam mê của mình…”, anh Lý chia sẻ.
Tay xách, nách mang, chuyến xe khách Bắc-Nam ồn ả chở anh ra vùng đất Bắc Ninh để “tầm sư học đạo” thêm nghề chạm, khắc. Ở đây, Lê Minh Lý bắt đầu làm quen dần với những nét vẽ nguệch ngoạc trên giấy, rồi trên từng sản phẩm gỗ. Nhiều hoa văn công phu, tỉ mỉ được những nghệ nhân, tay thợ lão luyện trong nghề truyền đạt. Qua 6 tháng học, dần dà mãi rồi cũng quen, thấy đủ để “kiếm cơm”, lo cho cuộc sống của mình, Lê Minh Lý bắt đầu trở về quê.
Về quê, Lý bắt đầu đi xin việc làm tại một cơ sở lâm sản ở TP. Đồng Hới để vừa kiếm thêm thu nhập cải thiện cuộc sống gia đình, vừa nâng cao tay nghề. Ba năm bám trụ với nghề mộc ở TP. Đồng Hới, với bản tính cần cù, chịu khó cùng với đôi bàn tay khéo léo của mình, Lê Minh Lý được chủ cơ sở xưởng mộc giao làm những phần việc cơ bản, như: Đóng tủ, bàn, ghế, giường…Tay nghề ngày càng cao nhưng với tinh thần ham học hỏi, anh quyết định xin nghỉ việc và tiếp tục tìm kiếm thêm những trải nghiệm mới.
“Sau khi nghỉ việc ở TP. Đồng Hới, tôi xin phép gia đình bắt xe khách vào Gia Lai để tiếp tục làm việc và học hỏi thêm nghề mộc. Công việc ở xưởng mộc rất vất vả vì có rất nhiều việc. Ở đây, hàng ngày, sau khi hoàn thành công việc được giao. Tôi tranh thủ thời gian tiếp tục nghiên cứu qua sách vở, internet và bắt đầu tiếp xúc dần với những máy móc hiện đại phục vụ cho nghề mộc. Thời gian làm việc ở Gia Lai, tôi học hỏi được rất nhiều về công nghệ làm mộc, đặc biệt là việc áp dụng máy móc thiết bị vào chạm, khắc gỗ. Khi có trong tay nghề mộc và thấy đã vững vàng, tôi quyết định về quê để mở cơ sở mộc cho riêng mình…”, anh Lý chia sẻ.
Gần 7 năm lặn lội, học hỏi nghề mộc khắp mọi miền đất nước, năm 2016, Lê Minh Lý trở về làng Văn Xá để làm các mặt hàng mộc gia dụng nhằm kiếm thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình.
…Đến ông chủ 9x
Những ngày đầu đi vào hoạt động, quy mô cơ sở mộc còn nhỏ, lại thiếu vốn đầu tư dụng cụ, máy móc, thiết bị nên sản phẩm làm ra chưa phong phú. Trước những khó khăn đó, Lê Minh Lý quyết định là sẽ thay đổi cách làm mộc truyền thống và bắt đầu mua máy móc, trang thiết bị để phục vụ cho cơ sở của mình.
“Với tôi, để tạo được thành công trong sản xuất, người làm mộc phải đam mê, yêu nghề, kiên trì và giữ được niềm tin vào nghề của mình. Muốn sống được, làm giàu với nghề mộc trong guồng quay của cơ chế thị trường, sản phẩm của mình làm ra được người tiêu dùng ưa chuộng, ngoài chất lượng, mẫu mã đa dạng còn phải phù hợp, bắt kịp với thị hiếu người tiêu dùng…”, anh Lê Minh Lý chia sẻ.
“Năm 2017, tôi vay ngân hàng được 100 triệu đồng, cùng vốn liếng gia đình tích cóp, bạn bè hỗ trợ để ra tỉnh Thái Bình đặt mua một máy CNC chạm, khắc gỗ. Đây là loại máy ứng dụng trong gia công gỗ và bắt đầu hành trình khởi nghiệp với nghề mộc…”, Lê Minh Lý cho biết.
Tiếng lành đồn xa về người thợ mộc trẻ giỏi, anh Lý được nhiều người dân trong xã và các địa phương lân cận tin tưởng, lựa chọn đặt làm sản phẩm. Từ một thợ mộc chuyên làm các sản phẩm theo cách thủ công, Lê Minh Lý dần học thêm về mẫu mã và quyết định mở rộng sản xuất, mua thêm một máy CNC hiện đại hơn để cho ra những sản phẩm vừa đẹp mắt vừa nhanh hơn, tiết kiệm thời gian, công lao động…
Hiện, mỗi năm cơ sở sản xuất mộc của anh Lý làm ra hàng trăm sản phẩm, như: Bàn, ghế, giường, tủ, salon Á Âu, đồ thờ... Sản phẩm của cơ sở luôn đạt chất lượng cao, mẫu mã đa dạng và phù hợp với thị hiếu của nhiều người nên không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn xã mà còn được nhiều cơ sở kinh doanh đồ gỗ trong huyện tìm đến đặt hàng.
“Mấy năm gần đây, cơ sở sản xuất của tôi làm ăn khá thuận lợi, ngày nào cũng có người đến đặt hàng để làm. Bình quân mỗi tháng, sau khi trừ chi phí và trả tiền lương cho 3 thợ chính (dao động từ 9-12 triệu đồng), gia đình tôi còn có thu nhập hơn 20 triệu đồng. Mỗi năm thu lãi gần 300 triệu đồng. Mong muốn của tôi trong thời gian tới là được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi của nhà nước để mở rộng quy mô sản xuất…”, anh Lý chia sẻ.
Bí thư Đoàn xã Phú Thủy Nguyễn Văn Quyền cho hay, nhờ sự đầu tư đúng hướng và chăm chỉ làm ăn, đến nay cơ sở mộc của anh Lý đã đi vào hoạt động ổn định, có thu nhập cao. Với tinh thần vượt khó, dám nghĩ, dám làm, anh Lê Minh Lý là điển hình để khuyến khích thanh niên nông thôn khởi nghiệp từ nghề truyền thống; đồng thời anh Lý còn “tiếp lửa” cho những thanh niên có hoàn cảnh khó khăn tại thôn, xã phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo bền vững, làm giàu chính đáng. Anh Lý còn là một đoàn viên năng động, nhiệt tình, tích cực tham gia các hoạt động, phong trào của đoàn và ở địa phương…
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.