Với các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, Sử thi chứa đựng cả một bề dày văn hóa, một chiều dài lịch sử, cũng như những kinh nghiệm sống được tích lũy lâu đời. Mỗi sử thi đều mang hồn cốt văn hóa, như thanh âm hùng vĩ của cuộc sống cộng đồng dân tộc nơi đại ngàn, vọng về từ hàng nghìn năm lịch sử. Tiếng vọng ấy, sau một số năm trầm lắng, nay lại cảm nhận rõ ở nhiều buôn làng khi các hoạt động diễn xướng được khôi phục.
Trong gian khách nhà dài, bên ánh lửa bập bùng giữa đêm, nghệ nhân trẻ Y Wôn Knul (ở buôn Ako Dhông, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) chậm rãi hát kể bài Mdrong Dam. Nội dung lời kể là câu chuyện về lai lịch, sự ra đời của chàng Mdrong Dam – một nhân vật anh hùng tiêu biểu trong sử thi Êđê: “Mdrong Dam là con của nàng H’Bia Knhí và chàng Dăm Bhu giàu có. Vợ Mdrong Dam là nàng H’Bia Sun xinh đẹp. Sắc đẹp của nàng H’Bia Sun khiến các tù trưởng quanh vùng ghen tỵ. Là người giỏi giang, tiếng tăm lừng lẫy, Mdrong Dam thường xuyên đi săn bắn, mở rộng buôn làng ra các hướng….”.
Qua lời kể của nghệ nhân, một không gian lịch sử như được tái hiện với những nhân vật anh hùng đậm màu sắc thần thoại, những phân cảnh sinh hoạt trong đời sống buôn làng, những mùa ăn năm uống tháng trong truyền thống văn hóa Êđê.
Hơn 40 “mùa rẫy” Y Wôn Knul đã có gần một nửa thời gian đắm mình trong không gian của văn hóa sử thi. Anh kể: từ những ngày còn nhỏ, khi còn chưa biết sử thi là gì thì những câu chuyện đầy màu sắc văn hóa đã được gieo vào ký ức và được giữ lại vẹn nguyên trong anh. Quãng thời gian đi học xa nhà, rời xa môi trường văn hóa truyền thống của dân tộc, anh dường như quên đi những bài sử thi mình từng thuộc lòng. Mãi đến sau này, khi đã tuổi 30, anh trở về buôn làng và có cơ hội “bật” ra những câu hát kể từ trong tiềm thức, rồi dần dần nhớ lại thành một bài hoàn chỉnh. Cứ thế, anh có nhiều dịp được diễn xướng sử thi Mdrong Dam trước công chúng.
Được “sống” trong không gian văn hóa của sử thi chính là cách giúp cho nghệ nhân Y Wôn Knul, cũng như nhiều nghệ nhân khác ở các buôn làng Tây Nguyên được tiếp cận và kế thừa loại hình văn học dân gian này. Điều này tạo nên sự khác biệt giữa sử thi Tây Nguyên với nhiều sử thi khác trên thế giới. Bởi không chỉ tồn tại trên sách vở, sử thi Tây Nguyên được lưu truyền trong đời sống cộng đồng theo phương thức truyền miệng, lưu giữ trong trí nhớ của người dân và được trình diễn trong các buổi sinh hoạt của cộng đồng.
Ở mỗi dân tộc, sử thi lại có cách gọi khác nhau, người Êđê gọi là Khan, người Jrai gọi là Hri, người Mnông gọi là Ot Ndrông hay người Bana gọi là Hamon. Tuy nhiên, đặc điểm chung là trong nội dung mỗi sử thi đều chứa đựng những biến cố của dân tộc, xoay quanh những chiến công của các anh hùng có công bảo vệ buôn làng, chống lại những thế lực đen tối, xấu xa. Những nhân vật trong sử thi không mang tính cá nhân, mà đại diện cho ước vọng của cả cộng đồng, cho những cuộc đấu tranh vì lý tưởng nhân văn cao cả.
PGS.TS Buôn Krông Tuyết Nhung, trường Đại học Tây Nguyên cho biết: "Mỗi một tác phẩm sử thi kể một câu chuyện liên quan đến nhiều chủ đề. Có những tác phẩm kể câu chuyện liên quan đến chủ đề về chiến tranh, hợp nhất bộ lạc, bộ tộc. Có những tác phẩm lại thể hiện đề tài hôn nhân gia đình, có những tác phẩm thể hiện về lao động sản xuất hay có những tác phẩm thể hiện về đời sống tín ngưỡng.
Và đặc biệt đằng sau đó là bức tranh vô cùng độc đáo như chúng ta chứng kiến trong thực tiễn liên quan đến đời sống xã hội của các dân tộc tại Tây Nguyên."
Trong thực tế, sử thi được diễn xướng trong những đêm nhà có lễ lạt, ma chay, hiếu hỉ, mọi người ngồi quây quần quanh bếp lửa. Người hát kể sử thi chậm rãi trò chuyện, dẫn dắt bài kể và ngân nga, diễn xướng.
Tùy vào tâm trạng, bối cảnh bài kể, người kể khi cao giọng, khi lắng trầm, khi lại ngâm ngợi, khi diễn giọng nữ, khi diễn giọng nam, khi giọng quỷ, khi giọng thần tiên. Dường như mọi cảm xúc của họ đều dồn hết vào từng nhân vật, như đắm chìm vào thế giới riêng và mỗi lần kể là mỗi lần thăng hoa. Cứ như vậy, có những bài sử thi chỉ kể hết trong một đêm, cũng có những bài kéo dài từ đêm này qua đêm khác, có khi kéo dài cả tuần.
Tính chất của sử thi là những câu hát vần, đối đáp, ứng biến linh hoạt tùy theo không gian thể hiện hay bối cảnh và trí nhớ của người kể. Vì thế, sử thi khi diễn xướng thường lặp đi lặp lại nhiều trường đoạn. Lặp lại để người nghe cảm thụ và ghi nhớ, dần dần cảm nhận được cái hay trong ngôn từ, dần hiểu được nội dung và dần dần có thể hát kể. Lặp lại cũng là cách để truyền dạy cho lớp trẻ.
Nghệ nhân ưu tú Y Wang H Wing, ở buôn Triă, xã Ea Tul, huyện Cư Mgar chia sẻ: "Tôi rất phấn khởi khi có chủ trương của Nhà nước về các hoạt động truyền dạy, mở nhiều lớp truyền dạy kể sử thi, đánh chiêng, lời nói vần. Cũng mong muốn rằng các thế hệ trẻ từ nay về sau sẽ tích cực gìn giữ các bài sử thi, lời nói vần một cách đầy đủ, để cho thêm nhiều người biết đến loại hình sử thi độc đáo của dân tộc mình."
Chứa đựng cả một “kho tàng văn hóa” nên sử thi Tây Nguyên có dung lượng và số lượng rất đồ sộ. Theo báo cáo của Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Dự án Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản sử thi Tây Nguyên thực hiện trong giai đoạn 2001-2008 đã sưu tầm được hơn 800 tác phẩm với gần 5.700 băng ghi âm, mỗi băng dài 90 phút.
Cùng với đó, vẫn còn nhiều sử thi chưa được sưu tầm, ghi chép hết. Từ năm 2014, sử thi Tây Nguyên đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Hiện nay, nhiều địa phương ở Tây Nguyên đang có nhiều giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa này. Những nỗ lực ấy của các địa phương sẽ góp phần vào việc gìn giữ và lan tỏa loại hình văn học dân gian này trong đời sống đương đại.