Gương sáng

Sự hy sinh thầm lặng của cô đỡ Hạng Thị Lay ở bản Nậm Pan

LH 20/10/2023 15:22

Nhiều năm qua, mạng lưới cô đỡ thôn bản được coi là cánh tay nối dài của ngành Y tế, là nhân tố then chốt trong việc tuyên truyền, giáo dục sức khỏe, giúp đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vùng khó khăn được tiếp cận với các dịch vụ y tế. Nhờ vậy, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em vùng DTTS đã đạt được nhiều kết quả đáng kể. Số tử vong bà mẹ, trẻ em đã giảm mạnh, những phụ nữ mang thai được đỡ đẻ an toàn.

Ở Nậm Pan, Mường Toong, Mường Nhé, Điện Biên có một cô đỡ thôn bản đã và đang hết lòng với đồng bào. Đó là cô Hạng Thị Lay, người dân tộc H'Mông.

20-10-co-do.jpg
Cô đỡ thôn bản Hạng Thị Lay

Những hy sinh thầm lặng

Mường Nhé nổi tiếng là huyện có địa hình hiểm trở của tỉnh Điện Biên. Việc đi lại của người dân cũng như các tầng lớp cán bộ ở đây còn gặp nhiều khó khăn. Cô Hạng Thị Lay cũng không ngoại lệ. Cô Lay kể, cô phải rất vất vả khi di chuyển từ bản này sang bản khác. Thậm chí có những nơi không thể đi xe máy, nhất là mỗi khi mùa lũ về, việc di chuyển của cô phải dựa vào đôi chân.

Giao thông đi lại đã vậy, trong quá trình công tác, cô Lay còn phải đối mặt với nhiều khó khăn khác, ví như vận động đồng bào bỏ đi những thói quen xưa cũ, nhất là trong chuyện sinh đẻ. Bởi theo quan niệm cũ của đồng bào H’Mông thì quỳ đẻ được coi là cách làm để giúp sản phụ đẻ dễ dàng, điều này khiến cho công việc thăm khám và đỡ đẻ của cô đỡ Lay càng gặp nhiều trở ngại. Sau một thời được cán bộ Y tế tuyên truyền, vận động, nên việc đẻ quỳ của phụ nữ dân tộc H’Mông nay đã ít dần.

Hiện cô Lay được phân công quản lý 1056 người với 182 hộ là người dân tộc H’Mông. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, hằng năm, cô thường xuyên được tập huấn về chuyên môn, như nghiệp vụ đỡ đẻ tại nhà, chăm sóc sau sinh, phát hiện sớm các dấu hiệu nguy hiểm của các bà mẹ và trẻ sơ sinh, vận động bà mẹ đến đẻ tại cơ sở y tế, báo cáo hàng tháng…

Từ những kiến thức đó, cô đỡ Lay cùng với trưởng bản, các ngành đoàn thể trong bản tổ chức họp phổ biến kiến thức cho người dân hiểu, nguyên nhân gây ra các tai biến nguy hiểm cho các bà mẹ mang thai cùng trẻ trước và sau khi đẻ khi đẻ tại nhà; phát hiện và quản lý thai nghén sớm cũng giúp cho các bà mẹ tránh được các dấu hiệu nguy hiểm và hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong mẹ và con.

Đồng thời, cùng với các ban ngành tuyên truyền, vận động, cô đỡ Lay hướng dẫn các bà mẹ đang mang thai đến trạm Y tế xã Mường Toong tiêm phòng uốn ván; các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ của bản đăng ký sử dụng các biện pháp tránh thai; các bà mẹ mang thai đến trạm Y tế xã tư vấn để được thăm khám và sử dụng biện pháp tránh thai phù hợp. Niềm vui của cô đỡ Lay chính là những thay đổi hằng ngày trong nhận thức của người dân.

20-10-23-co-do-ban.jpg
Với túi thuốc bên mình, cô đỡ Lay vất vả, lội bộ một km vào bản Nậm Pan thăm khám bà mẹ và trẻ em.

Phần lớn người phụ nữ dân tộc H’Mông thường đẻ tại nhà rất nhiều. Cô chia sẻ: “Đồng bào dân tộc H’Mông quan niệm có thai, sinh đẻ là chuyện bình thường, nên có nhiều trường hợp các bà mẹ sinh con tại nhà. Trong quá trình làm công tác cô đỡ thôn bản, tôi đã gặp 5 ca bị rách âm đạo. Đặc biệt, là 5 ca mà trẻ sơ sinh không thở được, của các bà mẹ trẻ như Lầu Thị Chi, Thào Thị Sầu, Vừ thị My, Cừ Thị Dịnh, Mùa Thị Vu. Tôi phải cố gắn vận dụng những kiến thức và kinh nghiệm để trẻ cất tiếng khóc chào đời”. Cô đỡ Hạng Thị Lay nói thêm: “Là người gắn bó lâu năm với công tác cô đỡ thôn, bản ở Nậm Pan, đến nay tôi đã đỡ được 7 ca tại nhà. Dù gặp phải các ca khó, tôi vẫn cứu được hết. Tuy nhiên, tôi vẫn thấy lo sợ cho họ”. Khó khăn là vậy, nhưng mỗi lần giúp được các sản phụ sinh đẻ thành công lại chị lại thấy vui, có động lực tiếp tục theo nghề.

Không thể phủ nhận vai trò, tầm quan trọng của những cô đỡ thôn, bản, như Hạng Thị Lay trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản ở vùng cao. Họ miệt mài với công việc bằng tất cả tấm lòng và trách nhiệm. Hoạt động cô đỡ tại thôn, bản đã thực sự mang lại hiệu quả rõ rệt, không thể phủ nhận. Là phụ nữ địa phương có kiến thức, được đào tạo bài bản cô đỡ Hạng Thị Lay đã không quản ngại khó khăn, thầm lặng với công việc chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em trên những bản làng vùng cao.

Tuy nhiên, cô đỡ Hạng Thị Lay cũng có những băn khoăn, trăn trở: “Công việc thì nhiều, đi lại vất vả, bận rộn mà chế độ phụ cấp lại quá ít ỏi (447 nghìn đồng/tháng), không thể trang trải để ổn định cuộc sống, khiến cho tôi nhiều lúc muốn bỏ nghề đi làm công ty. Tôi mong tiền lương được cải thiện, hỗ trợ thêm cho cuộc sống bớt khó khăn, để những người như chúng tôi được yên tâm với nghề”.

20-10-23(1).jpg
Cô đỡ Lay (trái) tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe cho các bà mẹ tại bản Nậm Pan, xã Mường Toong, Mường Nhé, Điện Biên.

Động lực mới cho cô đỡ thôn, bản

Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 với 10 dự án thành phần. Trong đó, có nội dung chính sách hỗ trợ đội ngũ thôn, bản (Thuộc Dự án 7). Theo đó, chính sách hỗ trợ nhân viên y tế, cô đỡ thôn bản đỡ đẻ tại nhà cho bà mẹ không đến đẻ tại cơ sở y tế là 200.000 đồng/ca; chăm sóc sau sinh cho bà mẹ và trẻ sơ sinh là 100.000 đồng/ lần (Thông tư số 15/2022 ngày 04 tháng 03 năm 2022 của Bộ Tài Chính). Đây sẽ là động lực mới cho đội ngũ cô đỡ thôn bản như Hạng Thị Lay phát huy hết vai trò của mình để chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em vùng DTTS và miền núi.

Những ghi nhận về thành tích đóng góp trong quá trình công tác, cô đỡ Hạng Thị Lay đã được Bộ Y tế khen thưởng. Nhờ đó, phát huy hết vai trò của cô đỡ thôn, bản giúp bà con DTTS ở vùng sâu, vùng xa nâng cao hiểu biết về chăm sóc sức khỏe sinh sản, hạn chế các trường hợp tử vong mẹ và trẻ sơ sinh. Đồng thời, góp phần củng cố mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản tại các bản làng vùng cao./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO