UBND huyện Sơn Động (Bắc Giang) vừa ban hành Kế hoạch số 66/KH-UBND về thực hiện Tiểu Dự án 2, Dự án 3 'Thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi' thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi huyện Sơn Động, năm 2022 - 2023.
Kế hoạch nhằm triển khai, tổ chức thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các hoạt động thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn huyện Sơn Động, giai đoạn 2021-2025; Thúc đẩy tinh thần khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm tăng số lượng doanh nghiệp thành lập, hoạt động có hiệu quả, có khả năng tăng trưởng nhanh và bền vững sau khi thành lập. Qua đó quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã trên địa bàn huyện mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường, thu hút vốn đầu tư cho phát triển, giải quyết việc làm và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Mục tiêu của kế hoạch giúp thúc đẩy, hỗ trợ quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng hàng hóa, dịch vụ ở các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của huyện; thúc đẩy tinh thần khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp trong đồng bào dân tộc thiểu số dựa trên tiềm năng, thế mạnh và nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương; tạo việc làm và thu nhập ổn định kết hợp 3 với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, tri thức truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số.
Từ 2022-2023, hỗ trợ 16 mô hình khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp thuộc 11 xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện, tổng số vốn là 534,5 triệu đồng hỗ trợ gồm: Hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho 6 sản phẩm; hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa cho 01 sản phẩm; Hỗ trợ xây dựng hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGAP: 01 sản phẩm; hỗ trợ thiết kế bao bì, nhãn mác, xây dựng thiệu hiệu sản phẩm cho 13 sản phẩm;
Ưu tiên hỗ trợ các mô hình có từ 50% trở lên số lao động là phụ nữ tham gia các mô hình, các mô hình sản xuất các sản phẩm chủ lực, phát huy lợi thế của địa phương, các mô hình sản xuất đang xây dựng sản phẩm OCCOP, các mô hình sản xuất tạo vùng nguyên liệu bước đầu hình thành vùng nguyên liệu cho các dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị được hỗ trợ bằng nguồn vốn của chương trình.
Mỗi mô hình khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp khi được lựa chọn hỗ trợ sẽ được nhận hỗ trợ theo giai đoạn không quá 3 năm dưới các hình thức: hỗ trợ một phần chi phí thực hiện mô hình, hỗ trợ cung cấp thông tin, hỗ trợ kết nối cá nhân/tổ chức chủ trì mô hình được tham gia các hoạt động của Hệ sinh thái thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp vùng đồng bào DTTS và MN, lồng ghép các nguồn lực để hỗ trợ mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh phát triển bền vững và mở rộng, phát huy hiệu quả đầu tư của chương trình.