Văn hóa

Số phận truân chuyên của ca trù

Hương Hà 16/04/2024 - 10:19

Số phận của ca trù tương đối truân chuyên, sự đứt gãy trong quá khứ và sự không tương thích với xã hội hiện đại khiến cho loại hình nghệ thuật truyền thống này dường như không bao giờ có thể trở lại hào quang “vang bóng một thời”.

Tôi vừa được mời tham dự chương trình Vọng khúc ca trù tại Hội quán Phúc Kiến - một ngôi nhà lịch sử được bảo tồn kỹ lưỡng, gần như nguyên vẹn quy mô và vẻ đẹp kiến trúc truyền thống. Di tích này bao gồm các công trình như Tam quan, sân, phương đình, hậu cung, khu học hiệu tạo nên một không gian trầm mặc và cổ kính, phù hợp cho hình thức diễn xướng ca trù.

Đêm diễn kết thúc nhưng quả thật những điều vừa trải qua còn lưu luyến mãi khiến tôi trăn trở về không gian văn hóa cho bảo tồn và phát huy nghệ thuật ca trù.

Sự đứt gãy của lịch sử

Hiện giới nghiên cứu vẫn đưa ra hai giả thuyết: Một là, ca trù xuất hiện ở nước ta từ thế kỷ X tức là thời Lý. Đó là theo một số nhà nghiên cứu âm nhạc và văn học sử như Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề trong Việt Nam ca trù biên khảo, hay Nguyễn Xuân Khoát trong bài viết Vài nét về ca nhạc cổ truyền.

Hai là, ca trù chỉ chính thức ra đời từ thế kỷ XV vào đời nhà Lê, căn cứ vào văn bản hát ca trù xưa nhất mà chúng ta còn lưu giữ được là của Lê Đức Mao (1462 - 1529) với nhan đề Đại nghĩ bát giáp thưởng đào giải văn do GS. Hoàng Xuân Hãn đọc được từ một cuốn gia phả họ Lê ở làng Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Và tôi vẫn đang chờ đợi những phát hiện có cơ cở, tính học thuật cao của các nhà khoa học dù hướng tìm qua thư tịch là rất mong manh.

Không giống như quan họ (Bắc Ninh), chèo (Thái Bình), quê tổ ca trù ở đâu cũng là một vấn đề phức tạp. Thật khó xác định một địa phương nào cụ thể hơn phạm vi chung chung theo truyền thuyết thuộc vùng văn hóa Bắc Bộ từ Cổ Đạm - huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh; Quảng Xương, Thọ Xuân thuộc tỉnh Thanh Hóa; cho đến huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên; ấp Thái Hà, Hà Nội; đất Hà Tây cũ và làng Giáo Phường thuộc phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định đều có thờ tổ cô đầu.

Nhưng phải sang đến thế kỷ XIX, ca trù mới đạt đến trình độ hoàn hảo nhất cả về âm luật lẫn ca từ với sự tham gia của đội ngũ văn nhân tài tử như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Dương Khuê… Họ sáng tác những bài hát mới có ý tứ sâu sắc mà lời lẽ trau chuốt, mượt mà, đạt đến mức tinh hoa, tạo nên một thời kỳ ca trù lấn sang văn học, hoạt động ở chốn kinh kỳ và có sức quyến rũ độc đáo toát lên từ thể loại âm nhạc dân gian hỗn dung với hàn lâm bác học.

Những năm đầu thế kỷ XX, xã hội thực dân phong kiến khiến cho nghệ thuật ca trù vốn có không gian sinh hoạt đặc biệt nay rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng về nhiều mặt: Đội ngũ sáng tác, người biểu diễn và môi trường công chúng. Ba yếu tố đó đã có tác động quyết định đến sự thay đổi về phương thức và mục đích hoạt động của ca trù. Điều đặc biệt ở chỗ số lượng các ca quán, cô đầu và khách nghe hát không hề giảm sút nếu không muốn nói là đông đảo hơn nhưng tính chất đã không còn thuần nhất.

Giai đoạn 1945 - 1975 là 30 năm dài ca trù im hơi lặng tiếng trong đời sống văn hóa nghệ thuật miền Bắc do ảnh hưởng của hai cuộc kháng chiến. Nhưng khoảng thời gian đó ca trù không hoàn toàn biến mất. Đâu đó trong những ngôi nhà nhỏ vẫn vang lên cung đàn tiếng phách của các nghệ nhân một đời gắn bó với ca trù đâu dễ mà quên. Họ thi thoảng vẫn tụ họp nhau lại để hát những bài ca trù truyền thống và cả những giai điệu ngợi ca đất nước, Bác Hồ cho đỡ nhớ nghề. Đặc biệt, hai danh ca Quách Thị Hồ và Nguyễn Thị Phúc đã có một kỷ niệm không thể nào quên khi được biểu diễn ca trù cho Bác Hồ nghe tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám vào ngày mùng 1 Tết Nguyên đán năm Nhâm Dần (5/2/1962).

Đi tìm môi trường công chúng của ca trù

Nếu chèo, tuồng có đời sống ổn định ngay trong sự bền vững của làng quê Việt Nam thì con đường đi tìm chỗ đứng cho mình của ca trù khó khăn bởi yêu cầu đối tượng công chúng khắt khe hơn. Hình thức biểu diễn ca trù không đơn nhất mà có thể hát cửa quyền (hát cho vua, quan nghe), hát cửa đình trong dịp hội hè lễ lạt, hát khao vọng, hát ca quán cô đầu…

z5350812633389 4c0ac404ea61ac5d2fed41b3d1e7547c.jpg
Con đường đi tìm chỗ đứng cho ca trù gặp nhiều khó khăn bởi yêu cầu đối tượng công chúng khắt khe hơn. (Ảnh: Hoàng Văn Báo)

Trên những trang viết của thế kỷ XX, ca trù đã được nghiên cứu dưới nhiều góc độ, tuy nhiên mặt đời sống của loại hình nghệ thuật này chỉ thoảng qua trong một số bài ký của các nhà văn như: Nguyễn Tuân với Chiếc lư đồng mắt cua, Vũ Bằng với Xóm Khâm Thiên và Vũ Hoàng Chương với Gác dì Năm

Có cuộc hát ca trù được miêu tả lại trong những trang văn ánh lên sắc hương nghệ thuật, như thành một thứ “tín ngưỡng” làm người ta mê hoặc. “Tiếng phách của bà Phúc như đắm chìm trong một nông nỗi gì như li cách, như tang thương... tiếng phách dồn xuống hết mức, tiếng đàn như hồi trống thu quân, thì roi trầu bác Nguyễn (Tuân) xói lên năm tiếng, năm tiếng nữa, rồi là cả một hồi ngũ liên rất nhanh, như hàng xóm có cướp, như đê sắp vỡ, như báo động khẩn cấp. Những tiếng trống nảy lửa. Rồi bác Nguyễn quăng roi chầu lừ lừ đứng dậy, mặt càng đỏ lự, mắt không nhìn ai, bác nện cộp, cộp, cộp đế giày xuống nền đá hoa và đi thẳng....” (Tiếng trống chầu của bác Nguyễn- Báo Văn nghệ, số 40, ngày 4/10/1997). Đó là không gian ca trù mang điệu buồn văn hóa phảng phất cá tính phương Đông và ở đó có những con người vẫn đậm đà dân tộc tính.

Số phận của ca trù tương đối truân chuyên, sự đứt gãy trong quá khứ và sự không tương thích với xã hội hiện đại khiến cho ca trù dường như không bao giờ có thể trở lại hào quang “vang bóng một thời”.

Hiện nay hàng loạt câu lạc bộ ca trù ra đời, nhiều lứa nghệ sĩ trẻ được đào tạo học hành bài bản nhưng sân khấu và khán giả vẫn là vấn đề bỏ ngỏ. Nổi tiếng hàng đầu như Câu lạc bộ Thái Hà thì các nghệ sĩ cũng không lưu diễn thường xuyên và không coi đây là nghề chính. Ở Hà Nội giờ muốn tìm một chiếu hát ca trù không phải là quá khó, nhưng ca trù chưa có được một lượng công chúng thường xuyên gắn bó. Với nhiều khán giả, ca trù chưa phải là một nhu cầu giải trí tinh thần của họ.

Theo nhà nghiên cứu, TS. Nguyễn Đức Mậu, lý do quan trọng nhất khiến người nghe không đến với ca trù (hoặc chỉ đến một lần rồi thôi) là vì họ nghe mà không hiểu. Những nỗ lực giới thiệu qua các phương tiện thông tin đại chúng chỉ giải quyết được vấn đề bề mặt. Do đó, rất cần những buổi biểu diễn có thuyết trình về nghệ thuật ca trù mang tính chất “hướng dẫn thưởng thức”.

Ca trù là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nhạc và thơ trong một đất nước yêu thơ vào bậc nhất. Để xây dựng môi trường công chúng của ca trù bắt buộc phải là những người hiểu thơ, yêu nhạc mới có thể thẩm được cái du dương, luyến láy, da diết, xoắn xuýt lấy hơi thở của người ca nữ, hay thứ thanh âm trầm đục của đàn đáy và tiếng cắc tõm giòn tan của trống chầu.

Quay trở lại với chương trình Vọng khúc ca trù, ngoài phần hát Ả đào thì talkshow Tinh hoa văn hóa ca trù cung cấp thêm tri thức cho người nghe và nếu được tổ chức bài bản hơn “khéo khoe” những góc nhìn tinh tế về ca trù thì chắc hẳn sẽ có thêm những khán giả trung thành thuộc thế hệ Gen Z.

16-4-3-ca-tru.png
Những góc nhìn tinh tế về ca trù
(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO