Hưởng ứng Tháng nhân đạo quốc gia (tháng 5.2024), sinh viên khoa Quản lý văn hoá, nghệ thuật - Trường ĐH Văn hoá TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều sự kiện hướng đến cộng đồng, bao gồm xây nhà tình thương, tặng quà cho đồng bào, trẻ em vùng đồng bào các dân tộc ở hai tỉnh Bình Phước và Bình Thuận.
Theo đó, ngày 25.5 vừa qua, sinh viên lớp Đại học quản lý văn hoá 16.3 chuyên ngành Tổ chức dàn dựng chương trình văn hoá nghệ thuật đã tổ chức sự kiện “Tánh Linh ngày trở về”. Trong chuỗi sự kiện này sinh viên đã xây dựng một căn nhà tình thương dành cho hộ dân Trần Thị Tỵ (người đồng bào dân tộc Raglay) tại thôn Đồng Me, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận.
Căn nhà tình thương trị giá 60 triệu đồng, do tập thể lớp kêu gọi tài trợ từ các Mạnh Thường Quân. Nhà được khởi công xây ngày 25/4/2024 và được khánh thành vào ngày diễn ra sự kiện 25/5/2024.
Buổi tối cùng ngày, chương trình biểu diễn nghệ thuật và gây quỹ thiện nguyện diễn ra tại Trường tiểu học Thôn Đồng Me, với sự tham gia biểu biễn của gần 100 sinh viên thuộc khoa Quản lý văn hoá, nghệ thuật và các nghệ sĩ của Đoàn ca múa Biển Xanh, tỉnh Bình Thuận.
Chương trình gồm những tiết mục ca múa nhạc, tiểu phẩm kịch với chủ đề ca ngợi quê hương đất nước, lòng nhân ái, sự đùm bọc sẻ chia của các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
“Tánh Linh ngày trở về” được dàn dựng công phu, đặc sắc đã để lại ấn tượng đẹp và mang nhiều xúc cảm trong lòng người xem.
Với thông điệp “Trao gửi yêu thương – Gieo mầm hy vọng”, trong chương trình, sinh viên cũng đã dành tặng cho các em học sinh là con em đồng bào dân tộc Raglay có hoàn cảnh khó khăn tại thôn Đồng Me 50 phần quà, 25 thẻ bảo hiểm y tế, 10 chiếc xe đạp.
Chương trình cũng đã dành tặng cho bà con đồng bào Raglay tại địa phương 59 phần quà, trị giá hiện vật và hiện kim được trao cho trẻ em và các gia đình khó khăn lên đến hơn 200 triệu đồng.
Bên cạnh đó, nhiều quần áo, sách, tập, hoạt động cắt tóc miễn phí đã diễn ra suốt buổi sáng thu hút đông đảo trẻ em, học sinh, bà con địa phương.
Trước đó, vào ngày 22.5.2024, tại xã biên giới Phước Thiện, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước, sinh viên lớp Đại học quản lý văn hoá 16.1 (Chuyên ngành Quản lý hoạt động văn hoá xã hội) cũng đã tổ chức sự kiện “Âm hưởng Vri Se Tik”, bao gồm chương trình biểu diễn nghệ thuật, gây quỹ thiện nguyện ủng hộ trẻ em và đồng bào dân tộc Stiêng.
Đêm biểu diễn nghệ thuật đã thu hút hơn 500 khán giả đến đón xem và cỗ vũ với nhiều tiết mục hấp dẫn, ca ngợi nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc của đồng bào các dân tộcnói chung và đồng bào Stiêng nói riêng.
Chương trình đã nhận được nhiều sự quan tâm và ủng hộ của các nhà hảo tâm, nhiều phần quà và chương trình hỗ trợ đã được trao tận tay những mảnh đời khó khăn nơi đây.
Cụ thể, trao quà và nhu yếu phẩm đến 20 hộ dân, trao dụng cụ học tập cho 60 học sinh. Đặc biệt, gia đình bà Điểu Thị Xoài được nhận hỗ trợ mỗi tháng trong suốt 5 năm với tổng trị giá trao tặng là 42 triệu đồng cùng các phần quà…
Cả hai sự kiện trên do sinh viên các lớp năm thứ 3 của khoa Quản lý văn hoá, nghệ thuật tổ chức thực hiện, đây cũng là những chương trình thi kết thúc học phần “Tổ chức sự kiện” của sinh viên Trường ĐH Văn hóa TP.HCM.
Tiến sĩ - Đạo diễn Hoàng Duẩn, Phó Trưởng khoa Quản lý văn hoá, nghệ thuật - Trường ĐH Văn hóa TP.HCM cho biết: “Những năm qua, học phần Tổ chức sự kiện của Khoa Quản lý văn hoá, nghệ thuật được đào tạo theo định hướng ứng dụng, nên các chương trình thi của sinh viên luôn được gắn kết lý thuyết với thực tiễn.
Những sự kiện này do các sinh viên lên ý tưởng, thực hiện viết kịch bản, dàn dựng, xin tài trợ, thực hiện công tác truyền thông, tổ chức sản xuất… Sinh viên học thật, thi thật, làm thật để có thêm những trải nghiệm thực tiễn quý báu, giúp cho các em có thể dễ dàng tiếp cận công việc sau khi ra trường”.