Không chỉ là “lá phổi xanh” giữa đại ngàn Trường Sơn, các khu rừng đỗ quyên, pơmu, quế, lòn bon ở vùng cao Tây Giang, Đông Giang, Nam Trà My, Bắc Trà My (Quảng Nam) đang trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, tạo sinh kế bền vững, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân bản địa.
Sau nhiều nỗ lực của chính quyền và cộng đồng Cơ - tu những khoảnh rừng tự nhiên ở Tây Giang đã trở thành điểm du lịch sinh thái đầy lý thú cho những ai thích khám phá, trải nghiệm. Với hàng nghìn cây pơmu, đỗ quyên trên quần thể núi Ziliêng và Kalang, nơi đây đang “kích thích” sự tò mò cho du khách khi đến với rừng cây di sản, nhất là sau đại dịch COVID-19.
Ông Pơloong Plênh - Phó Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Tây Giang cho biết, ngay cả khi thiên tai, dịch bệnh hoành hành, các nhóm bảo vệ rừng pơmu vẫn mải miết giữ rừng. Họ xem rừng như ngôi nhà thứ hai để bảo tồn, gìn giữ và chờ ngày đón khách. Ông Plênh chia sẻ: “Người Cơ-tu rất coi trọng giá trị của rừng, hiểu rõ vai trò của rừng trong cuộc sống sinh tồn nên từ đời này sang đời khác đều ra sức gìn giữ”.
Ngoài quế và pơmu, Tây Giang còn sở hữu quần thể cây đỗ quyên trên đỉnh núi Kalang. Vài năm trước, 435 cây đỗ quyên đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản. Với 3 màu chính gồm hồng, trắng và tím - đỗ quyên được mệnh danh là “nữ hoàng” của các loài hoa, mở ra cơ hội giúp Tây Giang hình thành sản phẩm du lịch độc đáo, phục vụ du khách khám phá, trải nghiệm.
Nhiều năm qua, vùng núi cao - nơi sinh sống của đồng bào Xê đăng ở huyện Nam Trà My và Bắc Trà My còn được biết đến với danh xưng “Cao sơn ngọc quế”. Những vườn quế Trà My mang giá trị và thương hiệu sản vật của núi, là báu vật mà mẹ thiên nhiên ban tặng cho bản làng. Dưới cái nắng, cái gió khắc nghiệt, quế thầm lặng vươn cao, tỏa bóng và ấp ủ lại bên dưới lớp vỏ sần sùi những dòng tinh chất thiên nhiên. Thứ tinh chất đó vừa giúp đồng bào chữa cảm lạnh, nhức đầu và các bệnh về đường tiêu hóa, vừa giúp cộng đồng thoát nghèo.
Theo ông Thái Hoàng Vũ - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Bắc Trà My, địa phương đã hình thành hai sản phẩm du lịch gồm du lịch sinh thái vùng Ngọc Quế và du lịch cộng đồng, trải nghiệm nghề làm quế. Đây là cơ sở quan trọng để nâng cao giá trị, thương hiệu cây quế Trà My, từ đó thu hút người dân, du khách đến với vùng đất này.