Đời sống xã hội

Si La - Bài ca khoáng đạt trên đỉnh núi

T.Thành 05/11/2023 17:10

Với số dân chưa đến 1.000 người, Si La là một trong những dân tộc ít người nhất Việt Nam. Tuy “nhỏ bé” là vậy, song dân tộc này vẫn còn lưu giữ được nhiều nét văn hoá hết sức độc đáo và riêng biệt từ ngàn xưa để lại. Trong đó nổi bật nhất là các điệu dân ca dân vũ, các màn múa mang tính tập thể, thể hiện sự đoàn kết, khoáng đạt trong tư duy cũng như lối sống của tộc người này.

Hành trình tìm “miền đất hứa”

Người già Si La kể lại rằng, khoảng hơn 150 năm về trước, bởi cuộc sống đói khổ nên các dòng họ Pờ, Hù, Lỳ, Giàng bắt đầu rời bỏ dòng Nậm U (Nước CHDCND Lào) di cư về phía Đông để tìm “miền đất hứa”. Khi sang đến Việt Nam, người Si La men theo sông Nậm Mức về sinh sống ven cánh rừng nguyên sinh phía Tây Bắc của huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.

Theo điều tra dân số năm 2019, tổng số người Si La ở Việt Nam là 909 người, sinh sống chủ yếu tại một số bản như Seo Hay (Can Hồ, Mường Tè, Lai Châu) và Nậm Sin (Chung Chải, Mường Nhé, Điện Biên). Do cuộc sống khắc nghiệt nơi núi cao rừng thẳm, nên có những thời điểm có đến 50-60% các gia đình người Si La thuộc diện hộ nghèo. Bên cạnh đó tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết diễn ra phổ biến nên nguy cơ suy giảm giống nòi của dân tộc này luôn hiển hiện.

Khác với người Kinh, người Thái, biết trồng lúa nước từ hàng nghìn năm trước, người Si La mới quen với cái cày, con trâu và trồng cây lúa nước từ khoảng hơn chục năm nay. Đó là cũng nhờ những mùa vụ trước, Bộ đội Biên phòng đã khai hoang, dạy bà con cày bừa, cấy hái, hướng dẫn cho bà con cách chăm sóc cải tạo đất, cách chọn giống, bón phân. Đến nay, thì bà con đã biết làm lúa hai vụ, đã biết làm thủy lợi dẫn nước về đồng.

anh-bai-doc-dao-tet-si-la-1.jpg
Từ nhỏ các cô gái Si La đã được mẹ dạy thêu thùa

Nói về những cái khó khăn vất vả của đồng bào, Bộ đội Biên phòng là người hiểu rõ nhất. Nói về cái đói, cái nghèo trước đây thì người già là nhớ nhất. Bà Hù Cố Bá ở Nậm Sin (Chung Chải, Mường Nhé, Điện Biên) kể, bà và chồng, ông Lỳ Chà Che, lấy nhau từ khi mới mười bốn mười lăm tuổi. Sau vài tháng ở chung với bố mẹ, vợ chồng bà được cho ra ở riêng.

Khi đó, tài sản của vợ chồng bà chỉ có một căn nhà dựng bằng tre nứa, trên lợp lá cây cùng với mấy mảnh nương mới phát. Mùa Xuân, hai vợ chồng dắt nhau đi chọc lỗ rồi gieo hạt lúa xuống, sau đó trông cả vào... ông trời. Năm nào mưa thuận gió hòa, vợ chồng bà có hạt thóc, hạt gạo để ăn, còn năm nào trời già cay nghiệt, thường xuyên ném nắng nỏ, mưa giông xuống thì ông bà đành phải chịu cảnh thiếu đói. Con cái đẻ ra phải tự trông nhau mà lớn, đói quá thì ra suối bắt cá hoặc vào rừng hái măng, đào củ.

“Ngày xưa chúng tôi lấy nhau, lúc ấy khổ lắm. Nhà ít người nên phải đẻ nhiều để có người làm. Nhưng đẻ nhiều, mất cũng nhiều. Vì đói ăn, bệnh tật. Không nuôi được. Hai vợ chồng cứ phát rừng, làm nương, đói quá thì đào củ măng, củ mài, hái rau ăn. Ngày xưa đói lắm, không biết đâu mà kể”, bà Hù Cố Bá nhớ lại.

Những ngày khó nhọc của vợ chồng bà Bá giờ mãi chỉ còn trong ký ức. Bởi được sự hỗ trợ của Chính phủ, kể từ năm 2005, tỉnh Điện Biên cũng như tỉnh Lai Châu đã triển khai Dự án hỗ trợ phát triển dân tộc Si La, tạo tiền đề để bản Nậm Sin (Chung Chải, Mường Nhé, Điện Biên) và Seo Hay (Can Hồ, Mường Tè, Lai Châu) thay da đổi thịt.

Điện, đường, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, nhiều hộ gia đình được hỗ trợ làm nhà ba cứng, bà con được tập huấn các mô hình sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt... từ đó đời sống của đồng bào cũng dần thay đổi. No đủ hơn, đàng hoàng hơn.

Phong tục ăn Tết sớm

Khi đời sống vật chất thay đổi theo chiều hướng tích cực, không còn bị quấn bíu bởi chuyện cơm áo gạo tiền, người Si La bắt đầu quan tâm hơn đến đời sống tinh thần. Nhiều lễ hội được phục dựng, nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp, nhiều sinh hoạt văn hóa truyền thống được bảo tồn. Trong đó nổi bật nhất phải kể đến là phong tục ăn Tết sớm, gọi là Tết Ô Xị Chờ, thường được bắt đầu vào tháng 12 Dương lịch hàng năm.

Theo già làng Lỳ Chà Che, ở bản Nậm Sin (xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, Điện Biên) thì Tết Ô Xị Chờ là cái Tết quan trọng nhất trong năm của người Si La. Tết thường kéo dài trong vòng 3 ngày, bắt đầu từ ngày con trâu (ngày sửu) đầu tiên của tháng 12 Dương lịch. Ngày thứ nhất được gọi là “vạ sị nhi” (ngày mổ lợn), ngày thứ hai gọi là “chí xi tố nhi” (ngày uống rượu) và ngày thứ ba gọi là “chè chớ nhi” (ngày kết thúc).

Cũng theo già Che, trong 3 ngày Tết thì ngày thứ hai là ngày quan trọng nhất. Bởi đó là ngày mà mỗi gia đình sẽ làm cơm dâng kính tổ tiên. Trong mâm cơm cúng thường có xôi, bánh dầy, một đôi cua, một đôi cá... và một thứ quan trọng, nhất thiết không thể thiếu đó là thịt sóc. Bởi người Si La quan niệm, sóc là con vật có quan hệ mật thiết với tổ tiên họ.

Quan niệm này xuất phát từ chuyện ngày xưa tổ tiên người Si La phải sống lang thang nơi rừng thiêng nước độc, rày đây mai đó. Không nhà cửa ổn định, không chăn nuôi được lợn gà hay gia cầm gia súc nên cứ mỗi khi năm hết tết, người ta chỉ biết vào rừng bẫy sóc để làm cơm cúng.

Đến bây giờ, mỗi gia đình ở Nậm Sin đều có một bàn thờ sóc. Theo quy định của tổ tiên truyền lại, mỗi năm, người Si La phải cúng sóc ba lần, vào dịp tết năm mới, tết mừng lúa mới và trong đám cưới. Nhất là khi ốm đau, bệnh tật, người Si La lại càng cần đến thịt sóc để làm lễ cúng, cầu cho tai qua, nạn khỏi. Trên mâm cúng không dùng hương, mà đốt nến bằng sáp ong.

anh-bai-doc-dao-tet-si-la-2.jpg
Trang phục của người Si La hết sức đặc sắc

Khi đồ cúng đã được chuẩn bị đầy đủ, chủ nhà khấn với tổ tiên phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, lúa ngô đầy bồ, sức khỏe bình an. Kết thúc nghi thức cúng, người Si La bắt đầu vào tiệc rượu, say men nồng ấm chúc cho nhau năm mới bình an.

Mọi người trong bản đến nhà nhau chúc tết, nhà nào cũng bày sẵn mâm cỗ để thiết đãi khách quý. Tuy mâm cỗ không quá cao sang nhưng đó là tình cảm, những sản vật mà người Si La đã nỗ lực sản xuất trong một năm. Mọi người đều dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp, cùng ngồi lại uống với chủ nhà vài ba chén rượu, trao cho nhau những cái bắt tay thật chặt, thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó cầu cho gia chủ thóc lúa đầy nhà, đàn gà, đàn lợn sinh sôi nảy nở, phát triển tốt.

Tiệc tan, gia chủ không quên biếu khách những chiếc bánh dày thơm dẻo, đậm đà hương vị đặc trưng người Si La và gửi những lời hẹn sang năm lại đến với bản.

Đầu bản, nam thanh nữ tú, trẻ em lại xúng xính quần áo mới truyền thống tham gia nhiều hoạt động vui chơi; hào hứng, say sưa hòa mình trong những điệu múa, câu hát giao duyên, các trò chơi dân tộc như tù lu, kéo co, ném còn... Dẫu mặt trời có lên cao, má các cô gái có ửng hồng, khuôn mặt các chàng trai có mướt mát mồ hôi thì cũng không mấy người muốn ra về.

Bước dang ngày thứ ba, những người con gái đã đi lấy chồng không kể gần xa đều cố gắng trở về bên gia đình thăm hỏi, tặng quà, chúc tết bố mẹ đẻ, thể hiện lòng tri ân, sự biết ơn đối với bậc sinh thành đã nuôi dạy mình khôn lớn.

Đặc sắc dân ca, dân vũ

Giống như “những người anh em” bên dòng suối Nậm Sin, người Si La ở Seo Hay (xã Can Hồ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) cũng có phong tục ăn Tết Ô Xị Chờ. Trong suốt 3 ngày Tết, ngoài thăm hỏi, chúc tụng, vui chơi, người Si La còn quây quần tại nhà già làng, trưởng bản để cùng múa hát.

Tuy số dân chưa đến 1.000 người, song kho tàng dân ca, dân vũ của người Si La tương đối phong phú và đặc sắc. Phần lớn các bài hát của dân tộc này đều được sáng tác trong quá trình sinh sống và lao động sản xuất, mang tính giáo dục, rèn luyện sự cần cù, chịu khó. Có bài hát đặc tả về tập quán canh tác lúa, từ khâu đi tìm đất đến khi thu hoạch và đem lúa về nhà; có bài hát truyền tải các kinh nghiệm quý báu được hun đúc từ trong lao động…

abc.jpg-2-.png
Một điệu múa cổ truyền của người Si La

Vào mấy ngày Tết Ô Xị Chờ, người Si La thường hát những lời chúc tụng nhau, cầu cho mưa thuận gió hòa, gia đình, bản làng yên ấm. “Đến đầu năm mới rồi/Năm mới đã đến rồi/Anh chị em, con cháu/Ngày cũ cũng qua rồi/Bước sang ngày mới rồi/Năm cũ đã qua đi/Bước sang năm mới/Chọn ngày tốt hôm nay/Ngồi mâm không cho lật bàn lật ghế/Không để rung bàn rung ghế/Ăn thịt uống rượu rồi/Ăn thịt không được để nôn/Uống rượu không được để say/Không được đánh cãi chửi nhau/Không được vi phạm những lí lễ của mình/Không biết thì dạy cho, phải nghe lại…”.

Với ngôn từ dễ thuộc, tiết tấu nhanh, dứt khoát rất dễ tạo cảm hứng cho người hát nên bài hát mừng năm mới rất được người Si La ưa chuộng. Người ta có thể hát một mình và cũng có thể biểu diễn chung với nhiều người khác, bất kể già trẻ lớn bé.

anh-bai-doc-dao-tet-si-la-3.jpg
Phụ nữ Si La nổi tiếng đảm đang, vén khéo

Ngoài những bài hát về năm mới, người Si La còn gìn giữ một số điệu múa trong các lễ hội như cầu mùa, vào mùa với các động tác mô phỏng hiện tượng thiên nhiên hay trong lao động. Cũng có những bài hát, điệu múa lại mang tải, chất chứa nỗi niềm của người Si La khi phải xa xứ mưu sinh, một lòng nhớ về quê hương bên dòng Nậm U (Nước CHDCND Lào) xa ngái ngàn trùng.

Chỉ cần chứng kiến màn múa hát tập thể của người Si La trong mấy ngày Tết, người ta chợt hiểu, dẫu cộng đồng dân tộc này thật ít người, song sự chân chất, nồng nàn và khả năng gắn kết cộng đồng của họ vô cùng lớn.

Chỉ cần nhìn điệu múa sơn cước của những người phụ nữ Si La tha thướt, dịu dàng, đong đầy nét duyên một thủa trong không gian rừng núi hay bên dòng Đà giang thẳm dốc, người ta không khỏi liên tưởng đến những bước chân thiên di của tổ tiên họ khi vượt ngàn băng núi mang theo ước vọng về một miền đất trái ngọt cây lành còn đang ở trước mặt đợi chờ.

Và cũng qua những bài hát đấy, người ta sẽ hiểu hơn về một tộc người, tuy rất đỗi nhỏ bé, bình thường, song khát vọng sinh tồn của họ mãnh liệt chả khác gì dòng Đà giang ngày đêm cuồn cuộn thác lũ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO