Từ xưa đến nay, du lịch và di sản văn hóa luôn có mối quan hệ cộng sinh. Nếu di sản văn hóa được khai thác giá trị đúng cách sẽ trở thành nguồn tài nguyên quan trọng thúc đẩy du lịch phát triển bền vững. Ngược lại, du lịch phát triển sẽ tạo ra nguồn lực để bảo tồn di sản. Chính vì vậy, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo để phát triển sản phẩm du lịch từ các giá trị văn hóa.
Một trong những hoạt động khai thác giá trị văn hóa để thu hút khách du lịch đang tạo được sức hấp dẫn từ đầu năm đến nay đó chính là việc tổ chức các lễ hội truyền thống. Xứ Thanh là nơi hội tụ và lắng đọng tinh hoa của hàng trăm lễ hội truyền thống trải dài từ miền biển, đồng bằng cho đến miền núi. Các lễ hội gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của cộng đồng các dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn. Thời gian qua, hầu hết các địa phương trong tỉnh đã chú trọng đến việc tổ chức lễ hội và sáng tạo, linh hoạt tổ chức thêm các hoạt động văn hóa - thể thao đặc sắc. Từ đó không chỉ góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của lễ hội mà còn tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo để thu hút du khách.
Điều đáng nói là, cùng với việc tổ chức các lễ hội thì nhiều địa phương còn quan tâm phục dựng, làm sống lại các lễ hội truyền thống đã bị mai một. Trong đó, tiêu biểu nhất phải kể đến là việc phục dựng và tổ chức lễ hội đền Phố Cát, thị trấn Vân Du (Thạch Thành). Theo sử sách ghi lại, đền Phố Cát thuộc di tích thắng cảnh Phố Cát, nằm trên địa bàn thị trấn Vân Du, huyện Thạch Thành, được xây dựng dưới triều vua Lê Cảnh hưng (1740 - 1786), là nơi thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh - một vị thánh trong Tứ bất tử theo tín ngưỡng dân gian của người Việt. Trong các đền thờ thánh mẫu, đền Phố Cát là nơi đầu tiên trong cả nước được ban sắc phong cho Thánh mẫu là Thượng đẳng thần.
Trước đây, lễ hội đền Phố Cát được tổ chức với quy mô rộng rãi từ ngày 15/1 đến ngày 3/3 âm lịch, chính lễ vào ngày 18/2 âm lịch. Trải qua thời gian, lễ hội đền Phố Cát dần bị mai một, chưa được khôi phục tổ chức một cách bài bản, đúng với quy mô, tầm vóc và vị trí quan trọng của đền. Năm 2024, cũng chính là năm đầu tiên lễ hội được tổ chức theo quy mô cấp huyện, với rất nhiều hoạt động văn hóa - thể thao đặc sắc, tiêu biểu nhất là lễ rước bóng Thánh mẫu.
Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thạch Thành Lê Thị Hương cho biết: "Việc khôi phục lại lễ hội đền Phố Cát thể hiện sự quyết tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Thạch Thành nhằm đáp ứng mong mỏi, nguyện vọng của Nhân dân, du khách. Từ đó, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đồng thời, quảng bá tiềm năng văn hóa, du lịch, hình ảnh đất và người Thạch Thành đến bạn bè trong và ngoài tỉnh".
Cũng theo bà Hương, lễ hội được tổ chức đã thu hút đông đảo Nhân dân, du khách đến tham dự. Điều đó, càng khẳng định lễ hội chính là sản phẩm du lịch có sức hấp dẫn, thu hút du khách. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục quan tâm tổ chức các lễ hội theo hướng văn minh, an toàn, tiết kiệm. Đồng thời, chú trọng khôi phục các lễ hội truyền thống đã bị mai một, coi đây là thế mạnh thúc đẩy du lịch phát triển.
Thực tế cho thấy, nhiều địa phương trong tỉnh đã thành công trong việc sáng tạo, khai thác các sản phẩm du lịch từ giá trị văn hóa. Chẳng hạn, tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (Bá Thước), không phải ngẫu nhiên mà nơi đây lại là cái tên “hót” trên bản đồ du lịch Việt Nam. Sở dĩ có được điều đó là nhờ bởi cùng với cảnh sắc thiên nhiên được tạo hóa ban tặng, thì những người làm du lịch tại đây đã linh hoạt trong việc tạo ra các sản phẩm du lịch từ văn hóa bản địa của đồng bào các dân tộc Thái, Mường địa phương.
Du khách đến đây ngoài việc được hòa mình vào thiên nhiên xanh mát, còn được tham quan, trải nghiệm đời sống thực tế của đồng bào từ những nếp nhà sàn xinh xắn, đến việc tìm hiểu văn hóa bản địa cộng đồng dân cư tại các bản Đôn, bản Hiêu, bản Kho Mường... với nhiều hoạt động như ngắm cảnh cánh đồng ruộng bậc thang, trải nghiệm thu hoạch lúa chín, trồng rau, hái quýt và tìm hiểu sinh thái nông nghiệp, thưởng thức các giá trị văn hóa ẩm thực truyền thống.
Cùng với đó, việc phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng đã được Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông khai thác hiệu quả trong thời gian gần đây, với các hoạt động như tham quan cảnh quan thiên nhiên, tìm hiểu về môi trường. Đối với những khách ưa khám phá, mạo hiểm, có thể tham gia các chương trình leo núi, chinh phục đỉnh núi Pù Luông, trekking, marathon băng rừng Pù Luông, thăm hang động... Ngoài ra, du lịch Pù Luông cũng thường xuyên có những chương trình mới trên cơ sở khai thác giá trị văn hóa theo các mùa du lịch cao điểm để thu hút du khách.
Thanh Hóa là mảnh đất “hội tụ” đủ các địa hình, có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể giàu giá trị. Đây chính là nguồn tài nguyên quý giá để phát triển du lịch. Thời gian qua, để các giá trị văn hóa ấy ngày càng được gìn giữ và tỏa sáng trong dòng chảy văn hóa dân tộc và đóng góp vào việc thúc đẩy du lịch phát triển, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều kết luận, nghị quyết, kế hoạch góp phần vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa.
Đặc biệt là “Chương trình nâng cao chất lượng văn hóa tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025” và Kế hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và chống xuống cấp các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh... Cùng với đó, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn về phương pháp bảo tồn trang phục truyền thống, truyền dạy dân ca, dân vũ cho bà con dân tộc thiểu số. Tổ chức nhiều hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ thu hút đông đảo nghệ nhân, diễn viên, Nhân dân tham gia biểu diễn, sáng tạo, hưởng thụ văn hóa.
Từ các hoạt động đó đã góp phần bảo tồn và khai thác được giá trị văn hóa để phát triển du lịch. Tuy nhiên, so với tiềm năng, thế mạnh của hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, thì việc sáng tạo ra các sản phẩm du lịch từ văn hóa còn khá khiêm tốn. Chính vì vậy, để các giá trị văn hóa ngày càng tạo sức hút đối với khách du lịch cần sự vào cuộc hơn nữa của các cấp, ngành, địa phương và cộng đồng dân cư.