Từ thị trấn Bảo Lạc (Bảo Lạc) vượt chặng đường hơn chục cây số đèo dốc, chúng tôi đến xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc (Bảo Lạc, Cao Bằng) một trong những xóm 100% là người Lô Lô đen sinh sống.
Đón chúng tôi trong căn nhà sàn rộng rãi và thoáng đãng, ông Chi Viết Hải, chủ nhà vừa ngồi xuống chiếu trúc vừa vui vẻ nói: Năm nay, bà con trong bản sẽ có cái Tết rất vui vì được Nhà nước quan tâm làm đường vào bản, xuống chợ không còn khó khăn như trước rồi. Trồng các loại giống lúa, ngô lai cho năng suất cao hơn, mùa màng tươi tốt, bà con phấn khởi lắm.
Sau đại dịch Covid-19, du lịch phục hồi, lượng khách đến với Khuổi Khon đông hơn, đặc biệt gần đây bản Khuổi Khon được Nhà nước quan tâm đầu tư hạ tầng cơ sở và dựng nhà văn hóa cộng đồng cho bà con sinh hoạt; văn hóa, trang phục và điệu múa của người Lô Lô được quan tâm bảo tồn, phục dựng và tham gia nhiều hoạt động văn hóa ở Trung ương, địa phương. Bà con có thêm nguồn thu nhập ai ai cũng vui.
Bên bếp lửa hồng, ông Hải nhấp ngụm nước trà rồi chậm rãi nói: Theo phong tục người Lô Lô, ngày cuối năm, mọi người quét dọn nhà cửa sạch sẽ chuẩn bị đón tài lộc năm mới, tổ chức bữa cơm sum họp cả nhà. Việc nấu bếp, chuẩn bị bữa ăn trong ngày tết được những người đàn ông trong gia đình đảm nhiệm. Trong khi những người đàn ông bắt lợn, gà chuẩn bị các món ăn cho bữa cơm tất niên thì phụ nữ dọn dẹp nhà cửa và sửa soạn quần áo mới cho ngày tết.
Khác với người Lô Lô chải ở Hà Giang, trang phục người Lô Lô đen ở Cao Bằng không cầu kỳ nhưng khá độc đáo. Áo ngắn màu đen, cổ vuông chui đầu, gấu áo thêu hình chim ngó bạc, dọc sống lưng áo thêu hoa văn hình chim, hai ống áo được may thêm những viền vải xanh, đỏ, trắng xen lẫn. Phụ nữ thường mặc váy (chân quấn xà cạp) hoặc quần màu chàm đen, ống rộng, lửng gấu, được trang trí thêm những miếng vải vuông tròn, ống tay áo có nhiều vòng màu vàng, đỏ xen lẫn; đầu quấn khăn bằng vải chàm đen, đỉnh khăn trên đầu vuông, hai đầu dài những tua chỉ màu, đeo nhiều đồ trang sức bằng bạc.
Trang phục của nam giới đơn giản hơn, màu đen cài khuy ngang, quần ống rộng gần giống quần áo của người Tày, Nùng, đầu quấn khăn nhiều vòng, tuy đơn giản nhưng mặc vào trông rất khỏe khoắn, mạnh mẽ, đúng như khí chất con người Lô Lô.
Chị Chi Thị Duyên, con gái ông Hải đang sửa soạn quần áo cho đứa con trai đầu lòng chia sẻ: Dù cuộc sống bây giờ tiến bộ, đi chợ cái gì cũng bán nhưng con gái Lô Lô vẫn phải biết dệt vải và tự khâu quần áo cho mình để mặc vào dịp lễ, tết. Trước đây người ta chọn dâu, chọn vợ nhìn vào tấm vải, đường kim là biết người con gái đó có khéo léo, biết chăm lo cho gia đình hay không. Một bộ quần áo truyền thống đang mặc chúng tôi phải dệt khoảng 6 tháng mới hoàn chỉnh.
Người Lô Lô quan niệm bước sang năm mới, trong nhà không chỉ có ngô, gạo mà phải có nhiều củi và nước - biểu hiện của một năm làm ăn sung túc. Đêm giao thừa, gia đình cử người ra gánh nước tại mỏ nước của bản về nhào bột làm bánh nếp. Loại bánh rất đặc trưng, có tên gọi “chò mìa chá” (tiếng dân tộc), gói bằng lá dong tựa như bánh chưng, bánh tét của người Kinh, người Tày nhưng không phải hình vuông mà gói thành hình một chiếc bánh gù. Màu bánh cũng rất đặc biệt bởi gạo được ngâm bằng nước của loại lá lấy từ trên rừng có màu xám đen.
Đêm giao thừa là đêm nhộn nhịp nhất, trong nhà từ già trẻ, gái trai đều thức, mọi người quay quần bên bếp lửa hồng với nồi bánh nghi ngút khói cùng ôn lại câu chuyện của năm cũ. Trong ngày đầu năm mới, loại bánh này được buộc ở các cột nhà, buộc vào nông cụ để cầu may mắn, mùa màng bội thu. Bánh được treo hết ngày 15 tết mới được gỡ xuống, bởi từ xa xưa người Lô Lô quan niệm vạn vật đều có linh hồn, ngày tết tất cả đều phải được đón Tết đủ đầy.
Ông Hải cho biết thêm: Sáng mùng 1 tết, người đàn ông lớn tuổi trong gia đình sửa soạn bàn thờ để mời tổ tiên về đón tết cùng gia đình. Trên bàn thờ tổ tiên của người Lô Lô có những hình nhân làm bằng gỗ cây mạy vjẹc - một loại cây được người Lô Lô quan niệm vật “thiêng” lấy từ trong khu rừng cấm của bản, đó là nơi trú ngụ của thổ công nên thường được gìn giữ và bảo vệ rất nghiêm ngặt, không cho ai chặt phá.
Người Lô Lô rất coi trọng tổ tiên, tổ tiên gần gọi là “dùng khé” là đời cụ, ông bà, cha mẹ; tổ tiên xa trên 4 đời gọi là “pờ si”. Nhà nào cũng có bàn thờ tổ tiên trong nhà. Sống ở trên vùng rừng núi cao nên quan niệm của người Lô Lô là thờ thần đất và mặt trời. Hằng năm dân bản thường tổ chức cúng thần thổ công, thần rừng, làm lễ xông đất, lễ đánh thức hồn lúa, hồn đất dậy để xua đuổi chuột, bọ, mưa gió thuận hòa, mùa màng xanh tốt.
Đối với người Lô Lô, nhà nào dù có khó khăn hay khá giả thì bữa ăn trong ngày tết rất quan trọng, không thể thiếu các thực phẩm do bàn tay lao động của mình làm ra như: thịt gà, lợn đen treo trên gác bếp, cá lam.
Đặc biệt là bữa cơm ngày tết của người Lô Lô còn có món ăn được chế biến từ các loại côn trùng như: nhện rừng, châu chấu, nhái… được người dân tìm kiếm từ rừng mang về. Đây là những món ăn rất đặc biệt và được chế biến một cách cầu kỳ. Theo quan niệm của người dân ở đây thì bữa cơm cúng tổ tiên và các thần linh phải được chuẩn bị những thực phẩm từ thiên nhiên, hoặc do chính bàn tay lao động làm ra để tỏ lòng thành kính với tổ tiên và thần đất sẽ xua đuổi tà ma, rủi ro đem lại may mắn trong năm mới. Nên dù có khó khăn, vất vả đến mấy cũng tìm cho bằng được những loại nguyên liệu để chế biến.
Đặc biệt, bàn thờ không thể thiếu cây “mà si phìa”. Cành cây được cắm từ cổng cầu thang, cửa nhà đến bàn thờ tổ tiên để cầu cho gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc, ăn nên làm ra, con cháu thảo hiền…
Sau khi người chủ gia đình thực hiện xong các nghi thức thắp hương cúng tổ tiên, mọi người cùng quây quần bên mâm cơm tết vừa ăn uống trò chuyện. Nói những câu chuyện về cuộc sống và nét văn hóa cổ xưa của dân tộc, chúc tụng nhau một năm mới đủ đầy, ấm no bằng những chén rượu ngô cay nồng. Người lớn tuổi chúc cho các thành viên trong gia đình mạnh khỏe, con cháu mau lớn. Ăn cơm tết xong, mọi người mới bắt đầu đi xông nhà.
Trong ngày đầu tiên của năm mới, người Lô Lô rất coi trọng việc xông nhà, họ quan niệm chỉ đàn ông mới được xông nhà, sau đó phụ nữ và trẻ em mới đi vào nhà chơi. Trong 3 ngày tết, người Lô Lô không ra nương rẫy làm việc, họ quan niệm để mưa thuận, gió hòa, có một năm bội thu thì sau những ngày tết, khi nào người cao tuổi có uy tín trong bản chọn được ngày, giờ tốt ra đồng cuốc đất thì các gia đình mới đi làm nông.
Những ngày xuân, trẻ em vui đùa tìm trò chơi trên nương rẫy quanh bản, chơi nhảy dây, đánh quay, tung còn, đua xe đạp gỗ… Mọi người khi gặp nhau, dù không quen biết nhưng ai cũng có thể gửi lời chúc phúc bằng những điệu múa, khúc ca được truyền giữ từ ngàn đời của dân tộc Lô Lô; một nét văn hóa rất riêng, sự phóng khoáng, tình cảm nồng đượm, mến khách của người Lô Lô.
Có lẽ vui nhất những ngày xuân là trai làng, gái bản dân tộc Lô Lô gặp nhau trao gửi tâm tình qua những điệu giao duyên mượt mà, say đắm lòng người. Nghe những điệu hát sâu lắng và ánh mắt của các chàng trai, cô gái, chúng tôi mới cảm nhận được sức sống lâu bền của nghệ thuật dân gian dân tộc, nó có sức truyền cảm và trường tồn với thời gian thông qua nét sinh hoạt tín ngưỡng và văn hóa của dân tộc Lô Lô được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Những gương mặt rạng ngời và tiếng hát đối đáp của các chàng trai, cô gái vang lên giữa đất trời, làm bừng dậy một mùa xuân mới trên rẻo cao.