Văn hóa

Rộn ràng lễ hội “Kin lẩu khẩu mẩu”

Vy Khanh 16/10/2023 - 15:33

Cứ mỗi độ thu về, khi mùa vàng trải dài trên khắp nương đồi cũng là lúc báo hiệu mùa thu hoạch lúa mới của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc bắt đầu. Với người Thái trắng ở Phong Thổ (Lai Châu), đây cũng là lúc tổ chức Lễ hội Kin lẩu khẩu mẩu, cầu cho dân bản và du khách luôn khoẻ mạnh, mưa thuận gió hòa.

Dân tộc Thái là một trong những dân tộc cư trú lâu đời ở Tây Bắc nói chung và huyện Phong Thổ nói riêng. Trong quá trình phát triển, đồng bào Thái không ngừng tạo ra các giá trị văn hoá truyền thống, mang đậm bản sắc dân tộc.

Lễ hội Kin Lẩu Khẩu Mẩu là một hình thức tín ngưỡng thể hiện lòng biết ơn đối với trời đất, các vị thần linh. Là một nét đẹp văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc Thái trắng khu vực xã Mường So. Lễ hội đã lưu truyền qua nhiều thế hệ và được tổ chức hằng năm lúc trời vào cuối thu, đầu mùa đông trên cánh đồng Mường So, lúc lúa nếp đã cúi mình, cũng là lúc đôi trai gái rủ nhau đi chọn những bông lúa nếp trên ruộng chuẩn bị làm cốm.

1.jpg
Văn nghệ chào mừng lễ hội

Thông qua lễ hội nhằm bày tỏ ước vọng về chỗ dựa tinh thần, tạo dựng niềm tin cho con người, gạt bỏ những phiền muộn để nhường chỗ cho tính hướng thiện, sự nhân ái, sẻ chia. Qua đó, góp phần giữ gìn phát triển văn hoá truyền thống kết hợp với văn hóa đương đại, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần vui tươi, lành mạnh, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Lễ hội Kin lẩu khẩu mẩu gồm 2 phần lễ và hội. Phần lễ thực hiện 4 nghi thức là rước hồn lúa; cúng hồn lúa; giã cốm, cầu bình an; cúng thần linh, cầu phúc và tạ ơn.

Lễ hội Kin lẩu khẩu mẩu được bắt đầu từ nghi thức rước hồn lúa, thể hiện sự trân quý Thần nông. Những cô gái trong bản sẽ là người chọn ra những bông lúa to đều, mẩy hạt từ cánh đồng để mang về làm lễ.

2.jpg
Các thầy mo và nam thanh, nữ tú trên địa bàn xã thực hiện nghi thức rước hồn lúa

Nghi thức thứ hai là nghi thức cúng hồn lúa. Xuất phát từ ý niệm “vạn vật hữu linh” nên đồng bào Thái quan niệm mọi vật thể tồn tại, phát triển được nhờ có linh hồn, số phận con người phụ thuộc vào lực lượng siêu nhiên, thế giới siêu linh. Những yếu tố vô hình thiêng liêng này quyết định cuộc sống trên trái đất, được người Thái gọi là Chảu (Chủ). Thiên nhiên quanh họ như trời, đất, núi, sông, cây cối... đều có các Chảu ngự trị, nên được họ sùng bái, cúng tế để làm chỗ dựa tinh thần.

Sau nghi thức cúng hồn lúa, đến nghi thức giã cốm, cầu bình an. Thóc được nướng trong lửa nhỏ, lật liên tục cho nóng đều. Lửa phải được duy trì đều trong khoảng 30 phút đến khi nứt hạt và dậy mùi thơm. Theo quan niệm của người Thái, đây là công đoạn quan trọng quyết định độ ngon của cốm, bởi nếu quá lửa sẽ bị cứng, nếu non lửa sẽ mất đi độ dẻo.

4.jpg
Những bông lúa mới mẩy, chắc hạt sẽ được các thiếu nữ thái chọn mang từ cánh đồng về để làm lễ

Khi nướng xong sẽ cho vào cối giã, người giã phải đều tay, liên tục và nhịp nhàng để chày giã không mạnh quá hoặc nhẹ quá. Nghi thức giã cốm cũng được chia thành 2 bên nam, nữ như thể hiện sự giao thoa của 4 mùa trời đất, của âm dương hòa hợp. Cốm giã xong được gói trong lá dong xanh, vừa tăng thêm màu xanh của cốm, vừa lưu giữ mùi thơm của sữa lúa.

Cốm sau khi được làm sạch, mang vào nhà cúng tế cùng những lễ vật khác là nông phẩm của người dân trong vùng như bánh kẹo, gà, lợn, thóc cốm thực hiện theo đúng lý.

img-6271-4707.jpg
Nghi thức cúng hồn lúa
5.jpg
Những bông lúa được mang đi nướng để chuẩn bị làm cốm

Cúng tế xong, những người làm lễ cùng bà con vãi cốm ra xung quanh nhà cúng tế để tượng trưng cho sự sung túc, no đủ, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, tất cả mọi người tham dự lễ hội sẽ được ăn một chút cốm để được thần linh ban cho sự may mắn. Lễ cúng kin khẩu lẩu mẩu là nghi lễ của dân tộc Thái thể hiện lòng thành, kính trọng đối với ông bà tổ tiên…

img-6511-8262.jpg
Các chàng trai, cô gái giã gạo mới làm cốm

Sau phần lễ là đến phần hội, nhiều trò chơi dân gian như: Đánh cầu lông gà, ném còn, kéo co được đông đảo bà con tham gia. Những tiết mục của các đội văn nghệ quần chúng được giao lưu, chia sẻ tại lễ hội đã tạo sân chơi bổ ích cho bà con nông dân sau những ngày lao động vất vả. Trong đó, có rất nhiều tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như: Múa nón đặc trưng của dân tộc Thái trắng, sắc màu của đội văn nghệ của bản Vàng Pheo nổi tiếng là địa điểm du lịch của tỉnh và Tây Bắc... cũng đã góp phần tạo cho lễ hội những điểm nhấn, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân và khách du lịch. Qua đó, góp phần duy trì và giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc.

6(2).jpg
Cốm sau khi giã sẽ được các cô gái khéo léo sàng sảy cho sạch
img-6549-4523.jpg
Sau khi làm xong cốm được dùng để cúng thần linh bản mường

Ông Bùi Quang Lịch, Phó Chủ tịch UBND xã Mường So, huyện Phong Thổ cho biết: “Hàng năm được Đảng và Nhà nước quan tâm, xã Mường So tổ chức lễ hội chúng tôi vui mừng phấn khởi và rất thoải mái. Đến với lễ hội ngày hôm nay dù tuổi mình có già rồi nhưng vẫn cảm thấy tươi vui và sống lại với những mùa lễ hội khi còn trẻ”.

img-6561-103.jpg
Thưởng thức những hạt cốm mới thơm ngon, dẻo, bùi với mong muốn luôn khoẻ mạnh, no ấm..
1697364433_467_le-hoi-kin-lau-khau-mau-nam-2023.jpg
Trải nghiệm trò chơi tung còn

Bà Mai Thị Hồng Sim, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho hay, Lễ hội Kin lẩu khẩu mẩu được phục dựng, bảo tồn nhằm giữ gìn nét văn hóa đặc trưng và động viên tinh thần đồng bào hăng say lao động sản xuất. Qua đó, đời sống tinh thần và ý thức, trách nhiệm của các thế hệ trong việc giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc được nâng cao; tăng cường quảng bá hình ảnh vùng đất, con người Phong Thổ nói riêng và Lai Châu nói chung.

Thời gian tới, huyện Phong Thổ tiếp tục quan tâm bảo tồn văn hóa các dân tộc bằng việc duy trì, tổ chức thường niên các lễ hội. Mặt khác, huyện tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn khuyến khích đồng bào bảo tồn nét văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch trên nhằm xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh cho nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO