Văn hóa

Rối nước Đào Thục: Hồn riêng văn hóa truyền thống Việt Nam

Thùy Dương 01/03/2024 - 06:55

Múa rối nước là loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, là di sản văn hóa quý giá được lưu truyền qua bao đời. Trải qua bao thăng trầm, nhưng với tâm huyết và tình yêu nghệ thuật, những nghệ nhân - nông dân làng rối nước Đào Thục vẫn duy trì được sức sống của nghệ thuật dân gian truyền thống này. Không những thế, những nghệ nhân còn đưa nghệ thuật múa rối nước bay xa, trở thành Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Phác họa lịch sử

Làng Đào Thục xưa có tên là Đào Xá, đến thời Đồng Khánh (1886-1888) được đổi là Đào Thục. Nghệ thuật múa rối dân gian Việt Nam xuất hiện từ thời cổ đại cùng với Nhà nước văn minh - nghệ thuật thời Hùng Vương gắn liền với tập tục nghi lễ, hội hè Việt cổ cách đây hơn 2000 năm. Trên thực tế cho thấy, múa rối tồn tại ở Việt Nam đã trên dưới 1000 năm, phát triển mạnh nhất vào thời Lý - Trần (thế kỷ XI - XII).

0hp.jpg
“Thủy đình” - nơi biểu diễn múa rối nước tại làng Đào Thục.

Tại Đào Thục, nghề rối nước đã xuất hiện khoảng 300 năm, được sáng tạo và truyền dạy từ ông tổ nghề Nguyễn Đăng Vinh. Là một trong những làng nghề truyền thống đầu tiên của môn nghệ thuật này, ngôi làng nhỏ thuộc địa phận xã Thụy Lâm, Đông Anh đã duy trì, gìn giữ và phát triển được nghệ thuật múa rối nước cho đến tận ngày nay.

Rối nước tại làng Đào Thục hấp dẫn người xem với hơn 10 tích trò. Đa phần đều là những vở rối truyền thống từ thời mới thành lập. Những tiết mục hầu hết đều bắt nguồn từ những câu chuyện thường nhật gắn liền với người nông dân như cấy lúa, câu cá, chăn trâu, đánh đu… Ngoài ra còn có những tiết mục biểu diễn theo các câu chuyện truyền thuyết.

Bên cạnh những tiết mục mang tính truyền thống, hiện nay làng Đào Thục cũng có những tiết mục hiện đại để phục vụ khán giả như vở kịch "chiến thắng Điện Biên Phủ 12 ngày đêm", "Rước ảnh Bác Hồ"… thu hút đông đảo người xem.

Là nghệ nhân múa rối nước, bà Nguyễn Thị Thuận chia sẻ: "Diễn làm sao để cái hồn của nhân vật được thể hiện trong từng động tác của con rối. Khi tâm hồn người nghệ nhân đã hòa quyện vào tâm hồn của tác phẩm, đó chính là sự cộng hưởng cao nhất trong nghệ thuật”.

Giá trị văn hóa phi vật thể của làng rối nước Đào Thục được thể hiện qua thời gian bên cạnh những tích trò cổ, lưu giữ qua nhiều thế hệ, còn sáng tác thêm nhiều tích trò mới, ca ngợi quê hương, đất nước, thể hiện sự tiếp nối truyền thống cũng như sức sống bền bỉ, mãnh liệt của môn nghệ thuật cổ truyền ở làng.

Nghệ thuật cộng hưởng được thể hiện trong từng cá nhân và trong cả tập thể của phường múa rối nước Đào Thục. Người nghệ nhân rối nước ở Đào Thục không chỉ cần tình yêu và đam mê với rối nước, mà còn cần sự tập trung cao độ, khi vừa nghe nhạc, vừa điều khuyển con rối đơn, có lúc là đôi hay ba, vừa phải kết hợp với những nghệ nhân rối nước khác sao cho nhịp nhàng, uyển chuyển tạo nên một sân khấu múa rối nước mãn nhãn, sự kết nối liên tục đã rèn luyện cho người nghệ nhân trở nên nhạy bén và thêm yêu, gắn bó với nghề.

Thổi hồn vào “nhân vật”

Mỗi con rối đều được chính tay những nghệ nhân nơi đây đúc tạc ra, từng chi tiết đều được trau chuốt từ những điểm nhỏ nhất. Những vật liệu được sử dụng chế tạo rối nước gắn liền với cuộc sống của người nông dân xưa. Mỗi con rối là tâm tư, tình cảm, là đại diện cho linh hồn của mỗi một nhân vật, con vật trong tích trò nên người chế tác thường sử dụng gỗ của cây sung để đẽo gọt, tạo thành hình hài từng con rối.

Kỹ thuật tạo ra một con rối không chỉ cần chú trọng ở khâu tạo hình, mà đặc biệt còn nằm ở chất liệu gỗ được sử dụng để làm ra các nhân vật trong tích trò của rối nước. Vì các con rối được đặt dưới nước biểu diễn, nên cần sử dụng những nguyên liệu như gỗ và chất liệu sơn đặc thù hơn so với rối cạn: chủ yếu làm bằng gỗ sung; sào gắn vào con rối làm bằng tre, dây kéo bằng dây chạc.

“Ở Đào Thục rối được làm từ gỗ sung. Bởi rối làm từ gỗ sung chỉ có mòn đi sau những năm tháng sử dụng, chứ không hề mọt hay nứt vỡ, cũng giống lời chúc của cha ông vẫn còn mãi chẳng hề mất đi. Sau này, tôi có sử dụng thêm cả gỗ cây hoa sữa để chế tác rối, vẫn bảo đảm được độ nhẹ và không hút nước, còn mang tới một ý nghĩa nhân văn về cuộc sống là chúng ta đều được sinh ra và nuôi lớn từ dòng sữa mẹ”, ông Nguyễn Văn Phi, nghệ nhân chế tác rối thủ công duy nhất của Đào Thục chia sẻ.

0km.png
Các nghệ nhân đứng ở bên trong thủy đình điều khiển những con rối.

Sự dày công luyện tập, niềm đam mê với nghề diễn rối nước là những yếu tố quan trọng, quyết định đến độ chỉn chu, thú vị của từng sân khấu, từng tích trò mà những nghệ sĩ Đào Thục tạo nên. Song song với nhiệt huyết và tình yêu nghề, người xem mấy ai biết được những nỗ lực đằng sau sân khấu nước của những người nông dân phường rối.

Nhưng hiện nay múa rối Đào Thục đang có nguy cơ bị mai một trong thời đại xã hội công nghệ hoá, Làng rối nước Đào Thục cách đây 20 năm tưởng chừng như xóa sổ. Các nghệ nhân đã phải tìm hướng đi mới để duy trì và bảo tồn phát triển nghề rối tại đây. Một hướng đi mới thành công chính là, chủ động động, sáng tạo trong việc tiếp cận thị trường. Đổi mới việc tổ chức biểu diễn nhằm phục vụ khách du lịch, quảng bá du lịch thay thế cách biểu diễn trước mỗi năm chỉ một lần.

Để loại hình múa rối nước Đào Thục vẫn tiếp tục được lưu truyền cho đến ngày hôm nay, mỗi người dân ở làng Đào Thục đều góp một chút công sức để gìn giữ nghệ thuật truyền thống của cha ông để lại: Người chế tác, người biểu diễn, người viết kịch bản, người quảng bá du lịch. Ngoài những cố gắng trong việc giữ lửa làng nghề, việc truyền thông cho múa rối nước Đào Thục cũng được chăm chút, tích cực hơn. Anh Nguyễn Thế Nghị - một người con Đào Thục đã đi gõ cửa các công ty du lịch, bước đầu đưa nghệ thuật múa rối nước Đào Thục vươn cao vươn xa. Không chỉ dừng lại ở việc quảng bá phường rối nước trên các trang mạng xã hội, anh Nghị còn tâm huyết với những hoạt động giữ chân du khách.

Nghệ thuật múa rối Đào Thục là một nét đẹp lớn trong kho tàng của dân tộc ta. Đây là cầu nối giữa hiện tại và quá khứ và cần được quan tâm trú trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của nét đẹp này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO