Mặc dù cơ quan chức năng và các cấp chính quyền đã tăng cường công tác tuyên truyền, kết hợp xử lý nghiêm những trường hợp trồng cây có chứa chất ma túy nhưng tình trạng trồng, tái trồng cây thuốc phiện trên nhiều địa bàn các vùng dân tộc thiểu số vẫn diễn biến phức tạp, cần tiến hành đồng bộ các giải pháp để ngăn chặn hiệu quả...
Liên tiếp phát hiện “vườn” cây thuốc phiện
Trong 2 tháng đầu năm 2024, lực lượng chức năng đã phát hiện tình trạng người dân trồng cây thuốc phiện diễn biến phức tạp trên địa bàn các bản vùng cao, biên giới.... Thủ đoạn phổ biến là trồng tại nhà riêng, vườn nhà hoặc trồng đan xen với cây hoa màu... để ngâm rượu, chữa bệnh hoặc sử dụng vào mục đích khác.
Nếu không phát hiện, ngăn chặn kịp thời thì tình trạng trồng, sử dụng sản phẩm từ cây có chứa chất ma túy sẽ có nguy cơ lan rộng, bị tội phạm lợi dụng vào hoạt động sản xuất ma túy trái phép gây phức tạp về an ninh trật tự.
Vào hồi 9h ngày 2/3, Tổ công tác của Công an xã Bản Xèo (Bát Xát, Lào Cai) đã phát hiện tại khu vực nằm giữa rừng sâu thuộc thôn San Lùng, xã Bản Xèo có một điểm trồng hơn 500 cây thuốc phiện trên diện tích 350m2 đang trong quá trình sinh trưởng, chiều cao từ khoảng 15cm – 40cm.
Tổ công tác đã tiến hành lập biên bản phá nhổ và tổ chức tiêu hủy toàn bộ số cây thuốc phiện trên. Vị trí trồng cây thuốc phiện nằm sâu trong rừng, cách khu dân cư khoảng 2 giờ đi bộ, được bao bọc bởi rừng vầu, địa hình hiểm trở, không có đường mòn qua lại.
Trước đó, vào khoảng 13 giờ ngày 28/2, Công an huyện Ia Grai (Gia Lai) nhận được tin báo về việc tại Breng 3, xã Ia Dêr có 2 hộ dân trồng cây thuốc phiện. Ngay sau đó, Công an huyện Ia Grai đã tiến hành kiểm tra và phát hiện tại nhà bà L.T.N (SN 1970) trồng 44 cây thuốc phiện; nhà bà N.T.B (SN 1966) trồng 7 cây thuốc phiện.
Sau khi phát hiện, lực lượng chức năng huyện Ia Grai đã tiến hành lập biên bản vi phạm để xử lý theo quy định pháp luật.
Ngày 22/2, Đồn Biên phòng Na Cô Sa, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên cho biết, đơn vị vừa chủ trì phối hợp với lực lượng Công an xã Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ bắt quả tang đối tượng Hờ Thị La (sinh năm 1977, trú ở bản Huổi Po, xã Na Cô Sa) đang có hành vi trồng cây thuốc phiện xen lẫn với cây rau cải tại nương rau trong núi.
Qua kiểm đếm sơ bộ, lực lượng chức năng phát hiện có khoảng 600 cây thuốc phiện đang thời kỳ ra hoa, được trồng xen lẫn với cây rau cải trên diện tích khoảng 30m2, thuộc khu vực bản Huổi Po, xã Na Cô Sa…
Với sự vào cuộc tích cực và bền bỉ của nhiều lực lượng, tình trạng tái trồng cây thuốc phiện đã giảm. Tuy nhiên, vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tái trồng cây thuốc phiện, đặc biệt là ở các huyện vùng cao, biên giới vẫn còn nhiều người nghiện ma túy.
Nguyên nhân khiến một số bà con người dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới trồng cây thuốc phiện là do trình độ hiểu biết hạn chế, cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhất là có không ít người nghiện ma túy nên lén lút trồng để sử dụng. Bên cạnh đó, một số gia đình nghĩ đơn giản rằng trồng cây thuốc phiện để làm thuốc chữa bệnh cho người và gia súc, gia cầm hoặc dùng ngâm rượu uống để tăng cường sức khỏe...
Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, phòng ngừa
Thuốc phiện là loại cây bị cấm trồng, nếu bị phát hiện người trồng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ, hành vi vi phạm ở mức độ nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Do vậy, khi gieo trồng cây thuốc phiện người ta thường lén lút trồng ở những nơi khuất hoặc vùng sâu, vùng xa mà cơ quan chức năng khó có thể tiếp cận được.
Ngoài ra, loại cây này, khi còn bé cũng giống như các loại cây rau màu khác trồng trong vườn nên việc phát hiện là rất khó khăn. Hầu hết các vụ việc phát hiện, xử lý khi cây đã sinh trưởng, phát triển và ra hoa, thậm chí đã kết quả với những đặc trưng nhận biết riêng biệt.
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) cũng cho biết, trong hầu hết các vụ việc phát hiện, người dân chỉ bị xử lý hành chính (do chưa đến mức xử lý hình sự) nên hiệu quả răn đe thấp, dẫn đến tình trạng trồng cây chứa chất ma túy vẫn có nguy cơ diễn ra tại nhiều địa phương, không kể ở khu vực nông thôn, miền núi hay thành thị.
Cùng với việc một số đối tượng cố ý trồng cây thuốc phiện để kiếm lời; không ít trường hợp người dân trồng cây thuốc phiện do thiếu hiểu biết pháp luật, hoặc khi bị phát hiện thì viện lý do đời sống khó khăn, phải tìm kế sinh nhai khiến cơ quan chức năng gặp nhiều lúng túng trong xử lý, chủ yếu là nhắc nhở hoặc xử phạt vi phạm hành chính dẫn đến hiệu quả răn đe không cao.
Vì vậy, nếu không phát hiện, ngăn chặn kịp thời thì tình trạng trồng, sử dụng sản phẩm từ cây có chứa chất ma túy sẽ có nguy cơ lan rộng, bị tội phạm lợi dụng vào hoạt động sản xuất ma túy trái phép gây phức tạp về an ninh trật tự.
Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả với tình trạng trên, trong thời gian tới, Công an các đơn vị, địa phương, nhất là lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính và công an cơ sở (cấp xã) cần đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến về những tác hại, ảnh hưởng của việc sử dụng cây thuốc phiện, cây cần sa và những sản phẩm từ cây thuốc phiện, cây cần sa đối với sức khỏe con người.
Tuyên truyền những quy định, chế tài xử phạt nghiêm khắc của pháp luật (nhất là Bộ luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Phòng, chống ma túy năm 2021) đối với các hành vi liên quan đến việc trồng, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép cây thuốc phiện, cây cần sa. Vận động nhân dân tích cực tham gia phòng, chống ma túy; kịp thời phát hiện, tố giác tội phạm ma túy, các hành vi trồng cây có chứa chất ma túy trái phép tại nhà riêng, vườn nhà, các địa điểm công cộng... của các đối tượng với cơ quan chức năng.
Các lực lượng chức năng tuần tra, khoanh vùng, nắm tình hình trồng và tái trồng cây có chứa chất ma túy ở các địa bàn; trong đó, tập trung vào những địa bàn có nhiều khả năng, điều kiện trồng và tái trồng cây thuốc phiện, như: Vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, huyện, xã và tại những địa bàn đã từng xảy ra trồng cây thuốc phiện…
Đặc biệt, để nhân dân khu vực biên giới xóa bỏ tình trạng trồng và sử dụng cây thuốc phiện thì bên cạnh việc kiên trì làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, các cấp chính quyền và lực lượng chức năng cần triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế để thoát nghèo. Giúp đồng bào có cuộc sống ổn định, nếp sống văn hóa chính là giải pháp căn cơ để cây thuốc phiện không còn đất sống.