Đời sống xã hội

Quyết liệt triển khai đồng bộ 3 Chương trình mục tiêu quốc gia

Ái Vân 06/11/2023 - 18:56

Xác định 3 chương trình mục tiêu quốc gia đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian qua, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giàng đã chủ động, khẩn trương chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức triển khai, thực hiện, đồng thời ưu tiên tập trung các nguồn lực để thực hiện mục tiêu các chương trình.

Để thực hiện có hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia, huyện Hoàng Su Phì xác định yếu tố quan trong nhất là người dân. Chính vì vậy, tuyên truyền, vận động là khâu mở đường, nhiều hình thức tuyên truyền được triển khai, đảm bảo tất cả người dân trong huyện ai cũng được nghe, được biết.

Trước tiên, Huyện Hoàng Su Phì đã xây dựng hệ thống mã QR để người dân có thể tiếp cận văn bản mọi nơi, mọi lúc bằng những chiếc điện thoại thông minh mà bà con đang dùng. Là những chính sách, chương trình lớn, phạm vi rộng tác động trực tiếp đến người dân, nhưng do có nhiều nội dung mới nên người dân gặp khó khăn trong tiếp cận, nhận thức được điều đó huyện Hoàng Su Phì đã hệ thống lại toàn bộ văn bản, hướng dẫn của các cấp thông qua mã QR để người dân tiếp cận nhanh và dễ dàng hơn.

6-11.png
Bằng nguồn vốn của 3 chương trình mục tiêu đã giúp các hộ dân ở Hoàng Su Phì tập trung phát triển chăn nuôi, thu nhập ổn định, nâng cao đời sống.

Anh Lý Văn Cường, thôn Cao Sơn 1, xã Bản Luốc, huyện Hoàng Su Phì chia sẻ: Trước đây tôi không biết gì về thông tin, văn bản của huyện. Xã dán mã QR khắp nơi, được cán bộ chuyên viên của xã tư vấn nên bà con được tiếp cận với văn bản của huyện, của tỉnh, của Trung ương được dễ dàng hơn, cũng như nhận thấy trách nhiệm, vai trò, quyền lợi của mình, đồng thời cũng giám sát được việc triển khai các chính sách của xã.

Thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia nhằm thúc đẩy tăng trưởng đẩy mạnh nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, phát huy lợi thế của địa phương. Nhiều chính sách đặc trưng, đối tượng thụ hưởng khác nhau, để thực hiện nhiệm vụ trên trước tiên phải xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là đường giao thông, mạch máu của nền kinh tế, đây là điều mà huyện Hoàng Su Phì đặc biệt quan tâm. Do đó, nhiều tuyến đường giao thông được khởi công xây dựng.

Năm 2023, huyện Hoàng Su Phì có 41 công trình đang thi công do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện làm chủ đầu tư. Trong đó có 18 công trình có nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia, 23 công trình sử dụng các nguồn vốn khác. Hiện nay, Hoàng Su Phì đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các tuyến đường giao thông huyết mạch dẫn tới những địa điểm du lịch của huyện để bàn giao theo đúng tiến độ.

Ông Hoàng Văn Thắng, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Hoàng Su Phì cho biết: Từ đầu năm, khi triển khai Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cho giao thông nông thôn, UBND huyện giao nhiệm vụ cho phòng, ban chuyên môn. Hàng năm xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công đối với UBND xã, chủ đầu tư, đẩy nhanh tiến độ cũng như đảm bảo kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, trong đó quan tâm đặc biệt đến vật liệu đầu vào.

Thôn Nhị Sàng, xã Chiến Phố, huyện Hoàng Su Phì là địa phương có diện tích trồng cây mận máu cao, đây là sản phẩm đã xây dựng thương hiệu, có chỗ đứng trên thị trường. Trước đây, giao thông không thuận tiện, việc thu hoạch và vận chuyển của người dân gặp nhiều khó khăn khi mang đi tiêu thụ, đường giao thông khó đi mất nhiều thời gian, nên hoa quả không được tươi ngon dẫn đến tiêu thụ chậm.

Năm 2019, thôn được nhà nước hỗ trợ, đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn đến tận nơi trung tâm thì thương lái lên tận nơi mua bán, bà con không phải vất vả mang đi tiêu thụ, giá thành cũng được nâng lên.

Mạch máu giao thông được thông suốt, nhiều chính sách, nguồn vốn được hỗ trợ đến người dân để người dân phát triển kinh tế, từng bước chuyển đổi cây trồng vật nuôi. Những cây trồng chủ lực được canh tác bằng phương thức truyền thống thì nay đã áp dụng khoa học kỹ thuật và sản xuất với năng suất cao hơn.

Anh Giàng Seo Sùng, thôn Nhiu Sang, xã Chiến Phố, huyện Hoàng Su Phì cho biết: Gia đình tôi đang trồng xen canh, khi cây mận còn nhỏ. Thời gian sau, nếu cây mận phát triển tốt cho năng suất cao thì tôi sẽ không trồng ngô nữa, chỉ tập trung chăm sóc cây mận thôi.

Hoàng Su Phì có rất nhiều loại cây được coi là thế mạnh như cây chè San tuyết, cây nậm máu, trâu, lợn đen… như trước đây người nông dân chỉ biết canh tác, chăn nuôi theo tập quán, chăn thả tự nhiên. Cây trồng thì mọc cho tự nhiên không chăm sóc, thời tiết thuận lợi thì được mùa, bất lợi thì mất mùa, mỗi nhà trồng vài cây, chăn nuôi thì nhỏ lẻ, hộ nuôi nhiều 5 đến 6 con lợn, bò, trâu, hộ ít 1 đến 2 con, không có tính chuyên canh tập trung dẫn đến không thể trở thành hàng hóa. Với nhiều dự án hỗ trợ thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đến nay người dân nơi đây dã thay đổi cả tư duy lẫn hành vi.

Anh Giàng Chẩn Sấn, Trưởng thôn Nhiu Tang, xã Chiến Phố cho biết: Bà con đã chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây mận máu. So với trồng cây ngô, cây lúa giá trị kinh tế của cây mận máu cao gấp 3 lần nên điều kiện của bà con cũng khá dần lên. Trước đây bà con dùng trâu cày kéo, bây giờ làm bằng máy móc hết. bà con cũng sắm đầy đủ đồ dùng sinh hoạt như ti vi, tủ lạnh, con cái được đi học đầy đủ. So với trước đây kinh tế gia đình được nâng lên rất nhiều bây giờ có cả trâu, cả bò, bán cái gì cũng cho thu nhập.

Ông Lý Chòi Nhân, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoàng Su Phì nói: Nhờ triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đầu tư cho nhân dân. Trong đó có chương trình về tập huấn, tuyên truyền, đào tạo cho bà con chuyển đổi diện tích cây trồng không có giá trị kinh tế, sang trồng cây ăn quả. Đồng thời, bà con đã trồng rồi thì chăm sóc cho đúng kỹ thuật để cây trồng đem lại năng suất cao. Thời gian qua, một số sản phẩm của huyện được đánh giá là sản phẩm Ocop 3, đối với cây ăn qủa là 4 sao, đây là mục tiêu của huyện, là nội dung phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con ở địa phương.

Những năm gần đây huyện Hoàng Su Phì đã đầu tư, xây dựng thương hiệu quả mận máu nên giá trị sản phẩm trên thị trường được nâng lên, người dân có nguồn thu ổn định, đời sống có bước khởi sắc hơn

Không chỉ hỗ trợ người nông dân xây dựng chuỗi giá trị hàng hóa, huyện Hoàng Su Phì đã và đang xúc tiến thương mại đưa những sản phẩm thế mạnh của địa phương tham gia nhiều hội chợ trong và ngoài nước nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, thành lập các HTX nhiều thành phần phát triển kinh tế. Tăng cường thương mại, dịch vụ đặc biệt là ngành du lịch. Người dân cũng rất kỳ vọng đường giao thông của Hoàng Su Phì được đầu tư, xây dựng hoàn thiện khách du lịch đến với Hoàng Su Phì sẽ thuận lợi hơn, đoạn đường sẽ ngắn lại không kéo dài nhiều thời gian như trước đây nữa.

Năm 2023, huyện Hoàng Su Phì được phân bổ hơn 350 tỷ đồng để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, với cách làm bài bản, hiệu quả, diện mạo của Hoàng Su Phì đang thay đổi từng ngày. Với quyết tâm chính trị cao cùng với các giải pháp đồng bộ, quyết liệt, tin rằng việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia sẽ đảm bảo đúng tiến độ, hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội góp phần giảm nghèo bền vững nâng cao đời sống, vật chất tinh thần của người dân nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO