Hòa An (Cao Bằng) được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam, thắng cảnh và là nơi lưu giữ nhiều giá trị lịch sử văn hóa truyền thống. Những năm qua, bằng nhiều nguồn lực, huyện đầu tư, tôn tạo, phát huy giá trị di sản nói chung và di sản văn hóa phi vật thể nói riêng. Từ đó, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.nhập tóm tắt
Có mặt tại buổi truyền dạy, chia sẻ về văn hóa truyền thống tại lớp tập huấn nghiệp vụ, truyền dạy về bảo tồn, phát huy các loại hình văn hóa phi vật thể nghệ thuật trình diễn dân gian của huyện, chúng tôi nhận thấy niềm vui của 90 đại biểu là trưởng xóm, nghệ nhân, thành viên đội văn nghệ cơ sở, người có uy tín trên địa bàn huyện gồm các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao…, bởi họ được gặp gỡ, giao lưu, biểu diễn, giới thiệu các làn điệu dân ca của dân tộc mình.
Chị Lương Thị Máy, xóm Cốc Phát, xã Nguyễn Huệ chia sẻ: Tham dự lớp tập huấn, tôi được giao lưu với các nghệ nhân nhiều địa phương khác, tôi rất vui và tự hào khi được giới thiệu, chia sẻ làn điệu hèo phươn của dân tộc Nùng An. Tôi mong muốn có nhiều lớp tập huấn được tổ chức để nhiều người biết đến làn điệu hèo phươn, đặc biệt là thế hệ trẻ nhằm bảo tồn và phát huy làn bản sắc văn hóa dân tộc.
Các học viên tham gia lớp tập huấn được truyền dạy theo giáo trình “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2030”; giới thiệu hát Then của người Tày Cao Bằng; các làn điệu dân ca các dân tộc Cao Bằng; hướng dẫn cách sưu tầm, bảo tồn các làn điệu dân ca; hướng dẫn tổ chức và hoạt động của đội văn nghệ quần chúng cơ sở. Ngoài ra, thực hành truyền dạy về hát Then, đàn tính và các làn điệu dân ca các dân tộc Cao Bằng. Chị Lý Thị Thu, Chủ nhiệm Câu lạc bộ dân ca dân tộc Mông xóm Lũng Phầy, xã Hồng Việt cho biết: Qua lớp tập huấn, tôi được học hỏi, trau dồi những kiến thức dân ca của các dân tộc trên địa bàn huyện và trong tỉnh, đồng thời chia sẻ nét đẹp các làn điệu dân ca của dân tộc Mông đến với mọi người.
Hoạt động truyền dạy các loại hình văn hóa trên địa bàn huyện được các nghệ nhân triển khai thực hiện. Các nghệ nhân dân gian là những hạt nhân đã gìn giữ và lưu truyền nét đẹp văn hóa cho các thế hệ sau. Theo nghệ nhân Đàm Nha, thị trấn Nước Hai, kho tàng văn hóa huyện Hòa An rất phong phú, đa dạng. Những lớp tập huấn được tổ chức sẽ giúp các nghệ nhân, thành viên đội văn nghệ ở cơ sở trên địa bàn huyện được gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, trách nhiệm nhằm bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc.
Huyện triển khai nhiều chương trình, dự án liên quan đến bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý, thực hành, truyền dạy, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể; thành lập các câu lạc bộ văn nghệ truyền thống. Tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Mông, hội thi, hội diễn, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao truyền thống và trò chơi dân gian... Từ đây, nhiều di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số được gìn giữ và phát triển.
Bảo tồn di sản văn hóa là duy trì sức sống của di sản, truyền đạt tri thức, kỹ năng, ý nghĩa và khơi nguồn được giá trị của di sản. Với tinh thần đó, năm 2023, huyện có nhiều hoạt động bảo tồn, phát huy các loại hình văn hóa phi vật thể nghệ thuật trình diễn dân gian như: lớp khèn Mông với 20 học viên là những người đam mê hát dân ca, các điệu múa khèn Mông, không giới hạn độ tuổi đang học tập, sinh sống trên địa bàn xã Dân Chủ. Các học viên được các nghệ nhân am hiểu khèn Mông truyền dạy, hướng dẫn các bước làm quen với khèn Mông, học thổi khèn Mông, học múa kết hợp thổi khèn. Lớp truyền dạy nghệ thuật trang trí hoa văn và kỹ thuật in hoa văn sáp ong trên trang phục truyền thống của người Mông Hoa tại xã Dân Chủ được 10 nghệ nhân truyền dạy những hiểu biết chung về kỹ thuật thiết kế, cắt, may, ghép vải, vẽ hoa văn bằng sáp ong; kỹ thuật in hoa văn trên vải của người Mông Hoa. Bên cạnh đó, mở lớp hát Then, đàn tính tại xã Hồng Việt thu hút đông đảo học sinh và nhân dân tham gia…
Huyện hỗ trợ trang phục, đạo cụ cho 9 đội văn nghệ các xóm: Ca Rài (xã Đại Tiến), Lũng Phầy (xã Hồng Việt), Văn Thụ (xã Nam Tuấn), Phjắc Cát (xã Dân Chủ), Pàn Kèng, Nà Lại (xã Quang Trung), Lũng Oong, Nà Chang (xã Trương Lương); đồng thời hướng dẫn 3 đội văn nghệ xây dựng quy chế hoạt động. UBND huyện chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các trường học thành lập các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ trong trường học, đến nay, toàn huyện có 65 câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ của 31/31 trường phổ thông.
Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hòa An Hoàng Thị Tuyến cho biết: Phòng tiếp tục tham mưu thực hiện tốt công tác gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn nhằm nâng cao chất lượng đời sống văn hóa và tinh thần của nhân dân. Tham mưu tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, lễ hội, góp phần lan tỏa, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc; chỉ đạo thành lập các câu lạc bộ, đội văn nghệ quần chúng và thường xuyên giao lưu, học hỏi, truyền dạy… Qua đó, quảng bá hình ảnh quê hương Hòa An giàu truyền thống cách mạng, thúc đẩy du lịch, dịch vụ ngày càng phát triển.