Để từng bước thay đổi nhận thức, nếp nghĩ cho đồng bào dân tộc thiểu số về Luật Hôn nhân và Gia đình, thành phố Pleiku đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số” tại các xã miền núi trên địa bàn tỉnh. Do làm tốt công tác tuyên truyền nên từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố Pleiku không xảy ra trường hợp nào tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Thời gian vừa qua, các xã, phường trên địa bàn Pleiku (Gia Lai) đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú phù hợp với nhiều đối tượng, nhất là thế hệ trẻ, nhận thấy rõ được những tiêu cực từ việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, vận động bà con ở những làng dân tộc thiểu số nâng cao hiểu biết về Luật Hôn nhân và Gia đình, về chính sách dân số, sức khoẻ sinh sản đối với lứa tuổi vị thành niên, xoá bỏ tư tưởng cổ hủ, xoá bỏ tập quán lạc hậu về tảo hôn, qua đó góp phần ổn định đời sống, phát triển kinh tế xã hội đối với bà con ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Thành phố Pleiku là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội của tỉnh. Dân số trung bình là 269.674 người bao gồm 26 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 12% tổng dân số, phần lớn là dân tộc Gia Lai, Ba Na sinh sống tập trung ở 37 làng dân tộc thiểu số. Do phong tục tập quán và ý thức chấp hành tuân thủ pháp luật về hôn nhân gia đình đối với bà con dân tộc thiểu số còn hạn chế, nhận thức của bà con về việc tảo hôn chưa cao, một số phụ huy buông lỏng quản lý con cái. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật được các cấp các ngành của thành phố trú trọng lựa chọn nội dung tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng.
Theo số liệu thống kê của Ban dân tộc tỉnh Gia Lai, năm 2022 cả tỉnh có 952 cặp tảo hôn, tăng 72 cặp so với năm 2021, không có trường hợp nào hôn nhân cận huyết. Trong đó, 939 cặp là người dân tộc thiểu số. Các huyện có tỷ lệ tảo hôn cao như: Huyện Đức Cơ, huyện Ia Grai, huyện Kbang…Chỉ tính từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh Gia Lai đã có 392 cặp tảo hôn, 97% số cặp tảo hôn là người dân tộc thiểu số; độ tuổi trung bình của các bé gái tảo hôn là từ 13 đến 17 tuổi, còn các bé trai là 16 đến 17 tuổi, trong địa bàn tỉnh đã xảy ra 2 cặp hôn nhận cận huyết thống.
Ông Nguyễn Tất Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã An Phú, thành phố Pleiku chia sẻ: Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở trên địa bàn xã An Phú không có trường hợp nào xảy ra, cán bộ uỷ ban cũng đã có sự chỉ đạo đối với cán bộ phụ trách dân tộc tôn giáo, phối hợp với các ban, ngành chuyên môn đoàn thể của xã cũng như mặt trận các đoàn thể, phối hợp với ban dân các thôn làng. Tập trung nhiều biện pháp tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật liên quan đến lĩnh vực dân tộc tôn giáo bằng nhiều hình thức như hội họp tập trung, pa nô, áp phíc, đăng tải các nội dung tuyên truyền trên zalo, fb, các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử của xã.
Bà H’Ting, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thông làng La Lang, phường Chi Lăng, Thành phố Pleiku chia sẻ: Chính quyền các cấp phối hợp các ban ngành đoàn thể nhất là kết hợp với Đoàn thanh niên, hội phụ nữ, đi tuyên truyền, vận động bà con nhất là các hộ gia đình có con đang độ tuổi vị thành niên, hay các gia đình có con em có tư tưởng muốn lấy chồng sớm thì chúng tôi cũng đến tận nhà tuyên truyền, vận động thì các gia đình cũng đồng ý, thống nhất để con em mình đủ tuổi mới kết hôn.
Để triển khai Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025”, Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2025; Các ban, ngành chuyên môn phối hợp với các xã, phường trên địa bàn đã tuyên truyền đến đồng bào dân tộc thiểu số về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống với hơn 1.700 lượt người tham gia. Thành lập duy trì các câu lạc bộ, mô hình Câu lạc bộ phụ nữ với pháp luật nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, xây dựng gia đình hạnh phúc, mô hình góc tư vấn giáo dục tiền hôn nhân, đời sống gia đình. Qua đó, góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số. Đặc biệt, nâng cao trách nhiệm và sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, phát huy vai trò của già làng, người có uy tín trong các đồng bào dân tộc thiểu số tham gia công tác tuyên truyền, vận động xóa bỏ những hủ tục lạc hậu. Phấn đấu giảm bình quân 2% - 3%/năm số cặp tảo hôn, duy trì không phát sinh kết hôn cận huyết thống. Từ đó, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh công cuộc giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Ông Lê Đặng Quốc Dũng, Phó Trưởng phòng Tư pháp Thành phố Pleiku cho biết: để giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, chúng tôi tập trung cho những nhiệm vụ sau: Tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể; Sự thống nhất về nhận thức, đồng thuận xã hội trong công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong công tác phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết, trách nhiệm phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền, vận động và xử lý vi phạm hành chính về vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Xây dựng các mô hình điểm, hướng tới mục tiêu không tảo hôn, không hôn nhân cận huyết thống để nhân rộng thu hút người tham gia thực hiện.