Từ bao đời nay, đồng bào Bru Vân Kiều ở miền Tây tỉnh Quảng Trị đã tự dệt, cắt, may trang phục truyền thống của dân tộc mình để sử dụng. Tuy nhiên, để dệt may được bộ trang phục mất rất nhiều thời gian, không có nhiều mẫu mã đẹp nên ngày càng có ít người mặc, nhất là lớp trẻ... Để người Bru Vân Kiều thường xuyên duy trì nét đẹp từ mặc trang phục truyền thống, phụ nữ xã Hướng Lộc, huyện Hướng Hóa đã tìm ra cách làm riêng.
Để duy trì được phong trào mặc trang phục truyền thống và duy trì sử dụng trang phục truyền thống trong đời sống thường nhật, một số phụ nữ Bru Vân Kiều ở xã Hướng Lộc, huyện Hướng Hóa đã đưa ra ý tưởng thiết kế và cắt may trang phục truyền thống theo cách mới. Nhờ đó, những bộ trang phục truyền thống của đồng bào Bru Vân Kiều trở nên đẹp, sáng tạo hơn nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa riêng.
Khoảng 4 năm về trước, chị Hồ Thị Bông làm việc tại Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Hướng Lộc, huyện Hướng Hóa nhận thấy các thầy giáo, cô giáo và học sinh mặc trang phục truyền thống trong các tiết học ngoại khóa, biểu diễn văn nghệ; và nhu cầu mặc trang phục truyền thống của người dân ở địa phương trong các dịp lễ hội, Tết truyền thống, cưới, hỏi... ngày càng nhiều nên chị nảy ra ý tưởng sẽ tạo nên những bộ trang phục truyền thống đẹp và tiện lợi hơn.
Theo đó, chị Bông đã sắp xếp thời gian để học nghề may trang phục truyền thống. Vốn là người khéo tay nên chỉ trong thời gian ngắn, chị đã học được cách sử dụng máy may công nghiệp, máy vắt sổ. Kỹ thuật cắt may váy, áo, đính nút, cườm, tạo họa tiết đẹp cho trang phục truyền thống của nam, nữ người Bru Vân Kiều.
Khi đã học được thuần thục, chị Bông quyết định đầu tư, mua máy may, máy vắt sổ, mở tiệm chuyên may trang phục truyền thống Bru Vân Kiều tại nhà. Trong quá may đo trang phục cho khách, chị luôn tìm hiểu những mẫu mã đẹp trên internet, sáng tạo cách tân thêm nếu khách có nhu cầu. Cũng vì thế, khách đến đặt hàng ở tiệm may của chị ngày càng đông.
Chị Hồ Thị Bông tâm sự: “Từ nhỏ đã thấy ông, bà, bố, mẹ mặc quần, váy truyền thống, tôi rất thích. Trong xã hội hiện đại, trang phục may sẵn tiện dụng nên chiếm ưu thế đối với người sử dụng. Trang phục truyền thống ngày càng ít người sử dụng do cách làm rất mất thời gian. Vì vậy, tôi tìm cách để làm mới từ chất liệu đến mẫu mã và cách may đo để trang phục truyền thống Bru Vân Kiều theo kịp xu thế phát triển”.
Hiện nay, đối tượng khách hàng của chị Bông ngoài giáo viên, học sinh, còn còn có rất nhiều cán bộ, viên chức và người dân trên địa bàn xã tìm đến đặt may… Phong trào mặc trang phục truyền thống Bru Vân Kiều trong các dịp lễ, tết, ngày hội ở địa phương vì thế mà phát triển mạnh; gia đình chị có thêm thu nhập từ nghề may.
Cũng như chị Bông, chị Hồ Thị Khay ở thôn Ta Xía, cũng có tình yêu đặc biệt với trang phục truyền thống nên đã tự tìm tòi, kiên trì học nghề cắt may và mở tiệm riêng phục vụ khách hàng ở địa phương.
Nhờ ứng dụng kỹ thuật cắt may hiện đại vào bộ trang phục truyền thống nên khi mặc vào người, trang phục trở nên vừa vặn, dễ mặc và thẩm mỹ hơn. Với đôi tay khéo léo, may được nhiều kiểu áo đẹp và đa dạng, tiệm may của chị Hồ Thị Khay thu hút nhiều khách hàng gần xa đến đặt hàng.
Hiện nay, bình quân trang phục truyền thống của nữ có giá từ 300 - 600 nghìn đồng/bộ tùy theo chất liệu vải may. Có những bộ áo váy cầu kỳ, đòi hỏi sự tinh xảo cao có giá hơn 1 triệu đồng/ bộ. Còn áo nam có giá từ 200 - 300 nghìn đồng/chiếc. Trừ mọi chi phí, người thợ may thu nhập trung bình từ 6 - 10 triệu đồng/tháng. Đây là số tiền không nhỏ đối với chị em vùng khó, đảm bảo trang trải sinh hoạt phí hằng ngày của gia đình. Quan trọng hơn, việc áp dụng kỹ thuật cắt may hiện đại đã tạo bước đột phá trong sản xuất trang phục truyền thống đồng bào Bru Vân Kiều.
Được biết, để khuyến khích ứng dụng kỹ thuật cắt may hiện đại vào trang phục truyền thống, Hội LHPN xã Hướng Lập đã tham mưu với cấp trên mở các lớp tập huấn, học nghề cắt may trang phục truyền thống cho chị em hội viên trên địa bàn; cũng như định hướng cho các chị kết nối, quảng bá mở rộng khách hàng.
Đây cũng là một cách tạo thêm cơ hội việc làm, thu nhập cho chị em người DTTS; Đồng thời, cũng là cách làm hay trong việc bảo tồn và duy trì thường xuyên việc trang phục truyền thống trong đời sống của đồng bào Bru Vân Kiều ở Quảng Trị.