Sau hai năm triển khai Đề án 1553 của UBND tỉnh về tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên phụ nữ thu gom, phân loại, đổ rác thải sinh hoạt đúng quy định trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt là Đề án 1553), các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình, cách làm sáng tạo đem lại hiệu quả về bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới, tăng thêm nguồn lực hỗ trợ hội viên hoàn cảnh khó khăn.
Bảo vệ môi trường gắn với thực hành tiết kiệm
Không phải nhắc loa thông báo như cách đây hơn một năm, đã thành thói quen, vào 6 giờ sáng Chủ nhật hằng tuần, hội viên phụ nữ tổ dân phố Chi Ly 2, phường Trần Phú (TP Bắc Giang) có mặt ở nhà văn hóa cùng thu gom rác, dọn dẹp vệ sinh nơi công cộng. Tham gia với chị em còn có nhiều người cao tuổi, nhiều người đàn ông trong tổ dân phố. Sau khi dọn vệ sinh xong, các chị đến từng nhà, rà từng túi phế liệu để lựa chọn, thu gom bán lấy tiền bỏ ống tiết kiệm giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.
Tại nhiều khu dân cư của phường Trần Phú, hoạt động bảo vệ môi trường cũng được các chi hội phụ nữ tích cực triển khai. Chị Đặng Thị Phương, Chủ tịch Hội LHPN phường cho biết: “Chúng tôi chỉ đạo các chi hội lồng ghép hoạt động bảo vệ môi trường với thực hành tiết kiệm, tổ chức các hoạt động giúp đỡ, chia sẻ khó khăn, gắn kết hội viên. Nhờ đó, việc phân loại rác thải ngay từ gia đình đi vào nền nếp, hoạt động vệ sinh môi trường trên địa bàn phường thu hút đông đảo người dân tham gia”. Sau 2 năm, Hội LHPN phường Trần Phú đã thành lập 7 CLB, mô hình “Phụ nữ thu gom, phân loại, đổ rác thải đúng quy định” với 225 thành viên.
Tại huyện Lạng Giang, Hội LHPN huyện đảm nhận việc nâng cao chất lượng các tiêu chí về môi trường trong thực hiện Cuộc vận động xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Theo đó, Hội LHPN các xã, thị trấn đăng ký với cấp ủy, chính quyền những hoạt động, công trình, phần việc cụ thể. Nhiều mô hình hiệu quả như: “Thu gom rác tái chế bán gây quỹ hội giúp đỡ phụ nữ và trẻ em nghèo”, “Biến rác thải thành xe đạp và đồ dùng học tập”, “Thu gom rác tái chế gây quỹ tặng quà". Từ các mô hình, các cấp hội cơ sở đã thu được hơn 150 triệu đồng hỗ trợ nhiều trường hợp phát triển kinh tế, khắc phục khó khăn trong cuộc sống.
Tại huyện Yên Dũng, nhằm giảm lượng rác thải ra môi trường, Hội LHPN huyện xây dựng 36 mô hình điểm xử lý rác thải hữu cơ bằng men vi sinh với 720 hộ tham gia. Các mô hình giúp tiết kiệm kinh phí xử lý rác thải tại địa phương, cải thiện môi trường, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp.
Đến nay, từ 209 thôn, tổ dân phố thực hiện điểm, hội phụ nữ các cấp trong tỉnh đã xây dựng, nhân rộng hơn 700 CLB, mô hình thu gom, phân loại và đổ rác thải sinh hoạt đúng quy định, đem lại hiệu quả thiết thực về môi trường.
Dân vận tốt giúp cảnh quan sạch, đẹp
Lựa chọn địa bàn khó, còn nhiều hạn chế để tập trung chỉ đạo là cách làm của Hội LHPN huyện Hiệp Hòa trong triển khai đề án. Trước đây, xã Thái Sơn thường xảy ra tình trạng người dân xả rác tùy tiện và có một số điểm tồn lưu rác thải. Do đó, Hội LHPN huyện chỉ đạo Hội LHPN xã xây dựng mô hình dân vận khéo tại các chi hội nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong hội viên và nhân dân. Bám sát chỉ đạo của Hội LHPN huyện, Hội LHPN xã tham mưu với Đảng ủy xã đưa việc xây dựng mô hình dân vận khéo trở thành nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 của hội.
Hằng tuần, các tổ dân vận chia nhiều nhóm đến từng hộ tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách thu gom, phân loại, xử lý rác thải tại gia đình, vận động nhân dân không vứt rác ra môi trường, chăm sóc đường hoa. Hội LHPN xã tham mưu với Đảng ủy, phối hợp với UBND xã thành lập 5 tổ kiểm tra việc thực hiện đề án tại các hộ.
Thành viên tổ kiểm tra gồm có: Bí thư chi bộ, trưởng thôn, chi hội trưởng chi hội phụ nữ, tổ trưởng tổ vệ sinh môi trường nhằm bảo đảm việc đánh giá được khách quan. Đến nay, 100% hộ dân thôn Trung Sơn, Giang Tân, Quế Sơn đã thực hiện thu gom, phân loại, đổ rác đúng quy định; thôn Thái Thọ và Đồng Tân đạt 93%. Đường làng, ngõ xóm ở Thái Sơn luôn phong quang, sạch đẹp, không còn phát sinh điểm tồn lưu rác thải.
Kinh nghiệm của huyện Lục Nam trong thực hiện Đề án là đồng loạt triển khai, xây dựng tổ dân vận điểm tại tất cả xã, thị trấn. Nội dung thông tin tuyên truyền được Hội LHPN huyện biên soạn gửi về các tổ dân vận ở cơ sở nhằm tạo sự thống nhất. Đồng thời tổ chức đánh giá, điều chỉnh thời gian, phương thức hoạt động của các tổ cho phù hợp với thực tiễn từng địa bàn. Đến nay, toàn huyện có 25 mô hình dân vận khéo tại các thôn, tổ dân phố với gần 3,4 nghìn thành viên.
Đồng chí Nguỵ Thị Tuyến, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, từ nay đến năm 2025, Hội LHPN tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp hội rà soát, đánh giá hiệu quả, mức độ chuyển biến nhận thức, thay đổi hành vi đối với công tác bảo vệ môi trường của hội viên và nhân dân để đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền.
Hội phụ nữ các cấp chú trọng vận động các hộ sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý rác hữu cơ tại gia đình, hạn chế rác thải ra môi trường. Tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, tuyên truyền viên của Đề án 1553 và xây dựng, duy trì, nhân rộng các mô hình, cách làm hiệu quả, sáng tạo trong bảo vệ môi trường. Đồng thời, vận động hội viên phụ nữ tích cực tham gia giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường tại cơ sở.