Cộng đồng người Ê Đê mang đậm chế độ mẫu hệ, người con gái chủ động đi hỏi và cưới chồng. Do đó, đến tuổi “cặp kê”, nếu chàng trai nào lọt vào “mắt xanh” của cô gái thì cô sẽ thông báo cho bố mẹ nhờ ông mai dẫn mối tới nhà trai để… dạm hỏi chồng.
Đối với nhiều người, chuyện đi hỏi chồng của thiếu nữ Ê Đê trở thành sự lạ. Nhưng với đồng bào dân tộc Ê Đê, người có quyền lực cao nhất trong gia đình là người phụ nữ. Họ được quyền chủ động cưới chồng, đàn ông cư trú phía nhà vợ, con cái sinh ra mang họ mẹ.
Ở độ tuổi mới lớn, cô gái Ê Đê nếu để ý chàng trai nào thì có thể đi “hỏi cưới” chàng trai đó. Theo phong tục của đồng bào, thông thường sau mùa rẫy, nhân ngày rộng tháng dài, lúa gạo đầy nhà, lại ủ được nhiều rượu cần, nhà có vật dụng quý, trâu, bò, gà, heo,… cô gái Ê Đê có thể đi hỏi chồng.
Già Y Thăm Kbuôr (69 tuổi, trú buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, Tp.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, để lấy được người chồng mà mình “ưng cái bụng”, thiếu nữ Ê Đê phải trải qua 4 bước: lễ hỏi chồng (Nao hul), lễ thỏa thuận (Knăm), lễ rước rể (Tuhan) và lễ lại mặt (Siê Knăm).
Theo già Y Thăm, lễ hỏi chồng (Nao huh) là bước đầu tiên trong hôn lễ. Khi cô gái Ê Đê đã trưởng thành và tìm được một người con trai ưng ý thì sẽ về báo cáo cho bố mẹ của cô biết. Bố mẹ cô gái sẽ nhờ người đưa chiếc vòng sang giao thiệp đối với nhà trai. Chất liệu chiếc vòng tùy thuộc vào hoàn cảnh của gia đình cô gái để mở đầu cho việc giao thiệp với nhà trai. Chiếc vòng của người Ê Đê không khác gì cơi trầu sang dạm ngõ nhà gái của người Kinh. Chàng trai đó đồng ý thì nhà gái sang nhà trai tổ chức lễ trao vòng.
Trao vòng cầu hôn trong nghi lễ hỏi chồng là bắt buộc, quan trọng nhất của các cô gái khi làm đám cưới. Cô gái và chàng trai cùng chạm tay vào chiếc vòng đồng. Đó coi như lời giao ước hôn thú, có sự chứng giám của thần linh, có sự công nhận của cộng đồng, và sự thống nhất của cặp uyên ương. Từ sau lễ trao vòng, hai gia đình đã chính thức kết mối thông gia.
Trước khi lễ cưới chính thức diễn ra, hai họ thực hiện thủ tục “gửi dâu” (K’năm). Đại diện nhà gái (Pô eemuh) dẫn cháu gái đến ở nhà chồng chưa cưới theo thoả thuận giữa hai bên. Lễ vật “gửi dâu” gồm có: một con gà, một nắm xôi và một ché rượu để làm lễ K’năm. Lúc này nhà trai đưa ra vật thách cưới trâu, bò, chêng tre, ché,….
“Trong lễ hỏi chồng của đồng bào Ê Đê, lễ thỏa thuận gửi dâu là quan trọng nhất. Nếu không thỏa thuận được thì không thể có lễ rước rể, trao vòng. Cùng với đó, vai trò của ông mai (đại diện nhà gái) và đăm đai (đại diện nhà trai) cũng vô cùng quan trọng” già Y Thăm nói.
Sau thời gian gửi dâu, nếu người con trai không đồng ý thì nhà trai làm một lễ nhỏ mời nhà gái đến dự để từ chối và tỏ lòng tôn trọng nhưng vẫn duy trì sự hòa thuận với nhau. Nếu nhà trai chấp thuận cô gái, thì sẽ đồng ý cho nhà gái được làm lễ rước rể (Tuhan).
Trong ngày rước rể, nhà trai làm lễ tiễn con bằng một ché rượu, một con heo, sau đó nhà gái tổ chức rước chàng rể về nhà mình. Để rước rể, nhà gái làm lễ cúng cho cha mẹ chàng rể và các thành viên trong gia đình. Cụ thể, cúng cho cha một con heo; cúng cho mẹ một con trâu, 8 chiếc vòng tay tượng trưng cho sự ràng buộc gửi gắm, một chiếc bát đồng tượng trưng cho nồi cơm và bầu sữa mẹ, một tấm mền tượng trưng cho sự ấm cúng gia đình.
Sau khi đã hoàn thành toàn bộ những thủ tục, nghi thức cưới hỏi thì đôi bạn trẻ sẽ bắt đầu bước vào đời sống vợ chồng chính thức. Sau khoảng 2 hoặc 5 ngày; hai vợ chồng sẽ đi về nhà bố mẹ chồng để làm lễ lại mặt (Siê Knăm).
Lúc này nhà trai sẽ mời rượu và đưa một số đồ dùng trong sinh hoạt gia đình và đặt bên ché rượu để chú rể mang về nhà vợ. Sau lễ lại mặt thì đôi vòng đồng được xem là kỷ vật được giữ đến trọn đời. Nó sẽ được truyền lại cho con cháu để làm của hồi môn hoặc chôn theo khi chết.
Lễ hỏi chồng trong văn hóa của người Ê Đê vẫn là một nét đặc trưng quan trọng, minh chứng cho sự giữ gìn và phát triển văn hóa truyền thống độc đáo của họ. Điều này không chỉ là một nét đẹp mà còn là cách sinh hoạt văn hóa hôn nhân độc đáo của người Ê Đê ở Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung.
Bà H’Yam Bkrông (SN 1965, trú buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, Tp.Buôn Ma Thuột) chia sẻ, ngày nay, thực hiện nếp sống văn minh, bà con dân tộc Ê Đê tổ chức lễ cưới hiện đại hơn, nhưng nhiều nghi thức trong lễ hỏi chồng vẫn được duy trì để gìn giữ, bảo tồn nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.
“Lễ hỏi chồng không chỉ là sự kiện gia đình mà còn là dịp để cả cộng đồng thể hiện lòng tôn trọng, sự kết nối và lòng hiếu khách. Nó thể hiện sự quý trọng đối với truyền thống, giữ gìn các giá trị văn hóa từ thế hệ này sang thế hệ khác” bà H’Yam nói.
Trao đổi về vấn đề này, Ông Lại Đức Đại - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk cho biết, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 49 dân tộc anh em sinh sống nên việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc là việc làm hết sức ý nghĩa và vô cùng quan trọng. Nghi thức rước rể đã góp phần ca ngợi vẻ đẹp trong hôn nhân truyền thống của người Ê Đê. Qua đó, cũng giúp cho du khách đến với Tp.Buôn Ma Thuột nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung biết đến nét văn hóa đặc trưng đó là văn hóa mẫu hệ của người Ê Đê.
Lễ hỏi chồng của đồng bào Ê Đê không chỉ thể hiện sự ấm áp, gắn kết gia đình và cộng đồng thông qua nghi lễ, tín ngưỡng và tình cảm hòa quyện. Sự duy trì của lễ hỏi này cũng là việc bảo tồn văn hóa, nhấn mạnh vai trò quan trọng của truyền thống trong cuộc sống hiện đại, tạo nên một nét văn hóa đặc biệt trong hôn nhân của người đồng bào dân tộc Ê Đê.