Lai Châu là tỉnh vùng cao biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, có 20 dân tộc sinh sống với gần 85% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua, tỉnh luôn quan tâm thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Là xã vùng cao của huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, xã Nùng Nàng với 100% dân số là đồng bào dân tộc Mông, sinh sống tại 7 thôn, bản trình độ nhận thức của một số bà con còn hạn chế, tập quán canh tác lạc hậu, đời sống gặp nhiều khó khăn. Những năm gần đây, nhờ có các chương trình hỗ trợ của Đảng, chính sách của Nhà nước, của tỉnh hỗ trợ kinh tế xã hội đã góp phần thay đổi nhận thức cũng như đời sống, vật chất tinh thần của nhân dân nơi đây.
Đặc biệt việc triển khai kịp thời các chương trình hỗ trợ đã giúp nhân dân có điều kiện để phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập, nhờ đó mà tỷ lệ hộ nghèo giảm dần bền vững. Bình quân thu nhập đầu người của năm nay cao hơn những năm trước.
Năm 2020, anh Vàng A Hồ ở bản Sa Chu Hoa, xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường được Ngân hàng chính sách xã hội huyện cho vay 50 triệu đồng cùng với nguồn vốn tích cóp được của gia đình, anh đã mạnh dạn đầu tư mua 6 con ngựa sinh sản về nuôi theo mô hình bán chăn thả. Chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi và làm tốt công tác chăm sóc nên đàn ngựa của gia đình anh luôn phát triển tốt, không bị dịch bệnh. Sau 3 năm chăn nuôi, gia đình anh đã bán 6 con ngựa được 140 triệu đồng. Hiện nay, anh vẫn còn 11 con ngựa đang phát triển tốt và chuẩn bị sinh sản.
Nhờ có diện tích trồng cây để chăn nuôi đại gia súc, năm 2023, anh Hồ tiếp tục vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để mua trâu vỗ béo. Khi chưa đến hạn trả cho Ngân hàng, anh cho xây dựng chuồng trại để chăn nuôi lợn thương phẩm và chăn thả các loại cá. Từ mô hình phát triển kinh tế trên, trừ chi phí, gia đình anh Hồ thu nhập trên 100 triệu đồng.
Anh Hồ Chia sẻ: "Khi được vay vốn, tôi mua con ngựa để phát triển kinh tế. Giai đoạn đầu, tôi bán ngựa để mua trâu và nuôi thêm lợn, rồi mở rộng chăn nuôi thêm cá và các loại gia súc khác…".
Khi kinh tế gia đình đã ổn định, có nhiều thời gian anh và vợ trồng thêm 1ha cây Mác ka. Nhờ mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế nên gia đình anh Hồ đã vươn lên trở thanh hộ khá giả. Đặc biệt anh được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lao động sản xuất giỏi năm 2021.
Trong thời gian qua, để giúp nhân dân có điều kiện phát triển kinh tế tăng thu nhập, xã Nùng Nàng đã làm tốt công tác phối hợp với Ngân hành Chính sách xã hội, Ngân hành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Đường tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vay vốn phát triển kinh tế. Ngay từ đầu năm, xã Nùng Nàng đã hoàn thiện hồ sơ gửi Ngân hành Chính sách xã hội huyện cho các hộ vay theo chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo để giải quyết việc làm, nước sạch, vệ sinh, môi trường…
Ông Vàng A Sùng, Trưởng bản Phan Chu Hoa, xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường cho biết: Ngân hàng Chính sách xã hội cũng tạo điều kiện cho người dân tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, còn người dân cũng cam kết sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích như: chăn nuôi, trồng trọt, nhiều mô hình phát huy hiệu quả, nhiều hộ trong thôn đã xoá đói giảm nghèo, nhiều hộ trong xã vươn lên khá giả.
Có thể nói, trong thời gian qua, xã Nùng Nàng đã triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ về sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, phòng chống dịch bệnh cho gia súc, triển khai chính sách bảo vệ rừng gắn với giảm nghèo nhanh và bền vững; thực hiện tốt an sinh xã hội, nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm.
Năm 2023, xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt 37,5 triệu đồng/người/năm. Tăng diện tích gieo trồng cây có hạt đạt trên 500 ha, tổng sản lượng lương thực đạt 2.216 tấn, tốc độ tăng trưởng đàn gia súc duy trì 5%/năm; phấn đấu giải quyết việc làm cho 100 lao động; tỷ lệ qua đào tạo đạt 45,6%; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 6%.