Tiêu điểm

Phát huy vai trò nòng cốt người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Hải Thanh 03/10/2023 - 18:14

Với vị trí, vai trò và sự ảnh hưởng của mình đối với cộng đồng, những năm qua, các già làng, trưởng bản, người có uy tín đã có nhiều đóng góp trong phong trào “Dân vận khéo”. Do đó, xây dựng và phát huy vai trò của người có uy tín tiếp tục là nhiệm vụ hết sức cần thiết trong công tác dân vận hiện nay.

Người có uy tín - cánh tay đắc lực tại cơ sở

Tùy theo phong tục tập quán mà mỗi dân tộc ở các vùng, miền khác nhau đều có những người có uy tín tiêu biểu trong cộng đồng. Họ có thể là già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, các vị chức sắc tôn giáo, nhân sĩ trí thức, nhà giáo, thầy thuốc ưu tú… được cộng đồng suy tôn, chính quyền địa phương công nhận.

Trong mỗi gia đình người dân tộc thiểu số, mọi sinh hoạt đời sống, quan hệ xã hội và lao động sản xuất luôn được điều hành, chi phối bởi một người có uy tín nhất trong gia đình. Trong từng dòng họ, đều có người đứng đầu là trưởng tộc, trưởng họ để duy trì các hoạt động của dòng họ, nhất là trong sinh hoạt tín ngưỡng để nhớ về tổ tiên, nguồn cội; duy trì tôn ti trật tự, quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của các gia đình đối với dòng họ, bản làng, cộng đồng và đất nước. Trong đời sống cộng đồng, người có uy tín có vị trí và vai trò quan trọng không thể thiếu đối với sự phát triển của cộng đồng và tộc người.

Hiện nay, cả nước có 34.031 người có uy tín. Trên nhiều bình diện khác nhau, họ đều đóng vai trò đầu tàu trong sự vận hành xã hội, duy trì phong tục tập quán, ổn định trật tự an toàn xã hội, phát triển sản xuất, giải quyết mối quan hệ với các cộng đồng khác và bộ máy cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.

Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp trong quá trình thực hiện chính sách dân tộc và công tác dân vận của Đảng đã nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác vận động, phát huy vai trò người có uy tín trong xây dựng mô hình “Dân vận khéo” ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và thu được nhiều kết quả tích cực.

Những năm qua, đội ngũ người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Si Ma Cai (Lào Cai) đã phát huy tốt vai trò của mình trên mọi mặt từ đời sống văn hóa, đến phát triển kinh tế, xã hội... góp phần vào sự phát triển chung của mỗi thôn, bản.

Tuyên truyền, vận động nhắc nhở con, cháu trong gia đình; bà con trong thôn cùng đoàn kết, cho con em đi học đầy đủ, không lấy vợ, lấy chồng sớm... là những việc làm thường xuyên của ông Thào A Vần, ở thôn Mào Sao Chải, xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai. Để bà con làm theo, vai trò nêu gương được ông Vần nghiêm túc thực hiện.

“Muốn người dân nghe theo và làm theo, bản thân tôi cũng phải gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào của thôn, xã, vận động người thân trong gia đình, dòng họ làm trước để người dân học tập và làm theo”, ông Vần chia sẻ.

ong-van.jpg
Ông Thào A Vần - Người có uy tín (bên trái), thôn Mào Sao Chải, xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, ông Vần đã tự nguyện hiến hơn 100m2 đất, từ đó động viên bà con trong thôn cùng hiến đất, đóng góp ngày công làm đường giao thông. Ông còn là " sợi dây" kết nối, xây dựng và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng dân cư ở địa phương.

Si Ma Cai hiện có 61 người có uy tín, với sự am hiểu địa bàn, phong tục tập quán và thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng, đội ngũ này đã trở thành lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, là "cầu nối" của cấp ủy, chính quyền với nhân dân.

Ông Lồ Xuân Chô, trưởng phòng Dân tộc huyện Si Ma Cai cho biết: “Đội ngũ người có uy tín luôn đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tổ chức, triển khai, thực hiện các chủ trương, chính sách của đảng và nhà nước, đến với người dân. Đặc biêt là trong việc tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt các chính sách dân tộc”.

Với tinh thần trách nhiệm, ý thức cộng đồng cao, những người có uy tín đã phối hợp tham gia giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến an ninh trật tự, an toàn xã hội phát sinh ngay tại cơ sở. Từ đó, tạo nền tảng vững chắc để bà con yên tâm phát triển kinh tế, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Khơi dậy và phát huy sức mạnh tổng hợp

Cũng như Lào Cai, Tuyên Quang là tỉnh có đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chiếm gần 57%. Thời gian qua, hệ thống chính trị các cấp trong tỉnh triển khai có hiệu quả công tác dân vận trong đồng bào DTTS. Qua đó, góp phần quan trọng tạo dựng sự đồng thuận xã hội; khơi dậy và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân trong phát triển sản xuất, thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương. Lực lượng cốt cán và người có uy tín trong đồng bào DTTS là những người đóng góp tích cực phong trào thi đua “Dân vận khéo”.

Theo Ban Dân vận Tỉnh ủy, 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có 11.651 mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng nông thôn mới và các lĩnh vực khác.

Trong đó, lực lượng cốt cán, người có uy tín trong đồng bào DTTS tích cực thực hiện “dân vận khéo” trên lĩnh vực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt cho dân làng. Tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 23,45% xuống còn 18,9%.

anh-1(2).jpg
Người có uy tín ở Tuyên Quang thường xuyên tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến đồng bào nơi cư trú

Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ tỉnh và các địa phương trong tỉnh tập trung triển khai, xây dựng mô hình “Dân vận khéo” trong xây dựng khu dân cư kiểu mẫu và mô hình “Dân vận khéo” thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang. Lực lượng cốt cán và người có uy tín trong đồng bào DTTS tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong truyên truyền, vận động nhân dân, đồng bào DTTS tham gia. Qua đó, toàn tỉnh xây dựng 265 mô hình “Dân vận khéo” trong xây dựng khu dân cư kiểu mẫu; 153 mô hình “Dân vận khéo” thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang...

Có thể nói, trong phong trào toàn dân đoàn kết thi đua phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, với mô hình "Dân vận khéo" nhiều già làng với tinh thần cần cù, sáng tạo và giàu kinh nghiệm trong sản xuất, những người có uy tín là những tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, là lực lượng nòng cốt góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.

Đồng thời, họ cũng là nhân tố tích cực trong việc vận động người dân ở thôn, làng và động viên con cháu trong gia đình tích cực tham gia phát triển kinh tế, yên tâm lao động sản xuất, ổn định đời sống; chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và từng bước ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc chăn nuôi, trồng trọt đạt hiệu quả cao, không chặt phá, đốt rừng làm nương rẫy; vận động con cháu, nhân dân thực hiện đa dạng hóa các mô hình kinh tế hiệu quả giá trị kinh tế cao mang lại mức sống tốt hơn cho gia đình… Đây là lực lượng có vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển KT-XH ở địa phương.

Tiêu biểu trong lĩnh vực này tại huyện Đăk Tô (Kon Tum) có ông A Đing dân tộc Xơ Đăng, thôn Kon Đào 2, xã Kon Đào với mô hình trồng cao su, trồng lúa nước, nuôi bò địa phương; Tại huyện Kon Rẫy có ông Sầm Văn Phá dân tộc Nùng, thị trấn Đăk Rơ Ve với mô hình nuôi thỏ, kết hợp Vườn-Ao-Chuồng (V-A-C); Tại Thành phố Kon Tum có mô hình V-A-C của ông A Ưm người có uy tín thôn KonHngo Kơtu, Già làng A Brẫy ở xã Xốp, A Mơ ở thôn Rooc Nầm, xã Đăk Choong thuộc huyện Đăk Glei…

Tuy tuổi đã già, sức yếu nhưng các già làng luôn nỗ lực làm việc, phối hợp với các tổ chức Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể ở cơ sở để vận động dân làng ra sức tiết kiệm, phát triển kinh tế, đổi mới cách làm ăn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm xóa đói giảm nghèo cho bà con địa phương.

Tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân

Theo đánh giá của Ban Dân vận Trung ương, người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số là nòng cốt chính trị giúp Ban và các cấp ủy đảng thường xuyên, kịp thời nắm, cung cấp thông tin về tình hình nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và giao trách nhiệm khi có vấn đề phức tạp xảy ra; trao đổi, góp ý kiến về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác dân vận và xây dựng hệ thống chính trị ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Do đó, xây dựng và phát huy vai trò, ảnh hưởng của người có uy tín trong công tác vận động nhân dân vùng dân tộc thiểu số là nhằm cụ thể hóa các quan điểm của Đảng về cốt cán, người có uy tín, góp phần tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Xây dựng và phát huy vai trò của người có uy tín cũng là nội dung quan trọng trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ban Dân vận Trung ương, đặc biệt là trong phong trào “Dân vận khéo”.

screenshot-276-.jpg
Người có uy tín đóng vai trò quan trọng, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Để xây dựng và phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung, thực hiện phong trào “Dân vận khéo” nói riêng, cần tiếp tục bồi dưỡng, phát huy vai trò, ảnh hưởng của người có uy tín theo các tiêu chí, tiêu chuẩn, năng lực sở trường, quy trình lựa chọn, thành phần dân tộc, mức độ ảnh hưởng… Phân định cấp độ quản lý, phạm vi ảnh hưởng của người có uy tín (quốc gia, địa phương, khu vực, dòng họ, tín ngưỡng…) để có cơ chế phát huy vai trò của họ một cách phù hợp, hiệu quả.

Người có uy tín cũng cần được hỗ trợ, tạo điều kiện, cơ hội tốt nhất để tham gia tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra giám sát việc xây dựng và phát huy vai trò, ảnh hưởng của người có uy tín trong cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO