Đời sống xã hội

Phát huy vai trò người có uy tín ở Hòa Bình

Vy Anh 04/11/2023 - 08:58

Trong đời sống xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số, người có uy tín có ảnh hưởng rất lớn đối với người dân trong thôn, bản. Không ngại khó, ngại khổ; gương mẫu đi đầu trong làm ăn kinh tế; kịp thời tham gia giải quyết vướng mắc từ cơ sở… những người có uy tín ở vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số tỉnh Hoà Bình tựa là cánh tay nối dài của chính quyền địa phương.

Tiên phong trong mọi phong trào

Hiện toàn tỉnh Hòa Bình có 1.276 Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS, gồm các dân tộc Mường, Thái, Tày, Dao, Mông, Cao Lan. Trong đó có 290 Người có uy tín trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại 10/10 huyện, thành phố thuộc nhiều thành phần khác nhau như: già làng, trưởng bản, trưởng các dòng họ, cán bộ hưu trí, bí thư chi bộ, thầy mo, thầy cúng, người sản xuất - kinh doanh giỏi, chức sắc, chức việc tôn giáo...

Lên các bản, làng vùng cao, vùng dân tộc thiểu số của tỉnh Hoà Bình, không khó để gặp được những người có uy tín. Ví như Nghệ nhân Ưu tú Bùi Huy Vọng (huyện Lạc Sơn); ông Bùi Văn Dưng (huyện Đà Bắc), Ông Lò Văn Quyết (Đà Bắc); ông Bùi Văn Quỷa (huyện Tân Lạc), ông Bàn Văn Thân Dướng (Đà Bắc), Nguyễn Văn Thương (Tp. Hòa Bình); ông Bùi Văn Nưởn (Tân Lạc); ông Triệu Văn Phây (Kim Bôi); ông Nguyễn Minh Giặng (huyện Kỳ Sơn)…

Được bà con chòm xóm tín nhiệm bầu chọn, đội ngũ người có uy tín đa phần là những già làng, trưởng thôn, bản, bí thư chi bộ, cán bộ nghỉ hưu, trưởng các dòng họ, người sản xuất - kinh doanh giỏi, chức sắc... có tư tưởng nhận thức đúng đắn và được rèn luyện qua quá trình tham gia các phong trào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Những năm qua, nhờ phát huy tốt vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng nên các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Hòa Bình đã huy động được sức mạnh toàn dân, trong việc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng nông thôn mới. Các lực lượng chức năng của từng địa phương đều chủ động tham gia giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở, không để xảy ra điểm “nóng” trên địa bàn.

Đồng thời, những người uy tín luôn phối hợp với chính quyền để tuyên truyền vận động nhân dân đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc về một nhà nước “không cần làm vẫn có ăn”… từ đó góp phần thực hiện tốt phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Đặc biệt, đã không quản ngại khó khăn, đồng lòng cùng với chính quyền địa phương từ thôn bản đến cấp xã đã phối hợp, tham gia giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, cùng với các lực lượng chức năng quản lý, cảm hóa, giáo dục đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn.

Thống kê cho thấy, trong 5 năm qua (2018 - 2023), người có uy tín trong toàn tỉnh Hoà Bình đã cung cấp gần 1.000 tin báo liên quan đến an ninh trật tự. Qua đó góp phần giải quyết ổn định 231 vụ việc phức tạp liên quan đến tình hình an ninh nông thôn, an ninh trật tự - trật tự an toàn xã hội ở cơ sở.

Người có uy tín đã gương mẫu đi đầu vận động đồng bào dân tộc ở các thôn, bản tổ chức lại sản xuất, quy hoạch lại dân cư, thực hiện “dồn điền, đổi thửa”, cải tạo vườn tạp, đất trống, đồi núi trọc để tăng diện tích cây trồng, góp phần tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống.

11175157_920-hoabinh_21-09-20.jpg
Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Hòa Bình năm 2019.

Điển hình như ông Bùi Văn Quỷa (68 tuổi) ở xóm Bái Trang, xã Đông Lai (huyện Tân Lạc) là nông dân, người cao tuổi, người có uy tín trong gia đình cũng như ở địa phương.

Ông Quỷa chia sẻ: “Trong phong trào xây dựng Nông thôn mới, gia đình tôi đã tự nguyện hiến 350m2 đất để làm giao thông và 250m2 đất để làm mương thủy lợi, tuyên truyền vận động được 30 hộ dân hiến 2500m2 đất để làm giao thông, thủy lợi. Hiện gia đình cũng phát triển trồng trọt, chăn nuôi theo mô hình vườn - ao - chuồng, đem lại thu nhập ổn định hàng năm”.

Tương tự, Ông Quách Văn Thỏn, xóm Nhụn, xã Yên Phú (Lạc Sơn) đã phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng, luôn đi đầu trong các phong trào thi đua, tuyên truyền, vận động nhân dân trong xóm đoàn kết, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế. Ông Thỏn đã vận động 105 hộ dân của xóm về khu tái định cư để giao lại mặt bằng cho thi công công trình hồ chứa nước Cánh Tạng, đồng thời vận động hộ dân hiến 157 ha đất cho công trình hồ chứa nước, tuyên truyền nhân dân tu chí làm ăn, phát triển kinh tế tại nơi ở mới.

Đặc biệt, nhờ có sự góp sức của đội ngũ người có uy tín mà di sản văn hóa phi vật thể của các DTTS trong tỉnh gồm các loại hình: tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội; lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống và tri thức dân gian… được bảo tồn và phát huy.

Ở xóm Lũy Ải (Tân Lạc), mọi người đều quý trọng, yêu mến ông Bùi Văn Khẩn, sinh năm 1952. Đó là bởi ông hết sức tích cực trong các hoạt động gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, đặc biệt là Mo Mường và bộ lịch đoi của người Mường, những di sản đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ngoài ông Khẩn, ông Dương Minh Dũng, người có uy tín xóm Thung Dao Bắc, xã Tú Sơn (Kim Bôi), từ năm 2019 mở lớp truyền dạy chữ dân tộc Dao cho nhân dân trong xã, với khoảng 20 học viên theo học và không thu phí dạy học.

Quan tâm, chăm lo đến người có uy tín trong đồng bào DTTS

Nhằm mục đích triển khai thực hiện chế độ, chính sách đối với người có uy tín theo đúng quy định tại Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín theo nội dung số 1, Tiểu dự án 1, Dự án 10 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025, ngày 10/01/2023, UBND tỉnh Hoà Bình đã ban hành Quyết định số 42/QĐ-UBND phê duyệt danh sách 1.276 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2023-2027.

Trong đó, huyện Cao Phong 74; huyện Đà Bắc 122; huyện Kim Bôi 152; huyện Lạc Sơn 249; huyện Mai Châu 116; huyện Tân Lạc 142; thành phố Hòa Bình 145; huyện Lương Sơn 122; huyện Lạc Thủy 57; huyện Yên Thủy 97.

Để tiếp tục phát huy hiệu quả của chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2027, ngày 10/5/2023, UBND tỉnh Hoà Bình tiếp tục ban hành Kế hoạch số 97/KH-UBND về việc thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hòa Bình năm 2023.

a5.jpg
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Y Vinh Tơr tặng quà cho Đoàn đại biểu Người có uy tín trong đồng bào DTTS tỉnh Hoà Bình nhân dịp Đoàn về thăm Thủ đô Hà Nội mới đây

Theo đó, Ban Dân tộc tỉnh Hoà Bình đề nghị UBND các huyện, thành phố phối hợp với Ủy ban mặt trận tổ quốc, Công an các huyện, thành phố cùng phối hợp, đôn đốc chỉ đạo Đảng ủy, Ủy ban nhân dân, UBMTTQ các xã, thị trấn quan tâm tạo điều kiện để người có uy tín được tham gia các cuộc họp triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hoặc cung cấp các thông tin về định hướng phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Tại cộng đồng thôn xóm, bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, các đoàn thể chính trị, công an viên tạo điều kiện để người có uy tín tham gia các hoạt động tại cộng đồng và giữ mối liên hệ thường xuyên với người có uy tín, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và ý kiến tham gia của người uy tín với các hoạt động tại cộng đồng, đồng thời cùng theo dõi giám sát trong việc thực hiện vai trò của người có uy tín tại cộng đồng.

Thực hiện tốt các chính sách đối với người có uy tín, gồm: Cung cấp thông tin thông qua các hình thức tuyên truyền, phổ biến như mời dự họp, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, tọa đàm, gặp gỡ, tham quan học tập kinh nghiệm; phối hợp kiểm tra, giám sát trong việc cấp Báo Dân tộc phát triển, Báo Hoà Bình cho người có uy tín.

Để tiếp tục phát huy vai trò của Người có uy tín trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, các cấp, các ngành trong tỉnh cần tiếp tục tăng cường sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện để Người có uy tín phát huy vai trò tốt trong cộng đồng. Hướng dẫn, triển khai thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS; biểu dương kịp thời Người có uy tín có nhiều đóng góp trong các phong trào ở địa phương; Tạo sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan chức năng để Người có uy tín trong đồng bào DTTS trở thành lực lượng nòng cốt của các phong trào thi đua yêu nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO