Đời sống xã hội

Phát huy nội lực xây dựng nông thôn mới

Lập Nguyễn 09/05/2024 - 16:50

Xác định rõ vai trò quan trọng của phát triển nông nghiệp nông thôn, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 01 ngày 27/10/2010 về Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh của tỉnh Quảng Ninh, trên quan điểm định hướng xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, chủ thể chính là người dân.

398-202405081111241.jpg
Người dân tự nguyện hiến đất làm đường ở huyện Bình Liêu

Nhà nước đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, nhân dân tham gia đóng góp ngày công lao động, hiến đất. Với nhiều cách làm sáng tạo, đến nay 100% địa phương trong tỉnh đã hoàn thành và đạt chuẩn nông thôn mới, nhiều địa phương đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Hết năm 2023, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành tất cả các chỉ tiêu, tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 và được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Là huyện miền núi biên giới đầu tiên trong cả nước được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Ngay từ đầu, huyện Bình Liêu đã xác định rõ vai trò chủ thể đó là người dân. Do đó, Bình Liêu đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về vai trò, ý nghĩa của việc xây dựng nông thôn mới, thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm cho cán bộ và nhân dân, lấy việc nâng cao thu nhập giảm nghèo bền vững cho người dân nhất làm nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt.

398-202405081111242.jpg
Các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả cho đồng bào dân tộc thiểu số

Sau khi được các cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án quy hoạch xây dựng nông mới giai đoạn 2011 - 2015, Bình Liêu đã tập trung, rà soát lại tất cả các hạng mục đầu tư hạ tầng kinh tế, đưa ra các giải pháp phù hợp với điều kiện hoàn cảnh thực tiễn của địa phương. Các công trình về đầu tư, hạ tầng kinh tế thuộc nhóm đầu tư bắt buộc triển khai, huyện đã tiến hành lựa chọn những công trình có tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội để triển khai trước. Tổ chức tuyên truyền vận động, thông qua các buổi hợp thôn và qua các buổi họp chi bộ, già làng, trưởng bản, người có uy tín họ hàng, dòng tộc nên tạo được sự đồng thuận trong nhân dân trong việc hiến đất làm đường giao thông nông thôn.

Được công nhận là xã đạt nông thôn mới từ năm 2020, xã Lục Hồn vẫn là xã có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao nhất huyện. Do đó, ngoài việc vận động tuyên truyền người dân nâng cao ý thức trách nhiệm trong xây dựng nông thôn mới, huyện còn vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi triển khai thí điểm các mô hình kinh tế có hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn. Lựa chọn những hộ gia đình có ý chí vươn lên, có điều kiện kinh tế để triển khai mô hình. Giao cho Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên xã vận động người dân thành lập các tổ liên kết sản xuất thôn này với thôn khác. Với cách làm này, từ năm 2022 đến nay xã Lục hồn xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế lại hiệu quả như: Mô hình trồng dâu tây, dưa chuột trong nhà lưới được triển khai theo hình thức Nhà nước hỗ trợ một phần vốn, người dân làm đất và làm công đã không chỉ mang lại thu nhập mà còn tạo nên sự đoàn kết cùng nhau phát triển kinh tế hộ gia đình đem lại hiệu quả kinh tế ngày càng cao.

Giống như huyện Bình Liêu, huyện Đầm Hà cũng gặp không ít khó khăn, thách thức, bởi 1/3 dân số thuộc xã 135, địa bàn đồi núi chia cắt, phức tạp, trình độ và tập tục canh tác lạc hậu, ngân sách địa phương hạn chế, nhận thức về xây dựng nông thôn mới không chỉ người dân mà ngay cả một bộ phận cán bộ đảng viên ở cơ sở thời kỳ đó còn mơ hồ, chủ yếu trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước, trong khi hàng loạt tiêu chí, chỉ tiêu còn ở mức thấp so với tiêu chuẩn chung, đây là những thách thức rất lớn với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Đầm Hà.

Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận vào cuộc tích cực của tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp, lần lượt từng tiêu chí, chỉ tiêu được triển khai và dần dần hoàn thiện. Theo đó, tổng nguồn lực đầu tư cho các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao của huyện Đầm Hà từ năm 2010 đến năm 2023 là gần 6.000 tỷ đồng. Trong đó có sự đóng góp công sức, của cải vật chất rất lớn của người dân và doanh nghiệp. Hàng loạt các công trình như: Đường, điện, trường, trạm y tế, nhà văn hoá xã, thôn được đầu tư khang trang. Đến nay, toàn huyện đã có 383/km đường giao thông được trải nhựa và bê tông hoá. Trong đó, đường liên xã 42,42km, đường liên thôn 138,6, đường ngõ xóm 84,6km.

Ngoài phát triển về hạ tầng, tỉnh Quảng Ninh còn trú trọng trong công tác phát triển kinh tế, hình thành các vùng sản xuất tập trung khu nông nghiệp ứng dụng cao về thuỷ sản, chăn nuôi mang lại hiệu quả cao như mô hình liên kết với người dân nuôi gà bản của hợp tác xã (HTX) Tuyền Hiền, trồng cây ăn quả, cây dược liệu tại xã Đầm Hà, Đại Bình, Quảng An, mô hình trồng dưa lưới trong màng của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Đầm Hà, sự án khu phức hợp sản xuất tôm công nghệ cao của Tập đoàn Việt Úc, với công suất đạt 8 tỷ tôm giống trên năm; dự án sản xuất giống cá biển công nghệ cao của HTX Bắc Việt đạt 5,5 triệu con giống/năm. Chương trình phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương đạt kết quả tốt, có 28 sản phẩm OCOP được nghiên cứu, sản xuất phục vụ nhu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh.

Năm 2023, giá trị sản xuất ngành nông lâm thuỷ sản tăng gấp 7 lần so với năm 2010 và tăng 1,5 lần so với thời điểm huyện được công nhận nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2023 đạt 70,7 triệu đồng/1 người/năm, cao gấp 4 lần so với năm 2010, tăng gần 1,16 lần so với năm 2020. Từ những định hướng và mô hình phát triển kinh tế hiệu quả đã tạo cho người nông dân của huyện Đàm Hà có bước tiến dài trong tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Tuyển, Giám đốc HTX Tuyền Hiền, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà chia sẻ: Các hộ gia đình dân tộc thiểu số và bà con chăn nuôi ở trên khu vực huyện Đầm Hà đã tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất gà bản Đầm Hà của HTX Tuyền Hiền. Đến nay đã mang lại lợi nhuận kinh tế hiệu quả cho bà con, đặc biệt HTX còn tạo công ăn việc làm cho bà con là người dân tộc thiểu số người địa phương, nhất là khi bà con chăn nuôi gà bản thì tư duy cũng thay đổi.

Đến nay, HTX Tuyền Hiền đã liên kết với khoảng 150 hộ chăn nuôi, cung ứng khoằng 250.000 con giống và trên 100 tấn gà thương phẩm mỗi năm, giá trị đạt được hàng chục tỷ đồng, lợi nhuận đạt 1,5 đến 3 tỷ đồng/năm.

Thành quả xây dựng nông thôn mới của huyện Đầm Hà là những thay đổi to lớn về hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Các hệ thống giao thông, điện, nước được xây dựng đồng bộ, hệ thống thuỷ lợi, tưới tiêu hoàn thiện và hình thành các vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp tập trung, tạo lập các thương hiệu nông sản và thúc đẩy tiêu thụ nông sản qua phương thức bán hàng điện tử. Thu nhập bình quân của người dân ở huyện Đầm Hà là 80 triệu đồng/người/năm, trong đó khu vực nông thôn là 75 triệu đồng/người/năm còn khu vực thành thị là 130 triệu đồng/người/năm. Chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên rõ rệt. Ngày 23/2/2024 huyện Đầm Hà đã được công bố là huyện đạt nông thôn mới nâng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
65 năm Bộ đội Trường Sơn huyền thoại
65 năm trước, ngày 19/5/1959, Quân ủy Trung ương và Bác Hồ đã quyết định chính thức thành lập và giao nhiệm vụ cho “Đoàn công tác Quân sự Đặc biệt”- Đoàn 559 do Thượng tá Võ Bẩm làm Đoàn trưởng, có nhiệm vụ mở đường Trường Sơn, chi viện cho cách mạng miền nam. Vì nhiệm vụ bí mật và khó khăn, gian khổ không kể siết, hoạt động của Đoàn 559 luôn trong điều kiện “Ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO