Sinh ra ở huyện miền núi Tương Dương, Nghệ An, dù hoàn cảnh đặc biệt, mẹ vướng vòng lao lý, bố làm thuê nhưng bằng nỗ lực không ngừng, Ốc Thị Quỳnh Anh giành học bổng trị giá khoảng 1 tỷ đồng.
"Tôi vừa đi thăm mẹ từ nhà tù về", câu đầu tiên trong bài luận gửi đến ứng tuyển học bổng "Trái tim Sư tử" của Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) vừa qua, Ốc Thị Quỳnh Anh đã viết như vậy.
Không theo bất cứ khuôn mẫu nào, Quỳnh Anh cứ thế một mạch kể về những biến cố trong cuộc đời mình. Bằng sự chân thành thẳm sâu tận đáy lòng, câu chuyện của em cứ thế, như thể tuôn ra từ trái tim.
Được biết gia đình Quỳnh Anh thuộc diện hộ nghèo ở huyện miền núi Tương Dương, Nghệ An. Mẹ em là người dân tộc Khơ Mú, bà ngoại là người Thái. Có những ngày, cả gia đình này gom góp không đủ mấy nghìn đồng để mua thức ăn, món ăn mỗi ngày của gia đình là đu đủ xanh xào và lạc rang.
Lên 4 tuổi, khi lũ trẻ xung quanh cô bé này vẫn mặc quần đùi, miệng bập bẹ tiếng dân tộc, Quỳnh Anh phải theo bác ruột về TP Vinh (tỉnh Nghệ An) sinh sống để nhẹ gánh cho gia đình. Học kỳ 2 năm lớp 9, em quay trở lại học tập tại Tương Dương cùng gia đình và đấy cũng là khoảng thời gian nhiều biến cố nhất cuộc đời khiến gia đình em suy sụp.
"Trưa một ngày tháng 4 năm 2021, khi em đang học cuối lớp 9, hai người đàn ông lạ mặt đến nhà dẫn đi vì "có chút chuyện". Em bồn chồn, khóc không thành tiếng, bố đang đi làm thuê cũng tất tả chạy về. Không ngờ đấy là chuyến đi dài của mẹ, kéo dài 11 năm", Quỳnh Anh bần thần nhớ lại.
Hơn một năm sau, gia đình bán nhà, bố và hai em về quê Đô Lương với nhà nội, cách Tương Dương khoảng 100km, mình em ở trọ KTX Trường THPT Tương Dương 1 để học nốt cấp 3.
"Có lẽ điều mình thuyết phục được ban tuyển sinh của nhà trường để giành học bổng này là sự chân thành và những ước mơ em mong muốn được mang đến cho xã hội.
Em đã tham gia dự án "Nuôi em"- một trong những dự án thiện nguyện được nhiều bạn trẻ tham gia. Trong suốt chặng đường này, nhiều lần em ước mơ mình trở thành diễn giả để truyền cảm hứng cho các bạn trẻ người dân tộc thiểu số, mong các bạn trẻ dân tộc thiểu số dù có tiền hay không, đều dám thực hiện ước mơ.
Có câu nói em từng rất thích và hay nói với nhiều trẻ em khi mình tham gia các hoạt động cộng đồng: "Đừng bao giờ vin vào sự nghèo khổ, bởi cái nghèo, cái khổ không đáng là lý do để các em bỏ học hoặc từ bỏ ước mơ". Em đã đưa tất cả những điều này vào bài luận để xin học bổng", nữ sinh chia sẻ.
Dù khó khăn, bố làm thuê vẫn không đủ sống, việc học của 3 chị em Quỳnh Anh trông chờ cả vào suất lương hưu của ông ngoại nhưng 3 năm học ở Trường THPT Tương Dương 1, Quỳnh Anh đều đạt danh hiệu học sinh giỏi.
Nữ sinh cũng đạt nhiều thành tích xuất sắc như: giải Nhì môn ngữ văn cấp trường; giải Khuyến khích môn tiếng Anh cấp trường; giải Ba môn ngữ văn cấp tỉnh; đạt danh hiệu "Học sinh 3 tốt" cấp tỉnh…
Cô Nguyễn Thị Thanh, giáo viên chủ nhiệm Quỳnh Anh hai năm lớp 11 và 12, cho biết mặc dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, mẹ vướng vòng lao lý nhưng em luôn là học sinh giỏi toàn diện, năng nổ, nhiệt tình tham gia các hoạt động của nhà trường, từng là "học sinh 3 tốt", được tuyên dương toàn tỉnh Nghệ An.
"Mặc dù địa phương khó khăn, không có các lớp học thêm nhưng bằng niềm đam mê cháy bỏng và mong muốn vượt ra khỏi lũy tre làng để khám phá thế giới bên ngoài, Quỳnh Anh nỗ lực học tập thầy cô trên lớp, cộng với tự học để đứng đầu lớp", cô Thanh nói.
Năm 2021, nhờ xét tuyển kết hợp giải 3 học sinh giỏi môn ngữ văn cấp tỉnh và học bạ THPT, em đỗ vào khoa Ngôn ngữ Anh của Đại học Hà Nội. "Xung quanh em, bạn bè đồng trang lứa đều lấy chồng sinh con, nhiều người khuyên em đừng suy nghĩ viển vông nữa. Thế nhưng em không muốn lặp lại vòng luẩn quẩn lấy chồng, sinh con, đói nghèo…
Em muốn vượt ra khỏi lũy tre làng để xem thế giới bên ngoài rộng lớn. Trên hành trình ấy, bố luôn đồng hành và động viên con gái thay vì tảo hôn, hãy tập trung vào học tập để thay đổi cuộc đời sau này", Quỳnh Anh tâm sự.
Thế nhưng mọi khởi đầu đều không hề giản đơn, lần đầu tiên ra Hà Nội, em bàng hoàng nghĩ, mình không thể sống nổi ở thành phố xô bồ rộng lớn này.
Ở trường em rất áp lực bởi nhiều bạn siêu giỏi, trong khi xuất phát điểm của mình không cao.
Ngoài giờ học, em còn phải kiếm việc làm thêm quần quật, từ dạy thêm, bán hàng…, bởi suất lương hưu 2 triệu đồng của ông ngoại hỗ trợ không thể đủ.
Năm 2022, Quỳnh Anh là sinh viên duy nhất của trường lọt vào danh sách 142 sinh viên dân tộc thiểu số có thành tích học tập tiêu biểu được tuyên dương toàn quốc năm 2022.
Em nỗ lực tham gia nhiều dự án cộng đồng và đặt mục tiêu cố gắng hết sức. Thay vì mong ước kiếm được hàng nghìn USD/tháng, em đặt mục tiêu nhỏ nhoi mang đến nhiều hạnh phúc cho những người xung quanh", Quỳnh Anh cho hay.
Cuối năm 2023, cuộc đời em lần nữa suy sụp khi ông ngoại mất, chỗ dựa tinh thần và vật chất của em không còn nữa. Quỳnh Anh quyết định bảo lưu kết quả, tìm hướng đi khác.
Trong thời gian bảo lưu, em tìm kiếm các khóa học bổng ở trường khác. Bằng nỗ lực, Quỳnh Anh đạt học bổng "Trái tim Sư tử" từ Đại học Anh Quốc Việt Nam năm 2024.
Chia sẻ với phóng viên, bố Quỳnh Anh xúc động cho biết, gia đình trải qua nhiều biến cố nhưng bằng nghị lực, con gái ông đạt được học bổng này.
"Hồi ở quê, nhiều hôm con học đến sáng. Hàng xóm bảo, con gái lớn rồi ở nhà lấy chồng thôi nhưng tôi động viên cháu kiên trì bước tới", ông nói.
Nói về ước mơ sắp tới, Quỳnh Anh cho hay: "Em sẽ theo học chuyên ngành Quản trị marketing của Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam. Đây là ngành dành cho những người năng động, muốn học hỏi và có thể học hỏi được nhiều điều. Điều đó phù hợp với tính cách của em, cũng như có thể hỗ trợ cho sự phát triển quê hương.
Mặc dù sắp tới em sẽ học ở ngôi trường dành cho nhà giàu, nhiều người hỏi "có áp lực không"? Em tâm niệm, cái nghèo, cái khổ không đáng là lý do để mình bỏ học hoặc từ bỏ ước mơ".