Đã gần 90 tuổi, nhưng bà Cầm Thị Chiêu vẫn nhớ như in những lời căn dặn của Bác Hồ với ngành giáo dục và với đồng bào Tây Bắc.
Bác Hồ đã đi xa, nhưng hình ảnh của Bác luôn khắc sâu trong tim của mỗi người dân Việt Nam. Với bà Cầm Thị Chiêu, nữ giáo viên dân tộc Thái đầu tiên của tỉnh Sơn La, nguyên Phó Trưởng Ty giáo dục Sơn La (hiện đang sống tại phường Quyết Thắng, thành phố Sơn La) kỷ niệm về 2 lần được gặp Bác Hồ, cùng những lời căn dặn của Bác luôn khích lệ bà góp sức mình cho sự nghiệp giáo dục, xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp.
Giờ đã gần 90 tuổi, nhưng bà Cầm Thị Chiêu vẫn nhớ như in những lời căn dặn của Bác Hồ với ngành giáo dục, với đồng bào Tây Bắc.
Năm 1956, bà Chiêu được về Hà Nội dự hội nghị Giáo dục toàn quốc và vinh dự được gặp Bác Hồ. Bà không bao giờ quên khoảnh khắc khi Bác đến, cả hội trường đứng dậy hô to “Hoan hô Bác đến! Bác Hồ muốn năm!” để chào đón vị cha già của dân tộc.
Năm 1956 là thời điểm miền Bắc vừa hòa bình, mới bắt tay vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội với đầy khó khăn gian khổ. Bác nhắc nhở, động viên đội ngũ giáo viên và cán bộ ngành giáo dục phải thấy rõ trách nhiệm lớn lao của mình đối với Đảng, với nhân dân. Phải không ngừng phấn đấu nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ mọi mặt cả lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ thì mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng.
Đặc biệt nhấn mạnh về giáo dục ở vùng miền núi, Bác nói: Phải chú ý đến giáo dục miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ít người, làm sao để cho mọi người ai cũng được đến trường học chữ.
Rồi Bác chỉ tay về phía bà Chiêu, cô giáo dân tộc Thái của đoàn Sơn La trong trang phục dân tộc và bảo “Có cả cô giáo dân tộc phải không? Quý lắm!”.
Năm 1959, nhân dịp kỷ niệm 5 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Bác và Đoàn cán bộ của Trung ương về thăm và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ, đồng bào Khu tự trị Thái - Mèo tại Sơn La. Bà Cầm Thị Chiêu vinh dự được gặp Bác Hồ lần thứ 2 khi được cùng khối học sinh trường phổ thông khu đứng trước lễ đài đón Bác.
Được đứng gần Bác nên đến giờ bà Chiêu vẫn rất nhớ vóc dáng cao cao, vầng trán rộng, đối mắt sáng của Bác khi nói chuyện với nhân dân. Bà Chiêu nhớ nhất là Bác đã căn dặn đồng bào, bộ đội cần ra sức thi đua sản xuất và tiết kiệm, làm cho đời sống ngày càng no ấm và vui tươi hơn nữa. Các cán bộ địa phương các dân tộc phải đoàn kết, ra sức công tác, học tập văn hóa, diệt giặc đói, giặc dốt.
"Bác nói nhiều vấn đề, trong đó Bác nhắc: Phải đoàn kết các dân tộc, phải biết giữ vệ sinh, ăn chín uống sôi, phải chú ý giáo dục. Bác nói rất nhiều về giáo dục; muốn học mà không có giáo viên thì phải giải quyết khâu giáo viên. Năm 1959, Bác đã cho 300 giáo viên lên đây, tạo một bước ngoặt mới trong công tác giáo dục của Sơn La", bà Cầm Thị Chiêu nhớ lại.
Sinh ra và lớn lên trên quê hương cách mạng Mường Chanh, thuộc huyện Mai Sơn của tỉnh Sơn La, người con gái Thái Cầm Thị Chiêu đã quyết tâm học cái chữ và trở thành nữ giáo viên đầu tiên của tỉnh từ những năm 1950.
Trải qua nhiều giai đoạn học bổ túc, nâng cao, rồi học trung cấp sư phạm, qua nhiều vị trí công tác, từ làm công tác giảng dạy ở các cơ sở vùng sâu, vùng xa, làm cán bộ biên soạn sách, Phó ty giáo dục, Trưởng ban bảo vệ-chăm sóc giáo dục trẻ em, Trưởng Ban giáo dục chuyên nghiệp, khắc ghi lời dạy của Bác, bà Chiêu không quản ngại gian khổ, thiếu thốn mọi bề của điều kiện kinh tế - xã hội nói chung và giáo dục miền núi khi đó. Bà vượt núi, băng rừng, cuốc bộ tham gia dạy các lớp xóa mù chữ cho dân, đến các địa phương mở các lớp phổ thông, xây dựng hệ thống nhà trẻ, trường nội trú tại cơ sở. Sau này về nghỉ chế độ, bà vẫn tiếp tục giữ các trọng trách ở cơ sở, tham gia giảng dạy xóa mù chữ cho nhân dân.
“Bác nói cái gì có lợi cho dân thì khó mấy cũng làm, cái gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh. Đó là việc dễ học nhất. Từ việc nhỏ đến việc lớn phải biết cái nào có lợi cho dân, cái nào có hại cho dân”, bà Cầm Thị Chiêu cho biết.
Chị Lạc Hồng Mai, nguyên Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Sơn La, con gái của bà Cầm Thị Chiêu cho biết, noi gương mẹ, chị và các con, cháu của bà Chiêu ai cũng học và làm theo Bác từ những việc nhỏ nhất, ra sức thi đua học tập, làm việc, trở thành những đảng viên gương mẫu, tích cực góp sức xây dựng cơ quan, gia đình, khu dân cư tiên tiến.
“Mẹ vẫn căn dặn các con, các cháu ngoài việc yêu thương gia đình, dạy bảo con cháu thành người có ích cho xã hội thì hãy học tập và làm theo tư tưởng của Bác. Chúng tôi luôn học mẹ mình về lòng nhiệt huyết cách mạng. Công việc được Đảng, Nhà nước giao đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Thực hiện tốt các quy định nơi cư trú. Tham gia tích cực công tác xã hội và các hoạt động trong cộng đồng”, chọ Mai cho biết.
Gần 90 tuổi đời, 62 năm tuổi Đảng, điều mà bà Cầm Thị Chiêu luôn tự hào là bà đã một đời ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ vì Bác mãi trong tim.