Là một trong 74 huyện nghèo của cả nước, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, xuất phát điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) ở huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang) thấp hơn các địa phương khác. Do vậy, huyện huy động nhiều nguồn lực kết nối những nhịp cầu nông thôn, tạo thuận lợi giao thương, vận chuyển hàng hóa nông sản của người dân, tạo động lực giúp các xã đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM.
Niềm vui trên những nhịp cầu
Là địa phương có diện tích đất nông nghiệp lớn nhất tỉnh, lĩnh vực nông nghiệp của huyện Tri Tôn có nhiều khởi sắc, địa phương đầu tư xây dựng nhiều tuyến kênh, mương thủy lợi nhằm tháo chua, rửa phèn, nâng cao giá trị sản xuất. Tuy nhiên, với hệ thống kênh, mương chằng chịt, đan xen, đòi hỏi cần xây dựng các cây cầu nông thôn để phục vụ việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, nhưng nguồn lực địa phương có hạn.
“Ruộng tôi chỉ cách một bờ kênh, trông rất gần nhưng thật xa xôi. Mỗi khi vào chăm sóc lúa, vận chuyển vật tư phải đi đường vòng hơn 3km hoặc bơi xuồng sang; vào mùa mưa bão đi lại rất khó khăn. Chúng tôi mong muốn có cầu bắc ngang kênh 15 nhưng do hạn chế về vốn đầu tư, tưởng như còn phải chờ đợi thêm thời gian khá lâu nhưng niềm vui đến bất ngờ” - nông dân Trương Văn Nghĩa (khóm Tô Bình, thị trấn Cô Tô, huyện Tri Tôn) bộc bạch.
Còn kênh 15 nằm giữa khóm Tô Bình và Sóc Triết, dọc 2 bờ là các tiểu vùng sản xuất lúa 3 vụ với tổng số 810ha đất canh tác, là nơi sinh sống của 288 hộ dân. Do cầu bắc qua kênh là cầu gỗ tạm nên việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân gặp nhiều khó khăn. Mới đây, khi cầu Kênh 15 được xây dựng và đưa vào sử dụng, bà con rất phấn khởi bởi tuyến giao thông quan trọng này có cầu bê-tông vững chãi.
Tương tự, tuyến kênh 10 giáp giữa xã Tân Tuyến và thị trấn Cô Tô cũng nằm giữa tuyến giao thông nông thôn huyết mạch. Dọc 2 bờ là các tiểu vùng sản xuất lúa 3 vụ, với tổng số gần 2.000ha đất canh tác, là nơi sinh sống của 245 hộ dân với 1.257 nhân khẩu. Khi cầu Tân Vọng bắc qua kênh 10 được xây dựng, bà con vô cùng phấn khởi. Đây là một trong những động lực thúc đẩy xã Tân Tuyến vươn lên thành xã NTM nâng cao.
Trân quý những tấm lòng
Mới đây, UBND huyện Tri Tôn phối hợp Tạp chí Nông thôn Việt tổ chức Lễ khánh thành cầu Kênh 15 (thị trấn Cô Tô) và cầu Tân Vọng (xã Tân Tuyến). Cầu Kênh 15 có chiều dài 30m, rộng 4m, tải trọng 5 tấn; tổng kinh phí xây dựng 1,27 tỷ đồng, trong đó Tạp chí Nông thôn Việt vận động Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO) hỗ trợ 1,05 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Khai thác và Chế biến đá An Giang hỗ trợ 200 triệu đồng, Chi nhánh khai thác đá Quyết Thắng của Công ty 622 (Quân khu 9) hỗ trợ 20 triệu đồng. Cầu Tân Vọng bắc qua kênh 10 có chiều dài nhịp chính 36m, rộng 4m, tải trọng 5 tấn; kinh phí xây dựng 1,46 tỷ đồng, trong đó THACO hỗ trợ 1,3 tỷ đồng, còn lại 160 triệu đồng vận động bà con đóng góp.
Đồng chí Nguyễn Văn Bé Tám, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn cho biết: Những năm qua, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, huyện huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng nhiều công trình dân sinh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết nhu cầu đi lại và sản xuất của người dân. Tuy nhiên, do nguồn vốn của địa phương có hạn, trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều vị trí cần xây dựng cầu nông thôn rất bức thiết nhưng chưa được đầu tư xây dựng.
Năm 2019, huyện Tri Tôn được nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Ban Biên tập Tạp chí Nông thôn Việt và các tập đoàn, doanh nghiệp hỗ trợ đầu tư 19 cây cầu. “Tiếp tục đồng hành với địa phương, năm 2023, huyện Tri Tôn được Tạp chí Nông thôn Việt vận động Tập đoàn Trường Hải hỗ trợ kinh phí xây dựng 2 cây cầu trên địa bàn xã Tân Tuyến và thị trấn Cô Tô.
Việc đưa vào sử dụng 2 cây cầu có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương của Nhân dân, đặc biệt là đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường. Từ đó, góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển” - ông Nguyễn Văn Bé Tám nhấn mạnh.
Trân trọng sự hỗ trợ, đóng góp của Tạp chí Nông thôn Việt, THACO, các nhà tài trợ và người dân đóng góp xây dựng cầu, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Nguyễn Văn Bé Tám đề nghị chính quyền và Nhân dân trên địa bàn quản lý, bảo vệ và sử dụng các cây cầu đúng theo quy định kỹ thuật, nhằm phát huy hiệu quả lâu dài của công trình, nâng cao đời sống, góp phần thực hiện tiêu chí giao thông trong xây dựng NTM.