Xã hội

Nơi khởi nguồn của các mô hình dân tộc thiểu số

Sông Thao 27/04/2024 - 08:22

12 thành phần dân tộc thiểu số (DTTS) tại thành phố Long Khánh (Đồng Nai) đều có đại diện sinh sống ở xã Bảo Quang. Cộng đồng các DTTS tại thành phố đã xây dựng 17 mô hình đoàn kết, tương trợ nhau thì xã Bảo Quang có cả 17 mô hình này.

Thời gian qua, xã Bảo Quang trở thành điểm sáng trong việc gắn kết các cộng đồng DTTS đoàn kết, giúp nhau trong cuộc sống và đóng góp xây dựng quê hương.

Chung tay làm việc tốt

Là một bộ phận của gần 200 ngàn đồng bào DTTS trong tỉnh, người DTTS tại xã Bảo Quang được thụ hưởng đầy đủ các chính sách của Nhà nước. Điểm đáng chú ý là bên cạnh thụ hưởng, đồng bào các DTTS nơi đây còn chủ động xây dựng nên nhiều mô hình an sinh xã hội để chủ động, trực tiếp trợ giúp người có hoàn cảnh khó khăn trong cộng đồng.

anh_2_1_20240425221608.jpg
Ông Hoàng Thế Hồng (bìa phải), người uy tín trong đồng bào dân tộc Hoa ở xã Bảo Quang, thành phố Long Khánh, cùng đại diện Phòng Dân tộc thành phố tham quan một tuyến đường trong ấp. Ảnh: S.Thao

Một trong những mô hình được đánh giá cao của đồng bào DTTS tại xã là Cộng đồng các DTTS tiếp sức đến trường. Mô hình được thành lập từ năm 2018, trực thuộc Ủy ban MTTQ Việt Nam xã. 24 thành viên tham gia mô hình đều là những người DTTS có uy tín, tham gia công tác hội, đoàn thể ở địa phương. Mỗi tháng, từng thành viên tự tiết kiệm chi tiêu của gia đình để góp 500 ngàn đồng xây dựng quỹ cho mô hình. Ngoài số tiền cố định này, trước mỗi dịp tổ chức trao học bổng, xe đạp, sách vở…, mỗi thành viên đóng góp tiếp và vận động thêm nguồn lực.

Ghi nhận đóng góp của đồng bào các DTTS xã Bảo Quang thông qua thực hiện mô hình Cộng đồng các DTTS tiếp sức đến trường, vừa qua mô hình này đã được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Hội Khuyến học Việt Nam tặng Bằng khen.Gia đình bà Thị Xuyên (bìa trái - xã Bảo Quang, thành phố Long Khánh) đếm số giấy chứng nhận hiến máu của gia đình để làm thủ tục khen thưởng.

Ông Vi Kim Cường, thành viên mô hình Cộng đồng các DTTS tiếp sức đến trường cho hay, ấp Lác Chiếu có 380 hộ thì 51% trong số này là đồng bào các DTTS. Số hộ nghèo, hộ cận nghèo ở ấp chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng vẫn còn khá nhiều hoàn cảnh cần được giúp đỡ. Những năm qua, mô hình này đã hỗ trợ tiền mặt, phương tiện đi lại, đồng phục, sách vở cho học sinh với tổng trị giá hàng trăm triệu đồng. Đồng thời, có 21 giáo viên đã được quan tâm, giúp đỡ.

Điểm sáng của mô hình này là đã kết nối được đại diện của tất cả cộng đồng các DTTS trên địa bàn cùng tham gia. Điều này khác với nhiều nơi khi mỗi cộng đồng DTTS tự thực hiện một mô hình riêng của cộng đồng mình. Đến nay, đây là mô hình khuyến học duy nhất làm được điều này tại Đồng Nai.

Một mô hình khác được xem là duy nhất trong đồng bào DTTS của tỉnh là Câu lạc bộ Hiến máu tình nguyện trong đồng bào DTTS xã Bảo Quang. Đây là năm thứ 19 mô hình này được duy trì và là mô hình hiến máu tình nguyện nằm trong nhóm lâu năm của tỉnh.

Ban đầu, qua sự vận động của địa phương, có 5 người dân tộc Chơro tham gia hiến máu tình nguyện, song đến nay đã phát triển trên 40 trường hợp cùng 5 gia đình. Trong số này, đã có những cá nhân, gia đình trở thành gương mặt tiêu biểu trong Phong trào Hiến máu tình nguyện của tỉnh và của cả nước với số lần hiến máu tình nguyện từ 50-140 lần.

Bà Thị Xuyên, người đã có 55 lần hiến máu tình nguyện cho hay, trước khi có lần trải nghiệm hiến máu đầu tiên, bà cũng có nhiều lo lắng. Nhưng sau lần hiến máu tình nguyện đó, bà cảm thấy sức khỏe ổn nên tiếp tục duy trì hiến máu tình nguyện hàng năm. Noi gương bà Thị Xuyên, ngày càng có nhiều người DTTS ở địa phương cùng tham gia. Riêng gia đình bà có 3 người duy trì hiến máu tình nguyện hàng năm.

Chủ động xây dựng khu dân cư bình yên, phát triển

Cùng với các mô hình nêu trên, thông qua sự kết nối của Ủy ban MTTQ xã, cộng đồng các DTTS tại đây còn chủ động tham gia xây dựng khu dân cư nơi mình sinh sống.

Gia đình bà Thị Xuyên (bìa trái - xã Bảo Quang, thành phố Long Khánh) đếm số giấy chứng nhận hiến máu của gia đình để làm thủ tục khen thưởng
Gia đình bà Thị Xuyên (bìa trái - xã Bảo Quang, thành phố Long Khánh) đếm số giấy chứng nhận hiến máu của gia đình để làm thủ tục khen thưởng

Trong đó, hiện xã xây dựng và duy trì 12 hình thức vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu với tên gọi chung là mô hình Tổ tự quản bảo vệ môi trường. Những mô hình này đều có thành viên là đồng bào DTTS và mỗi người đều tham gia rất tích cực, có việc làm thiết thực cùng cộng đồng.

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Bảo Quang Lương Thị Bảo Thùy, việc triển khai các mô hình bước đầu đã hình thành thói quen, trách nhiệm và tự giác của người dân trong việc thực hiện các quy định bảo vệ môi trường tại cộng đồng dân cư. Nhiều mô hình hiệu quả đã được các cấp khen thưởng điển hình tiên tiến như: Tuyến đường tổ 9 ấp Bàu Cối tham dự Hội thi Tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp cấp tỉnh đoạt giải ba. Hay mô hình Giáo xứ Bảo Quang và nhân dân tổ 4, ấp 18 Gia Đình; tổ 6, ấp Ruộng Tre tham gia bảo vệ môi trường gắn với xây dựng đường kiểu mẫu được chọn tuyên dương tại Hội nghị toàn quốc về Phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và được tặng bằng khen của Bộ Tài nguyên và môi trường.

Ông Hoàng Thiên Bình, người uy tín trong đồng bào dân tộc Hoa ở xã Bảo Quang, cho hay một trong những điểm “nghẽn” lớn nhất khi xây dựng các mô hình dân cư về cơ sở hạ tầng là mở rộng đường và đóng góp kinh phí, bởi điều này ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản của người dân. Song thông qua sự tuyên truyền, kết nối của Mặt trận xã, Phòng Dân tộc thành phố, bà con đã nắm vững chủ trương, chính sách phát triển vùng đồng bào DTTS nói riêng, địa phương nói chung. Mới đây, khi xã có chủ trương mở rộng và nâng cấp tuyến đường đất vào khu rẫy của bà con, ông cùng những người DTTS khác có đất nằm dọc con đường cũ đã cùng cộng đồng tự động lùi hàng rào, cắt bỏ cây trồng để đội thi công nhanh chóng san ủi lấy mặt bằng. Đến nay, tuyến đường đã hoàn thành và việc đi lại của mọi người đã thuận lợi hơn rất nhiều. Từ đó, bà con càng tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động.

Do địa bàn rộng, nơi canh tác cũng là nơi ở của từng gia đình nên khoảng cách giữa các nhà dân khá xa. Vì vậy, khi Ủy ban MTTQ Việt Nam xã phối hợp cùng các lực lượng xây dựng 4 mô hình an ninh trật tự gồm: Tiếng kẻng đoàn kết và giữ gìn an ninh trật tự, Khu dân cư đảm bảo trật tự an toàn giao thông liên tổ, Tuyến đường tự quản về an toàn giao thông, Nhân dân và điểm nhóm Tin lành Ruộng Tre tham gia bảo vệ môi trường gắn với giữ gìn an ninh trật tự, bà con DTTS đã tham gia và là thành viên tích cực.

Ngoài ra, để đồng bào nhận thức được thủ đoạn, âm mưu chống phá khối đại đoàn kết của các thế lực thù địch, người có uy tín trong đồng bào DTTS xã đã chủ động tham gia giải quyết ngay từ đầu những vấn đề phát sinh nhằm không để xảy ra vụ việc phức tạp gây ảnh hưởng an ninh trật tự.

Ông Hoàng Thế Hồng, người uy tín trong đồng bào dân tộc Hoa ở xã Bảo Quang, cho hay từ các hội nghị tập huấn của Ban Dân tộc tỉnh, Phòng Dân tộc thành phố và địa phương, những người có uy tín tại xã đã được cập nhật kiến thức về công tác dân tộc, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho đồng bào các DTTS.

Ông Hồng cho biết thêm, nơi ông làm người uy tín có 77 hộ đồng bào người Hoa. Những vụ việc như vì ranh đất mà hàng xóm cự cãi thường xuyên diễn ra. Tuy chỉ là việc nhỏ nhưng nếu không kịp thời tháo gỡ sẽ dễ trở thành điểm nóng. Những lúc như vậy, ông chủ động đứng ra dàn xếp vụ việc để bà con cùng thông cảm, chia sẻ cho nhau.

Theo Báo Đồng Nai
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO