Đời sống xã hội

Nỗ lực ngăn chặn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết

Hải Thanh 06/10/2023 08:23

Nhằm giảm thiểu, tiến tới xóa bỏ hủ tục tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống (HNCHT), tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, giáo dục tới trẻ vị thành niên, thanh niên. Đồng thời duy trì, thành lập hàng nghìn mô hình, câu lạc bộ điểm tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nạn tảo hôn còn chiếm tỷ lệ cao

Ksor Thuế và Ksor Lược (cùng SN 2008, xã Ia O, huyện Ia Grai), lấy nhau năm 2021. Thuế là chị cả, sau còn 2 em. Khi Thuế sinh con đầu lòng, em út mới 3 tháng tuổi, còn mẹ mới qua đời vì mắc bệnh hiểm nghèo. Con còn nhỏ nên Lược để vợ ở nhà chăm sóc, còn cậu theo bố đi làm thuê. Ai thuê gì làm nấy.

"Nhiều lúc con đau không có tiền mua thuốc, tụi em lại phải qua xin bố. Giờ em chỉ mong đủ tuổi để xin vào làm công nhân, có việc làm, có thu nhập lo cho vợ con", Lược chia sẻ.

Siu Aring (SN 2007) và Kpuih Hân (SN 2006) cư trú tại làng O Ngó, xã Ia Băng, huyện Đak Đoa. Để gia đình không ngăn cản chuyện kết hôn, Siu Aring và Kpuih Hân chọn cách có thai trước.

Hân cho biết: “Từ năm 2020, mình đã qua ở bên nhà vợ nhưng chính thức cưới và ở rể là cuối năm 2022. Ban đầu, bố mẹ cũng không đồng ý nhưng thấy 2 đứa thương nhau, lại có con rồi nên cũng cho cưới”.

Ôm con nhỏ mới 3 tháng tuổi ngồi cạnh chồng, Aring ngập ngừng nói: “Lúc trước, tụi em chỉ nghĩ yêu là cưới! Giờ có con, em lại không có sữa, con thì gầy yếu, quấy khóc suốt, em không biết làm sao. Bố mẹ lớn tuổi vẫn phải đi làm nuôi cả nhà, nuôi thêm cả cháu”.

19104639_25.6-lai-chau-1_21-06-25.jpg
Trưởng thôn Puih Rih làng Mít Kom 2, xã Ia O trao đổi với vợ chồng Ksor Thuế và Ksor Lược về hệ lụy của việc kết hôn sớm

Ông Ksor Suy, Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Pa, cho biết: “Nhiều gia đình dù rất khó khăn, chỉ làm thuê làm mướn nhưng cũng sắm cho con điện thoại thông minh để ngồi đẩy đẩy, lướt lướt. Các trường hợp tảo hồn phần lớn phụ thuộc kinh tế vào bố mẹ. Các gia đình này vốn thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo giờ phải lo thêm cho con cháu nên cuộc sống càng thêm khó khăn.

Ông Lương Văn Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Ma Rơn, cho biết: Nguyên nhân phổ biến trong vùng DTTS là một số gia đình cho con gái tảo hôn để có thêm lao động, nhiều em bỏ dở việc học hành. “Buôn Đak Cha có hơn 1.300 khẩu nhưng đến nay chỉ có 5 em học sinh là người Bahnar tốt nghiệp THPT”, ông Hiếu thông tin.

Tảo hôn là một vấn nạn của xã hội, một trở ngại lớn đối với sự phát triển bền vững ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) cả nước nói chung và Tây Nguyên nói riêng. Tảo hôn không chỉ vi phạm pháp luật mà còn để lại nhiều hệ lụy lâu dài đối với gia đình và xã hội, trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực, một trong những lực cản đối với sự phát triển tiến bộ xã hội.

anh-1-3.jpg
Tảo hôn, hôn nhân cận huyết nhất làm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dân số

Thực tế, đa số người DTTS sinh sống ở địa bàn đặc biệt khó khăn nên việc tiếp cận kiến thức về hôn nhân, gia đình và pháp luật còn hạn chế; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác tuyên truyền, giáo dục, ngăn ngừa tình trạng tảo hôn, chưa được quan tâm đúng mức.

Ngoài ra, hình thức tuyên truyền kém phong phú, chưa phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của các nhóm đối tượng; công tác giáo dục giới tính cho thanh-thiếu niên chưa được đẩy mạnh; quản lý hộ tịch thiếu chặt chẽ; xử lý vi phạm về hôn nhân và gia đình còn thiếu kiên quyết… cũng là những nguyên nhân được đề cập.

Phát huy vai trò của Hội phụ nữ

Xác định những hệ lụy của nạn tảo hôn và , các cơ quan đoàn thể của tỉnh Gia Lai nói chung và Hội Phụ nữ tỉnh nói riêng luôn chú trọng thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người dân, phụ nữ vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS về hôn nhân và gia đình. Qua đó, góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tháng 4/2023, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã thành lập câu lạc bộ "Phụ nữ nói không với tảo hôn" ở làng Greo Pết, xã Dun. Hiểu rõ phong tục tập quán, đặc biệt là những hủ tục cần xóa bỏ, với thông điệp "Không kết hôn sớm, không lấy nhau trong cùng dòng họ", CLB "Phụ nữ nói không với tảo hôn" đã thu hút hơn 30 hội viên, phụ nữ thuộc nhiều lứa tuổi tham gia.

Những thành viên trong CLB không những chỉ tích cực tuyên truyền mà còn tham gia vận động bạn bè, người thân và dân làng không để con em bỏ học sớm để lập gia đình hay không để liên quan đến các tệ nạn xã hội. Qua đó, CLB đã phát huy được vai trò và tiếng nói của phụ nữ DTTS trong gia đình.

7-8965.jpg
Cán bộ dân số xã Ia Broăi tuyên truyền cho người dân về hệ lụy của tảo hôn và kế hoạch hóa gia đình

Chủ nhiệm CLB "Nữ thanh niên đặc thù", chị Siu Nguyệt, nói: "Trước đây, đa phần nữ thanh niên ở đây ít tham gia sinh hoạt Hội. Nhằm tạo sự chủ động, tích cực, tinh thần sáng tạo, đoàn kết giữa hội phụ nữ và đoàn thanh niên, chúng tôi đã xây dựng CLB này. CLB "Nữ thanh niên đặc thù" tuyền truyền phổ biến cho chị em thanh niên không được kết hôn sớm, hiểu rõ được những hậu quả của tảo hôn. Đồng thời, CLB còn giúp đỡ những người khó khăn, người già trong thôn. Từ khi CLB đi vào hoạt động đã phát huy được nhiều hiệu quả thiết thực".

Tại huyện Phú Thiện, Hội LHPN huyện đã thành lập 3 CLB “Phụ nữ nói không với nạn tảo hôn và HNCHT”, với 60 thành viên tại 3 xã: Ia Peng, Chư A Thai và Chrôh Pơnan. Các CLB đã hoạt động hiệu quả, góp phần hạn chế, ngăn chặn nạn tảo hôn và HNCHT trong đồng bào DTTS.

Chị Ksor H’Mlang, Chủ nhiệm CLB “Phụ nữ nói không với nạn tảo hôn và” xã Chrôh Pơnan cho hay: Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tảo hôn, là tình trạng học sinh bỏ học, tâm lý sớm có người nối dõi hoặc có thêm nhân công lao động trong gia đình… Tuy nhiên, từ khi CLB đi vào hoạt động, tình trạng này được hạn chế dần. Các thành viên thường xuyên tuyên truyền, chia sẻ, vận động chị em phụ nữ các thôn làng tuân thủ pháp luật, tập trung phát triển kinh tế. Từ đó, từng bước xoá bỏ đói nghèo, nâng cao đời sống của chị em.

gialai-taohon-2.jpg
Các thành viên của CLB "Phụ nữ nói không với tảo hôn và HNCHT" xã Chrôh Pơnan tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ các thôn, làng tuân thủ pháp luật, tập trung phát triển kinh tế

Ngoài ra, các cấp Hội còn chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết đơn thư, tư vấn pháp luật, hỗ trợ tâm lý và cung cấp đường dây nóng để kịp thời giải quyết các vấn đề của phụ nữ và trẻ em gái tại cộng đồng...

Đồng thời, phối hợp với ngành chức năng tổ chức hội thảo, bàn các giải pháp chống tảo hôn, HNCHT; trưng bày bộ tranh sản phẩm truyền thông công tác Hội với thông điệp "Bình yên và hạnh phúc cho phụ nữ và trẻ em"; đề xuất UBND các địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế tình trạng tảo hôn, HNCHT.

Cùng với đó, công tác tuyên truyền được các cấp hội thực hiện, với hình thức phong phú thông qua truyền hình, mạng xã hội, sách báo… có nội dung liên quan đến bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ.

Xoay quanh các giải pháp nhằm đẩy lùi vấn nạn tảo hôn, ông Trường Trung Tuyến - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho rằng, tuyên truyền, vận động vẫn là giải pháp quan trọng. Thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục tăng cường giáo dục, truyền thông về phòng, chống tảo hôn đến người dân. Nội dung truyền thông đa dạng, phù hợp với từng địa bàn, đối tượng nhằm từng bước nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và tiến tới ngăn chặn, đẩy lùi tảo hôn.

Các địa phương chú trọng thực hiện và nhân rộng các mô hình can thiệp giảm thiểu tình trạng tảo hôn tại cộng đồng; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm điều kiện kết hôn ngay tại cơ sở.

Đồng thời, gắn trách nhiệm của cá nhân, gia đình và xã hội trong việc thực thi pháp luật; đưa các quy định về hôn nhân vào quy ước, hương ước tạo thêm sức mạnh và dư luận để phòng-chống nạn tảo hôn hiệu quả hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO