Lâu nay, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở huyện Ea H’leo (Đắk Lắk) vẫn quen tình trạng đi vay vốn lãi suất cao để đầu tư sản xuất, dẫn đến nhiều hệ lụy.
“Ôm” nợ vì… vay vốn để “đầu tư”
Trước đây, ngoài gần 900 m2 đất ở , gia đình ông Y Krô Niê (thôn 5, xã Ea Khal, huyện Ea H’leo) còn có hơn 1 ha rẫy cà phê, mang lại thu nhập hằng năm tương đối ổn định. Năm 2017, thấy sức khỏe yếu đi không kham nổi việc nương rẫy, ông Y Krô quyết định đi học lái xe ô tô, sau đó vay vốn “tín dụng đen” với lãi suất 30%/năm để mua xe ô tô nhằm chạy xe dịch vụ.
Song, do không am hiểu về xe ô tô, ông Y Krô đã bị các đầu nậu buôn bán xe cũ ở tỉnh Gia Lai lừa. “Lần đầu, tôi vay 100 triệu đồng để mua chiếc xe ô tô trị giá 130 triệu đồng, nhưng sử dụng được 5 tháng, tôi phải bán xe cho chủ cũ với giá 60 triệu đồng, vì xe tốn nhiên liệu và thường xuyên hư hỏng. Tôi tiếp tục vay 160 triệu đồng với lãi suất cao để bù vào mua chiếc xe khác trị giá 220 triệu đồng, xe chạy được 15 ngày lại phải sửa nhiều, người bán cho rằng do tôi làm hư hỏng nên thu lại xe với giá 150 triệu đồng. Không cam chịu, tôi dùng sổ đỏ đất rẫy để vay 250 triệu đồng từ Ngân hàng TMCP Phương Đông - OCB (Phòng giao dịch Chi nhánh Ea H’leo) để mua chiếc xe gần 300 triệu đồng. Song, số tiền từ chạy xe dịch vụ không đủ để chi trả lãi “tín dụng đen”, khiến lãi mẹ đẻ lãi con. Cuối năm 2018, tôi bán hết tài sản chỉ đủ trả được các khoản vay từ “tín dụng đen”. Để trả lãi suất cho Ngân hàng OCB, tôi vay 30 triệu đồng từ tín dụng FE Credit, giờ nợ bủa vây, không biết phải xoay sở như thế nào”, ông Y Krô ngậm ngùi kể.
Vì lâm cảnh nợ nần, giờ cả gia đình gồm 7 người của ông Y Krô phải ở nhờ một căn chòi rẫy. Mỗi tháng ông Y Krô được chủ rẫy trả 1 triệu đồng cho việc ở trông coi rẫy, mọi chi tiêu của gia đình đều trông vào tiền làm thuê bấp bênh của vợ chồng ông.
Tương tự, gia đình ông Rô Y Biông (buôn Drài, xã Dliê Yang) cũng lâm vào cảnh nợ nần vì trót vay vốn để “đầu tư”. Theo hồ sơ lưu của Công an huyện Ea H’leo, gia đình ông Y Biông có 8,5 ha rẫy cà phê và đất lâm nghiệp. Để đầu tư làm ăn, ông Y Biông vay Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV (Chi nhánh Bắc Đắk Lắk) 720 triệu đồng và vay các cá nhân bên ngoài 850 triệu đồng. Thế nhưng do mất mùa triền miên, không đủ chi trả, ngày 24/4/2023, Cơ quan thi hành án dân sự huyện Ea H’leo thực hiện kê biên 3,3 ha đất nông nghiệp của ông Y Biông để giải quyết tranh chấp hợp đồng vay.
Lợi dụng việc ông Y Biông nợ nần, đối tượng Y Quynh Bdắp (ở Thái Lan) đã dùng mạng xã hội Facebook liên lạc và hứa sẽ đưa gia đình ông đi định cư ở nước thứ ba. Phát hiện vụ việc, Công an huyện Ea H’leo đã phối hợp với địa phương tìm phương án hỗ trợ, tuy nhiên đến ngày 18/11/2023, gia đình ông Y Biông đã vượt biên trốn sang Thái Lan.
Nhiều biện pháp giãn nợ cho người dân
Huyện Ea H’leo có dân số gần 150.000 người, trong đó có hơn 42% là đồng bào DTTS. Qua thống kê của UBND huyện Ea H’leo, trước thời điểm năm 2020, nợ xấu trong đồng bào DTTS vay để đầu tư làm ăn là trên 500 tỷ đồng.
Nguyên nhân là do trước năm 2020, giá các loại nông sản biến động. Vì chạy theo giá nông sản mà bà con phá bỏ một số cây công nghiệp lâu năm như cà phê, cao su... để trồng tiêu. Để có chi phí đầu tư, bà con vay ngân hàng, hoặc vay “nóng” bên ngoài với lãi suất cao. Sau một giai đoạn giá tiêu chững lại, cây tiêu bệnh, chết hàng loạt… khiến bà con không có khả năng trả nợ cho ngân hàng cũng như số vay bên ngoài.
Ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND huyện Ea H’leo cho biết, số nợ lớn trong dân khiến địa phương tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự khi các ngân hàng, cá nhân cho vay thúc giục bà con trả nợ, có trường hợp yêu cầu bà con phải bán tài sản với giá rẻ; thậm chí bị các đối tượng xấu lợi dụng, lôi kéo vượt biên. Để giúp bà con đồng bào DTTS yên tâm sản xuất, dẹp bỏ tư tưởng ỷ lại, UBND huyện đã mời các ngân hàng đứng chân trên địa bàn phối hợp với UBND các xã, thị trấn rà soát, báo cáo tổng dư nợ, đặc biệt là nợ xấu của các hộ đồng bào DTTS. Sau đó, đề xuất với các ngân hàng thống nhất phương án khoanh nợ, giảm lãi suất và giãn nợ cho các trường hợp khó khăn vay vốn để đầu tư. Đồng thời, tạo điều kiện cho bà con tiếp tục yên tâm canh tác trên đất của mình để trả nợ dần. “Đối với các hộ gia đình đã vay “tín dụng đen”, UBND huyện Ea H’leo đã chỉ đạo Công an huyện cùng với các xã, thị trấn rà soát, nắm bắt. Nếu các đối tượng cho vay dân sự có thực hiện các hành vi gây khó dễ, yêu cầu bà con phải bán rẫy, tài sản với giá rẻ… để cấn trừ nợ thì sẽ xử lý bằng biện pháp mạnh”, ông Hà nhấn mạnh.
Cùng với đó, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về “tín dụng đen”, với sự tham gia của các già làng, người có uy tín, bí thư chi bộ, trưởng thôn, buôn; đặc biệt tuyên truyền cho bà con cảnh giác về phương thức, thủ đoạn của một số đối tượng lợi dụng hoàn cảnh khó khăn, thiếu hiểu biết của đồng bào DTTS nhằm trục lợi bất chính.
Sự vào cuộc kịp thời của chính quyền huyện Ea H’leo đã có những chuyển biến tích cực trong việc giúp bà con DTTS giải quyết nợ xấu. Theo số liệu của Công an huyện Ea H’leo, hiện còn 118 hộ DTTS có hoàn cảnh khó khăn không có khả năng chi trả, với tổng dư nợ gần 100 tỷ đồng.