(DTTG) Huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, trong đó có hơn 70% dân số là đồng bào dân tộc Mường, với nhiều giá trị, nét đẹp văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc. Những năm qua, công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn luôn được huyện chú trọng.
Huyện Ngọc Lặc có một kho tàng di sản văn hóa phong phú và đa dạng |
Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa luôn là nhiệm vụ quan trọng trong lịch sử từ ngàn xưa cho đến nay. Hiện nay, sự phát triển của xã hội hiện đại, cùng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, thì yêu cầu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa càng có giá trị và ý nghĩa to lớn. Nhiều năm nay, công tác bảo tồn, giữ gìn những nét văn hóa truyền thống của các dân tộc nói chung, dân tộc Mường nói riêng trên địa bàn huyện Ngọc Lặc luôn được cấp ủy, chính quyền chú trọng, góp phần làm đa dạng, phong phú đời sống văn hóa tinh thần của người dân nơi đây.
Huyện Ngọc Lặc có một kho tàng di sản văn hóa phong phú và đa dạng, gắn liền với đời sống vật chất, tinh thần của các đồng bào dân tộc nơi đây. Đối với dân tộc Mường có sử thi “Đẻ đất - Đẻ nước”; hệ thống dân ca, xường, đang, đúm; các nghi lễ, lễ hội, trò chơi, trò diễn hết sức độc đáo, như: Pồn pôông, séc bùa, ném còn... Dân tộc Dao với lễ cấp sắc, tết nhảy và một số truyện thơ, chuyện kể, các điệu hát giao duyên... Dân tộc Thái với hệ thống dân ca, trò diễn, như: Khặp, ru con, kin chiêng boọc mạy... Bên cạnh đó, huyện có hệ thống di tích lịch sử - văn hóa gắn liền với các lễ hội truyền thống. Nhiều di tích còn lưu giữ được các sắc phong, khẳng định bề dày lịch sử và giá trị văn hóa truyền thống lâu đời của vùng đất Ngọc Lặc.
Người dân huyện Ngọc Lặc trình diễn Lễ hội Pôồn Pôông |
Để giữ gìn, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa các dân tộc, huyện đã đẩy mạnh công tác sưu tầm, lưu giữ những nét văn hóa truyền thống thông qua việc tổ chức, phục dựng những lễ hội, làn điệu dân ca, dân vũ. Phát huy tốt vai trò của các nghệ nhân, các đội văn nghệ quần chúng tại các địa phương trong công tác bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn.
Một trong những hoạt động cụ thể nhằm góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được huyện Ngọc Lặc triển khai thực hiện trong những năm qua là việc chú trọng tổ chức các hoạt động, xây dựng và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong tổ chức các hội thi, hội diễn, ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc trên địa bàn.
Các nội dung tại Ngày hội được gắn với nét văn hóa truyền thống của các dân tộc như: Trình diễn trang phục dân tộc, phục dựng các lễ hội truyền thống, ca múa, ẩm thực và tổ chức các trò chơi dân gian như: Pồn pôông, séc bùa, ném còn, bắn nỏ, đẩy gậy, Khặp, ru con, kin chiêng boọc mạy… Đây là dịp để Nhân dân các dân tộc trên địa bàn được giao lưu, giới thiệu bản sắc văn hóa của dân tộc mình, qua đó, góp phần gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện.
Lễ hội Pôồn Pôông với 48 trò chơi, trò diễn đặc sắc |
Cùng với đó, để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, huyện đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân hiểu hơn về tầm quan trọng của các giá trị văn hóa truyền thống; vai trò, ý nghĩa của việc lưu giữ, phát huy những nét đẹp văn hóa đặc trưng của mỗi dân tộc; vai trò và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống.
Đồng thời, xác định việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống là một nhiệm vụ quan trọng; là một quá trình xuyên suốt lâu dài, huyện đã bám sát nội dung Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
Trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Mường huyện Ngọc Lặc |
Lồng ghép việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa với thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Từ đó, xây dựng kế hoạch hoạt động theo từng giai đoạn, từng năm. Trong đó, chú trọng việc triển khai tổ chức các lễ hội; phục dựng các điệu múa, làn điệu dân ca, trò chơi, trò diễn, nghề truyền thống; bảo tồn trang phục, chữ viết; Đề án “Truyền dạy văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ”; Đề án “Bảo tồn, phát triển nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2021-2025”...
Phát huy vai trò “nòng cốt” của các nghệ nhân trong công tác sưu tầm, truyền dạy các giá trị văn hóa truyền thống văn hóa của dân tộc, từ năm 2020 đến nay, huyện tập trung đẩy mạnh thực hiện và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Có thể kể đến như: Huyện đã phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh tổ chức các lớp tập huấn “Phục dựng các loại hình văn hóa dân tộc Dao quần chẹt, múa pồn pôông dân tộc Mường”; phối hợp với Hội Dân tộc học và Nhân học (Trường Đại học Hồng Đức) tổ chức lớp học chữ Nôm Dao; tổ chức lớp truyền dạy, kỹ thuật may thêu, trang trí hoa văn trên trang phục của người Dao quần chẹt tại Ngọc Lặc... Công tác truyền dạy được triển khai sâu rộng không chỉ trong cộng đồng dân cư mà cả trong các trường học. Nhiều năm nay, huyện Ngọc Lặc đã đưa việc truyền dạy hát xường, múa pồn pôông, đánh cồng chiêng vào các trường học. Điều này đã khơi dậy đam mê với văn hóa truyền thống cho các em nhỏ.
Không chỉ chú trọng công tác truyền dạy, huyện còn chỉ đạo các địa phương, hội, đoàn thể, trường học tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các trò chơi, trò diễn không chỉ trong dịp lễ, tết, ngày hội mà còn ở các buổi sinh hoạt văn hóa ở các địa phương, cơ quan, trường học, từ đó tạo đất diễn, sức sống cho các di sản văn hóa. Đặc biệt, huyện đã tập trung thành lập các câu lạc bộ (CLB) văn hóa dân gian, như: CLB cồng chiêng, CLB pồn pôông, CLB dệt thổ cẩm... Các CLB đã thu hút được nhiều hội viên tham gia, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng.
Ngôi nhà sàn của gia đình bà Phạm Thị Sáu (thôn Lập Thắng, xã Thạch Lập, huyện Ngọc Lặc) có tuổi đời gần 100 năm |
Tiêu biểu là xã Cao Ngọc, nơi 100% dân số là người dân tộc Mường. Xã đã thành lập và duy trì CLB trò diễn pồn pôông; CLB dệt thổ cẩm. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các trò chơi, trò diễn vào các ngày lễ hội, các sự kiện. Từ đó, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho Nhân dân, góp phần nuôi dưỡng tình yêu đối với văn hóa dân gian trong thế hệ trẻ. Hay như CLB cồng chiêng xã Quang Trung, sau nhiều năm hoạt động đã thu hút đông đảo người dân tham gia sinh hoạt, cùng nhau trao đổi, trò chuyện về văn hóa truyền thống; tích cực tham gia các hoạt động văn hóa - văn nghệ, chính trị tại địa phương; truyền dạy lại cho thế hệ sau.
Có thể thấy, với sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các trò chơi, trò diễn dân gian trên địa bàn huyện Ngọc Lặc đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần gìn giữ nét văn hóa đặc sắc của dân tộc, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Thời gian tới, huyện Ngọc Lặc tiếp tục tăng cường quản lý Nhà nước đối với việc sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc; đầu tư, hỗ trợ kinh phí cho hoạt động tập huấn các loại hình di sản văn hóa và các nghệ nhân, những người am hiểu văn hóa truyền thống...