Nỗ lực bảo tồn và phát huy nghệ thuật Hát Xẩm trong xã hội đương đại

20/01/2022 01:00

(DTTG) Trong kho tàng văn nghệ dân gian Việt Nam, Hát Xẩm là loại hình âm nhạc giàu tính nhân văn và sở hữu nhiều giá trị độc đáo cả về nội dung và nghệ thuật. Thế nhưng, trước guồng quay của cuộc sống hiện đại, nghệ thuật Hát Xẩm đang đối mặt nhiều nguy cơ mai một, đòi hỏi cần sớm có biện pháp hỗ trợ bảo tồn, phục hồi và phát huy.

Hát Xẩm giàu tính nhân văn, nhiều giá trị độc đáo

Hát Xẩm là loại hình âm nhạc vô cùng đặc sắc bởi ở đó là cả một thế giới nội tâm, chứa đựng tâm tư, tình cảm của con người đối với quê hương, đất nước, ca ngợi công cha nghĩa mẹ, ca ngợi tình yêu đôi lứa, tình anh em, bạn bè... Các bài Hát Xẩm thường đề cập đến nhiều vấn đề ở mọi khía cạnh, trong mọi tình huống của cuộc sống. Đặc biệt, các Nghệ nhân Hát Xẩm thường chọn thơ văn có tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm để thể hiện trong các làn điệu xẩm. Thời phong kiến, Hát Xẩm là tiếng nói phản kháng lên án những bất công cường quyền, áp bức, bênh vực thân phận bất hạnh nghèo khổ bị chà đạp. Các Nghệ nhân Hát Xẩm còn thường xuyên cập nhật những vấn đề mang tính thời sự, đả kích và phê phán những thói hư tật xấu của xã hội đương thời…

Với những nghệ sĩ tài năng và tâm huyết, nhóm Xẩm Hà thành đã hồi sinh những làn điệu Xẩm cổ, thổi hơi thở thời đại vào những sáng tác mới
Với những nghệ sĩ tài năng và tâm huyết, nhóm Xẩm Hà thành đã hồi sinh những làn điệu Xẩm cổ, thổi hơi thở thời đại vào những sáng tác mới

Dù nội dung của các bài xẩm thường nói về tình yêu hay đề tài mang tính đấu tranh, dân vận... được các nghệ nhân "kể" bằng âm nhạc một cách hóm hỉnh, dễ nghe, dễ nhớ. Là sản phẩm của người lao động nên tính chất âm nhạc, lời ca trong xẩm hết sức mộc mạc chân thành, song nó cũng chứa đựng những nội dung tư tưởng sâu sắc. Lời ca trong hát xẩm không chỉ phong phú về thể loại như ca dao, tục ngữ, thơ của các tác giả nổi tiếng, mà còn rất đa dạng về mặt nội dung. Những ca từ của xẩm hàm chứa những triết lý, những lời răn dạy đạo lý ở đời.

Bên cạnh giá trị nghệ thuật, Hát Xẩm còn là loại hình âm nhạc dân gian mang đậm tính nhân văn, thẩm mỹ và giáo dục về đạo đức, lối sống của mọi tầng lớp trong xã hội. Với lối kể sâu sắc, khéo léo và hấp dẫn, Hát Xẩm là một loại hình âm nhạc có một lối diễn xướng dân gian độc đáo trong kho tàng âm nhạc cổ truyền của dân tộc ta. Không chỉ phục vụ cho đám đông ngoài xã hội, người nghệ sỹ xẩm còn sẵn sàng phục vụ theo yêu cầu như trong những dịp hội hè, cưới xin, ma chay, giỗ kỵ. Thậm chí, nhiều khi chỉ đơn giản là “nhờ bác xẩm đánh tiếng giùm” với cô nàng thôn nữ đang đứng bên đàng...

Nhóm Xẩm Hà Thành thể hiện bài hát Tiêu diệt Corona, sáng tác dựa trên điệu Xẩm Sai
Nhóm Xẩm Hà Thành thể hiện bài hát Tiêu diệt Corona, sáng tác dựa trên điệu Xẩm Sai

Theo nhạc sỹ Thao Giang, từ khi ra đời đến khoảng nửa đầu thế kỷ 20, Hát Xẩm thường được gọi với những cái tên khác nhau như hát rong, hát dạo… Cho đến nay, nhiều người vẫn hiểu xẩm là lối hát của người khiếm thị, ăn xin nhưng đúng ra là người khiếm thị đã dùng nghệ thuật Hát Xẩm làm phương tiện kiếm sống. Trên thực tế, Hát Xẩm là thể loại âm nhạc dân gian chuyên nghiệp, chỉ khác ở chỗ, sân khấu của họ chính là đường phố, là gốc đa, bến nước, sân đình... hoặc đơn giản chỉ là một góc chợ quê nghèo. Có thể nói, Hát Xẩm là món ăn tinh thần của quần chúng lao động. Trước đây Hát Xẩm gắn với hoạt động của nhân dân ta trong những vụ nông nhàn. Thường thì sau vụ mùa bội thu, những gánh hát xẩm thường được mời về hát tại tư gia của những gia đình giàu có quyền quý.

Theo GS, TS Từ Thị Loan, nguyên Quyền Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam: Mỗi hình thức trình diễn dân gian của người Việt đều mang đặc trưng riêng thể hiện tính địa phương, vùng miền. Nhưng Hát Xẩm không chịu bó mình ở một vùng đất, địa vực nhất định, mà với tính chất của nghệ thuật hát rong được lan truyền và phổ biến rộng rãi, được nhiều thế hệ nghệ nhân dân gian chung sức trao truyền, sáng tạo và nâng cấp để ngày càng phát triển, hoàn thiện cả về đặc trưng thể loại cũng như giá trị văn hóa, nghệ thuật.

Về nội dung, Hát Xẩm mang giá trị nhân văn sâu sắc, từ ca ngợi quê hương, đất nước, ôn lại truyền thống lịch sử đến đả phá những thói hư tật xấu, giáo dục đạo lý làm người, lên án những bất công trong xã hội…Về nghệ thuật, Hát Xẩm chắt lọc những cái hay, cái đẹp, nét tinh túy của các thể loại âm nhạc cổ truyền như chèo, ca trù, trống quân, cò lả, hát ví, hát ru, quan họ, hò khoan…, đồng thời luôn có những sắc thái, đặc trưng riêng không thể trộn lẫn. Có thể kể đến những làn điệu xẩm phổ biến như: Xẩm Thập ân, Xẩm Huê tình, Xẩm Hà liễu, Xẩm Ba bậc, Xẩm Trống quân, Xẩm Hò khoan, Xẩm Phồn huê, Xẩm Chợ, Xẩm Sai, Xẩm Ngâm vịnh, Xẩm Tàu điện, Hát ai...

Khó khăn, thách thức, có nguy cơ “thất truyền”

Tại Hội thảo khoa học quốc tế Bảo tồn và phát huy nghệ thuật Hát Xẩm trong xã hội đương đại vừa được Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Ninh Bình và Trường ĐH Temple Hoa Kỳ tổ chức tại TP Ninh Bình, nhiều chuyên gia nhận định, Hát Xẩm đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Môi trường diễn xướng dân gian truyền thống của Hát Xẩm dần bị thu hẹp; đội ngũ nghệ nhân thực hành và kế cận ngày càng thưa vắng; thị hiếu công chúng thay đổi… Vì chịu sự cạnh tranh gay gắt với nhiều loại hình nghệ thuật giải trí khác, Hát Xẩm đang ngày càng bị lãng quên và có nguy cơ thất truyền.

Một tiết mục nghệ thuật Hát Xẩm
Một tiết mục nghệ thuật Hát Xẩm

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Viện trưởng phụ trách Viện VHNT quốc gia Việt Nam nhận định, cũng giống như nhiều thể loại âm nhạc dân tộc khác, Hát Xẩm đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Bà Phương phân tích, những khó khăn có thể thấy rõ là môi trường diễn xướng dân gian truyền thống của Xẩm đang dần bị thu hẹp; đội ngũ nghệ nhân thực hành và kế cận ngày càng thưa vắng; thị hiếu của công chúng thay đổi. Chịu sự cạnh tranh gay gắt với nhiều loại hình, thể loại nghệ thuật giải trí khác, Hát Xẩm cũng không còn là phương thức mưu sinh của những người khiếm thị. “Những vấn đề bất cập này khiến cho Hát Xẩm ngày càng bị lãng quên, thất truyền mà nếu không có biện pháp phù hợp để hỗ trợ bảo vệ, phục hồi thì sẽ khó có thể tồn tại trong thời gian tới…”.

Cùng nhận định về nguy cơ mai một, thất truyền của Hát Xẩm, GS.TS Từ Thị Loan phân tích những khó khăn đối với việc bảo vệ Hát Xẩm trong bối cảnh đương đại. Lớn nhất vẫn là sự hẫng hụt đội ngũ nghệ nhân thực hành và những người kế cận. Các nghệ nhân Hát Xẩm tài danh lần lượt ra đi, đem theo những giá trị nghệ thuật đặc sắc mà họ từng lưu giữ và biểu diễn. Năm 2013, khi nghệ nhân Hà Thị Cầu, người được mệnh danh là “Báu vật nhân văn sống”, “Người giữ hồn Xẩm”, “Nghệ nhân Hát Xẩm cuối cùng của thế kỷ XX” qua đời, thì đội ngũ nghệ nhân ngày càng ít ỏi.

Năm 2013, khi nghệ nhân Hà Thị Cầu, người được mệnh danh là “Báu vật nhân văn sống” qua đời, thì đội ngũ nghệ nhân ngày càng ít ỏi
Năm 2013, khi nghệ nhân Hà Thị Cầu, người được mệnh danh là “Báu vật nhân văn sống” qua đời, thì đội ngũ nghệ nhân ngày càng ít ỏi

Đặc điểm truyền nghề của Xẩm cũng tạo thách thức không nhỏ. Là hình thức nghệ thuật gắn với công cuộc mưu sinh nên việc học hỏi, truyền nghề của Xẩm thoải mái, tự do hơn, không phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về lề lối, lớp lang như trong Quan Họ, Hát Xoan, Đờn ca tài tử, Ca Huế… Tuy nhiên, việc theo học thành công Hát Xẩm không phải dễ. Ngoài năng khiếu về ca hát, Xẩm còn đòi hỏi phải có sự trải nghiệm nhất định về đường đời, trường đời thì người học mới thấm được ý nghĩa của từng câu chữ, ca từ, cũng như sự điêu luyện của nhịp phách, ngón đàn. Bởi thế, khá nhiều người thích Hát Xẩm, nhưng để thành danh và trụ vững với nghề Hát Xẩm thì còn lại rất ít.

Để hát Xẩm không “thất truyền” trong đời sống đương đại

Theo nhiều chuyên gia văn hóa, để bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Hát Xẩm trong đời sống đương đại, cần có chiến lược dài hơi với nhiều biện pháp mang tính đồng bộ. Việc tỉnh Ninh Bình, một trong những cái nôi lâu đời của Hát Xẩm phối hợp các địa phương có di sản này triển khai làm hồ sơ đề nghị đưa Hát Xẩm vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tiến tới làm hồ sơ trình UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp là những bước đi thiết thực, kịp thời, đúng hướng.

Ngoài cơ chế chính sách của Nhà nước, các địa phương, cần kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ, tạo điều kiện cho các nhóm, CLB Xẩm hoạt động
Ngoài cơ chế chính sách của Nhà nước, các địa phương, cần kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ, tạo điều kiện cho các nhóm, CLB Xẩm hoạt động

Theo Thạc sĩ Phùng Thị Bình, Viện Thông tin khoa học xã hội: Hiện nay các tư liệu về Hát Xẩm đang nằm tản mát ở nhiều nơi như một vài thư viện, trong tư gia của các nghệ nhân, những người yêu Hát Xẩm,... Không chỉ là những băng đĩa ghi âm, ghi hình các bài Xẩm, tư liệu Hát Xẩm còn bao quát rộng hơn với tranh ảnh, văn bản ghi chép bản nhạc, lời ca, các nhạc cụ, đạo cụ, vật dụng và trang phục của nghệ nhân. Chưa có một cơ quan chuyên môn nào đứng ra sưu tầm, lưu trữ và bảo tồn những tư liệu này trong khi theo thời gian, chúng ngày càng mai một, hư hại. Vì thế, cần có kế hoạch thu thập, tổ chức, bảo tồn và phát huy giá trị Hát Xẩm lâu dài, do một cơ quan có đủ năng lực về chuyên môn, cơ sở vật chất thực hiện. Nguồn tư liệu cần phải được xử lý, phân loại, tổ chức hợp lý trước khi số hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu số.

Về mặt tổng thể, Thạc sĩ Phan Mạnh Dương, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, trước hết, Nhà nước cần có cơ chế chính sách hỗ trợ các Nghệ nhân Hát Xẩm bởi họ là "linh hồn" giữ vai trò quan trọng trong gìn giữ, trao truyền vốn di sản văn hóa truyền thống, cùng với đó là những nghệ sĩ Hát Xẩm đang nỗ lực bảo tồn, quảng bá hình thức nghệ thuật này. Ðồng thời, cần có định hướng và cơ chế nhằm phát huy môi trường diễn xướng nghệ thuật Hát Xẩm qua con đường phát triển du lịch.

Những nơi có Hát Xẩm như Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình đang là điểm đến thu hút đông đảo khách du lịch. Ðây là thị trường đầy tiềm năng để kết hợp giới thiệu, quảng bá nghệ thuật Hát Xẩm. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố có nghệ thuật hát xẩm cần mở rộng mạng lưới các nhóm, câu lạc bộ Xẩm.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, để Hát Xẩm có thể phát triển và lan tỏa sâu rộng hơn trong đời sống, thể loại nghệ thuật âm nhạc dân gian này rất cần sự quan tâm của Nhà nước, chính quyền địa phương, các tổ chức văn hóa nghệ thuật, quỹ văn hóa, các nhà tài trợ và đặc biệt là trách nhiệm của những nghệ nhân, cộng đồng người dân yêu mến Hát Xẩm.

Cần khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động truyền dạy, đào tạo Hát Xẩm qua nhiều hình thức đa dạng
Cần khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động truyền dạy, đào tạo Hát Xẩm qua nhiều hình thức đa dạng

Ngoài cơ chế chính sách của Nhà nước, địa phương, cần kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ, tạo điều kiện cho các nhóm, câu lạc bộ Xẩm hoạt động. Hằng năm, có thể tổ chức các đợt tập huấn, trao đổi kinh nghiệm sinh hoạt câu lạc bộ; các đợt liên hoan nghệ thuật hát Xẩm từ cấp tỉnh, thành phố cho đến khu vực nhằm động viên, tạo sân chơi, sự hưng phấn cho các nghệ nhân, nghệ sĩ hát Xẩm...

Để có thể sống còn và tiếp tục phát triển trong điều kiện hiện nay, Xẩm phải có sự vận động cả về nội dung và hình thức để phù hợp hơn với thị hiếu, thẩm mỹ, nhu cầu của công chúng hiện đại, nhất là công chúng trẻ. Do đó, cần thổi luồng sinh khí mới vào nghệ thuật Hát Xẩm. Các sản phẩm mới tuy vẫn bảo đảm yếu tố bản sắc dân tộc, nhưng cũng phải phù hợp với người nghe đương đại, giúp cho Xẩm được lan tỏa sâu rộng hơn….

Tiếp tục tăng cường công tác đào tạo, quảng bá, nghiên cứu về Xẩm. Cần khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động truyền dạy, đào tạo Hát Xẩm qua nhiều hình thức đa dạng. Ưu tiên hàng đầu vẫn là truyền dạy theo kiểu truyền khẩu, truyền ngón, truyền nghề của các nghệ nhân dân gian.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO