Nỗ lực bảo tồn nghệ thuật chèo truyền thống

25/02/2022 02:00

(DTTG) Chèo là loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền Việt Nam. Chèo phát triển mạnh ở phía bắc Việt Nam với trọng tâm là vùng đồng bằng sông Hồng cùng hai khu vực lan tỏa là trung du miền núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Trước tác động của nền văn hóa hội nhập, nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật chèo truyền thống rất cần được tiếp tục trao truyền, gìn giữ.

Đặc sản văn hóa đặc trưng ở Bắc Bộ

Nghệ thuật sân khấu chèo đã trải qua quá trình lịch sử lâu dài từ thế kỉ 10 tới nay, đã đi sâu vào đời sống xã hội Việt Nam. Chèo phản ánh đầy đủ mọi góc độ của bản sắc dân tộc Việt Nam: Lạc quan, nhân ái, yêu cuộc sống yên lành, bình dị, nhưng tràn đầy tự hào dân tộc, kiên cường đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ tổ quốc. Cũng chính vì nội dung tư tưởng lành mạnh đó mà trong chèo có đầy đủ các thể loại văn học: Trữ tình, lãng mạn, anh hùng ca, sử thi, thơ ca giáo huấn,... Từ năm 2021, Nghệ thuật chèo đồng bằng sông Hồng được lập hồ sơ đề nghị UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nghệ thuật chèo đồng bằng sông Hồng đã được lập hồ sơ đề nghị UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
Nghệ thuật chèo đồng bằng sông Hồng đã được lập hồ sơ đề nghị UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Chèo là loại hình nghệ thuật tổng hợp. Chèo tổng hòa các yếu tố dân ca, dân vũ, dân nhạc, diễn xướng, tuồng tích trở thành đặc sản văn hóa đặc trưng ở Bắc Bộ. Xuất phát từ âm hưởng của giai điệu dân ca dần dần hình thành các tố chất buồn, vui, trong sáng, trầm tư, dí dỏm, trào lộng từng câu hát, trong từng hoàn cảnh cụ thể. Trong sự phát triển thăng hoa của lối nói, lời thơ, trò diễn dân giã đã xướng lên, ngân nga thành làn, thành điệu.

Trong chèo, làn là hơi thở của nhạc điệu. Làn là theo khổ thơ lời hát mà ngân lên. Nhiều lời câu hát sẽ dài, ít lời câu hát ngắn lại. Làn còn được biến tấu để diễn đạt cảm xúc, tình huống cụ thể của tích, trò. Làn chính là sản phẩm của ứng tác âm thanh, ứng diễn tự do theo phương thức dân giã, dân gian. Làn chính là môi trường âm nhạc của câu hát, là âm nhạc hóa thơ ca, được nảy nở từ nhịp trống phách và nét dạo của các nhạc cụ trong chèo.

Đi liền với làn là điệu. Điệu lấy chất liệu, hơi hướng từ làn nhưng được cấu trúc chặt chẽ, định hình nghiêm chỉnh cùng kỹ thuật thể hiện lời hát, thanh điệu ở mức độ cao hơn, ổn định hơn. Điệu được dùng cho đơn ca, đối ca, đồng ca, tốp hát để miêu tả tâm trạng, tính cách nhân vật và bối cảnh. Điệu không được chênh khỏi làn và phải bảo đảm bảo đúng đặc trưng hát chèo. Ở điệu, vai trò âm nhạc được coi trọng, được phát huy, tạo hiệu ứng lan tỏa của câu hát, lời hát.

Âm nhạc đóng vai trò dẫn dắt, nâng tầm, chắp cánh cho câu hát chèo
Âm nhạc đóng vai trò dẫn dắt, nâng tầm, chắp cánh cho câu hát chèo

Âm nhạc đóng vai trò dẫn dắt, nâng tầm, chắp cánh cho câu hát chèo. Nhạc cụ trong chèo bộ gõ có trống bản, trống nhỏ, trống cơm, trống đế, mõ, thanh la. Bộ giây có nhị, đàn nguyệt, đàn tam, hồ. Bộ hơi có sáo trúc. Với người xem, họ sở hữu trống chầu hỗ trợ tiếp lửa cho đêm hát, hội diễn.

Trong chèo có cách diễn tả bằng nghệ thuật múa. Múa chèo đặc sắc ở đôi bàn tay kết hợp chuyển động toàn thân nhẹ nhàng uyển chuyển theo tiết tấu câu hát theo nhịp điệu cung bậc của cảm xúc. Chiếc quạt là đạo cụ ưu thế để người hát, người diễn hòa nhập với động tác múa. Múa trong chèo mang tính ước lệ những động tác trong lao động và cuộc sống.

Hề chèo là nhân vật ước lệ rất phổ biến ở các trò diễn tạo ấn tượng, hoạt náo cho không khí cuộc hát, đêm hát
Hề chèo là nhân vật ước lệ rất phổ biến ở các trò diễn tạo ấn tượng, hoạt náo cho không khí cuộc hát, đêm hát

Hề chèo là nhân vật ước lệ rất phổ biến ở các trò diễn tạo ấn tượng, hoạt náo cho không khí cuộc hát, đêm hát. Với nghệ thuật trào lộng dân gian và sử dụng lối ngọa ngữ sắc sảo hề chèo để lại tiếng cười hỉ xả nơi thôn giã.

Hát chèo có cả trăm làn điệu nằm trong các loại hình: sắp, sử, hề, văn, đường trường, sa lệch, xẩm xoan, luyện năm cung, cách cú, lới lơ, làn thảm, đào liễu, gà rừng… Thế kỷ trước các bậc tiền bối làng chèo còn đưa thêm vào các làn điệu vốn ra đời ở bên ngoài đồng bằng Bắc Bộ như: bồng mạc, sa mạc, hát ví, trống quân, cò lả, hành vân… làm phong phú thêm nghệ thuật chèo.

Phát huy vai trò hạt nhân cơ sở

Nhắc đến Bắc Giang, lâu nay người ta vẫn nhớ đến danh tiếng chèo Chiếng Bắc xưa. Xã hội phát triển khiến bộ môn nghệ thuật truyền thống này đứng trước nguy cơ mai một. Trong bối cảnh đó, nhiều hạt nhân ở cơ sở đã nỗ lực góp sức giữ gìn, tìm cách bảo tồn, phát huy giá trị của nghệ thuật chèo.

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tỉnh Bắc Giang hiện có gần 40 CLB chèo. Giống như nhiều địa phương đồng bằng Bắc Bộ nói chung, hát chèo ở tỉnh Bắc Giang gắn liền với sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian, nhất là ở lễ hội.

Nhắc đến hát chèo có lẽ phải kể đến những cái tên như: Làng chèo Đồng Quan, Tư Mại (Yên Dũng); làng Then (Lạng Giang); làng Hoàng Mai (Việt Yên); làng Bắc Lý (Hiệp Hòa); làng Hạ (Tân Yên)... Thực hiện nhiệm vụ khôi phục, bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật này, mỗi năm Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh đều mở từ 10 đến 12 lớp truyền dạy hát chèo cho các hạt nhân văn nghệ tại địa phương.

Vở diễn
Vở diễn "Hoàng thúc Lý Long Tường" do Nhà hát Chèo Bắc Giang biểu diễn tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ IV -2020 tổ chức tại Hà Nội

Mỗi lớp có 30 đến hàng trăm học viên ở các độ tuổi khác nhau. Để nhân rộng phong trào hát chèo ở các cơ sở, Trung tâm phối hợp với các huyện, thành phố lựa chọn, xây dựng những nhân tố điển hình, tiêu biểu làm nòng cốt cho phong trào.

Cùng với đó, tỉnh Bắc Giang còn tổ chức liên hoan Chèo hàng năm tạo môi trường cho các CLB chèo toàn tỉnh giao lưu học hỏi, đề xuất những giải pháp nhằm bảo tồn nghệ thuật chèo. Đây là sân chơi cho các CLB chèo trên địa bàn tỉnh giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Nhằm góp phần bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật chèo. Tiếp tục điều tra, nghiên cứu mở lớp bồi dưỡng hạt nhân; phục dựng, truyền dạy các vở chèo cổ; phối hợp với ngành giáo dục đưa chèo vào trường học; khôi phục các làng chèo cổ.

Đồng thời giới thiệu về những giá trị đặc sắc của nghệ thuật chèo với người trẻ và công chúng nói chung; thành lập mới các CLB, thường xuyên tổ chức liên hoan giao lưu, qua đó đào tạo, tuyển chọn thế hệ diễn viên, nhạc công kế cận. Để hát chèo in đậm nét trong tiềm thức dân gian người Việt. Không chỉ riêng với tỉnh Bắc Giang, đồng bằng Bắc Bộ mà còn tỏa rộng, vươn xa trong đời sống văn hóa - nghệ thuật đương đại của đất nước.

Nhà hát online trong thời kỳ 4.0

Đại dịch Covid-19 xuất hiện với khả năng lây lan “chóng mặt” sự nguy hiểm khiến cả thế giới “chao đảo” đã tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực và nghệ thuật sân khấu cũng không nằm ngoài sự tác động đó. Trong gần hai năm nay, dù đã nỗ lực, cố gắng nhưng số buổi sân khấu sáng đèn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong giai đoạn hoạt động biểu diễn bị ngưng trệ do dịch bệnh, chưa biết đến khi nào sân khấu mới có thể tiếp tục mở cửa đón khán giả, mô hình “nhà hát online” không chỉ là giải pháp tình thế mà đang dần trở thành xu hướng tất yếu của xã hội phát triển.

Vở chèo “Trọn nghĩa non sông” của Nhà hát Chèo Thái Bình đạt huy chương Vàng tại liên hoan Chèo toàn quốc năm 2019
Vở chèo “Trọn nghĩa non sông” của Nhà hát Chèo Thái Bình đạt huy chương Vàng tại liên hoan Chèo toàn quốc năm 2019

Đặc biệt, vào hồi cuối tháng 8/2021 Nhà hát Chèo Thái Bình đã ghi hình phát sóng chương trình nghệ thuật đặc sắc chào mừng Quốc khánh 2/9 thay cho chương trình biểu diễn trực tiếp tại Quảng trường 14/10 như mọi năm, thiết thực phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa, nghệ thuật của người dân. Dù là ghi hình phát sóng, đây vẫn là chương trình được dàn dựng công phu với sự tham gia của tập thể nhạc công, ca sĩ đến từ cả 3 đoàn nghệ thuật của Nhà hát với những ca khúc hát mới, hát chèo, hát văn...

Trong thời điểm sân khấu tạm dừng hoạt động do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, trên trang mạng xã hội của Nhà hát cũng liên tục cập nhật hoạt động tập luyện của diễn viên, những dự án mới, những trích đoạn chèo cổ đã được ghi hình từ trước... Qua đó, các nghệ sĩ cũng như người yêu nghệ thuật có thêm cơ hội được giao lưu, sẻ chia, cùng động viên nhau vượt qua thời điểm khó khăn do dịch bệnh.

Nhiều vở chèo, trích đoạn chèo cổ được nghệ sĩ Nhà hát Chèo phục dựng thành công góp phần làm sống dậy không gian nghệ thuật truyền thống giữa dòng chảy đương đại.
Nhiều vở chèo, trích đoạn chèo cổ được nghệ sĩ Nhà hát Chèo phục dựng thành công góp phần làm sống dậy không gian nghệ thuật truyền thống giữa dòng chảy đương đại

Thay vì những vở diễn trên sân khấu sáng đèn trước tiếng vỗ tay, reo hò của khán giả, “nhà hát online” đã tạo nên những buổi biểu diễn trực tuyến lan rộng trên mạng xã hội cho nghệ sĩ nhiều hơn cơ hội để đến gần hơn với công chúng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Nếu một buổi biểu diễn tại nhà hát, tại quảng trường... số người xem chỉ đến hàng trăm, hàng nghìn thì qua mạng xã hội, buổi biểu diễn ấy sẽ có thể đến với hàng vạn, hàng triệu khán giả xa và gần. Người xem cũng có thể xem đi xem lại nhiều lần, có thời gian hơn để suy ngẫm về những thông điệp được đưa ra. Nhưng nghệ sĩ nào cũng cần những phút giây thăng hoa trong nghệ thuật và sự cổ vũ trực tiếp của khán giả luôn là “chất xúc tác” tuyệt vời nhất cho điều đó.

Bằng nhiều cách khác nhau, những làn điệu chèo ngọt ngào, tha thiết, những trích đoạn chèo cổ với ý nghĩa nhân văn vẫn đang từng ngày đến gần hơn với công chúng yêu nghệ thuật, vượt qua cả biên giới xa xôi, kéo những con người xa lạ xích lại gần nhau, cổ vũ, động viên mỗi người hãy nỗ lực, cố gắng hơn để vượt qua khó khăn của dịch bệnh. Cuộc sống thay đổi từng ngày nhưng những người nghệ sĩ vẫn luôn tự hào và quyết tâm gìn giữ bản sắc văn hóa của cha ông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO